Với trên 93% dân số là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, nhiều gia đình, dòng họ ở xã Đạ Long, huyện Đam Rông vẫn duy trì chế độ mẫu hệ...
Với trên 93% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên, nhiều gia đình, dòng họ ở xã Đạ Long, huyện Đam Rông vẫn duy trì chế độ mẫu hệ. Vị trí, vai trò và tiếng nói của người phụ nữ có tầm ảnh hưởng rất lớn. Bởi vậy, trong nỗ lực đẩy lùi hủ tục, xây dựng đời sống văn minh, Đạ Long đã chọn hướng đi bắt đầu từ phụ nữ.
|
Thành lập các mô hình, tổ nhóm dệt thổ cẩm là một trong những giải pháp đẩy lùi hủ tục, phát huy truyền thống văn hóa ở Đạ Long |
Bí thư Đảng ủy xã, ông Trương Văn Sáng cho biết: “Đạ Long là xã còn nhiều khó khăn. Một trong những yếu tố kìm hãm sự phát triển ở địa bàn này do những hủ tục, mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại. Điều đó có thể thấy rõ khi trong suy nghĩ của đa phần người dân nơi đây “trời sinh voi, sinh cỏ”, sinh càng nhiều con càng tốt, đau ốm thì tìm thầy cúng, đám cưới, đám hỏi tổ chức ăn uống rình rang, linh đình. Đặc biệt, hủ tục thách cưới vẫn còn rất nặng nề. Có không ít trường hợp gia đình đã phải cầm cố nhà, bán đất, bán ruộng, thậm chí phải vay nóng để có tiền tổ chức hôn lễ cho con gái. Việc thách cưới đã đưa nhiều gia đình, nhất là những cặp vợ chồng cưới nhau xong chìm trong nợ nần, nghèo khó. Điều đáng nói là những hủ tục, mê tín dị đoan nêu trên lại bị một số đối tượng xấu lợi dụng để lừa bịp bà con”.
Xác định rõ, để phát triển kinh tế trước hết phải thay đổi suy nghĩ của bà con, xóa bỏ những hủ tục. Và công tác tuyên truyền được xem là giải pháp cốt lõi mà ở đó, phụ nữ là lực lượng nòng cốt. Với sự ảnh hưởng lớn từ chế độ mẫu hệ, người phụ nữ vẫn có vị trí vô cùng quan trọng, thậm chí đóng vai trò quyết định trong các gia đình, dòng họ. Bởi vậy, Đảng ủy xã đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đạ Long để vận động, tuyên truyền, bắt đầu từ các hội viên để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi nhằm xóa bỏ dần các hủ tục, hướng đến xây dựng cuộc sống văn minh, gia đình hạnh phúc.
Chị M’Bon K’Thương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đạ Long hiện có 5 chi hội với 558/853 phụ nữ ở xã đã là hội viên Hội Phụ nữ. Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa chị em hội viên vào thực hiện các chương trình “5 không, 3 sạch”, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Đã có 348/558 hội viên tham gia các chương trình này và thấy được những lợi ích từ việc xây dựng nếp sống văn hóa. Đó là cơ sở để tổ chức Hội Phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động xóa bỏ những hủ tục, chỉ giữ lại và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Theo đó, Hội Phụ nữ xã Đạ Long đã tuyên truyền thông qua việc vận động chị em hội viên thực hiện những việc làm thiết thực như chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thoát đói nghèo; không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba trở lên; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; giữ sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ… Để làm được điều đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đạ Long đã thành lập 2 mô hình “phụ nữ không sinh con thứ 3” ở Thôn 3 và Thôn 4 - những thôn khó khăn nhất của xã (ngoài ra, mô hình “Hũ gạo tình thương” cũng đã được xây dựng đễ hỗ trợ các gia đình hội viên khó khăn ở Thôn 1 và Thôn 4); mô hình dệt thổ cẩm ở Thôn 2. Các mô hình trên vừa hỗ trợ chị em hội viên phát triển kinh tế vừa góp phần gìn giữ những nét đẹp đặc trưng của dân tộc. Riêng đối với mô hình dệt thổ cẩm, nay đã lan ra ở nhiều thôn khác. Hội Phụ nữ xã cũng đã mở các lớp dạy dệt thổ cẩm thu hút hơn 45 hội viên tham gia. Hiện đã có 20 hội viên đủ trình độ để dệt các sản phẩm thổ cẩm hoàn thiện.
Thông qua các hoạt động đó, chị em hội viên nói riêng và bà con nhân dân nói chung đã nhận thức rõ hơn về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ đã dần hiểu ra những hệ lụy từ các hủ tục - thứ kìm hãm sự phát triển của cả vùng đất này, nhất là những người trẻ. Dơng Gu K’Thủy (23 tuổi) và câu chuyện từ bỏ hủ tục thách cưới của cô là một trong những minh chứng cho sự “đổi thay” của người phụ nữ ở mảnh đất này. Tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở 2, Thành phố Hồ Chí Minh và mang theo mong muốn về cống hiến cho địa phương. Tuy nhiên, việc đầu tiên khi mang bằng tốt nghiệp về nhà là phải từ chối một cuộc hôn nhân cận huyết được dòng họ sắp đặt. Bởi với K’Thủy: “Hạnh phúc phải được xây dựng từ tình yêu. Và em sẽ không lấy ai thách cưới. Bởi thách cưới không làm nên hạnh phúc mà chỉ để lại nợ nần”. Câu chuyện của K’Thủy không chỉ làm thay đổi suy nghĩ trong chính gia đình cô mà còn tạo cảm hứng và lan tỏa trong nhiều người khác ở Đạ Long, nhất là những cô gái trẻ.
Sự đổi thay trong suy nghĩ của người dân Đạ Long đã dần xuất hiện. Hiện đã có nhiều gia đình đăng ký tham gia thoát nghèo. Những người phụ nữ ở Đạ Long đã chủ động hơn trong việc xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh. Đến nay, cơ bản 85% gia đình hội viên đã chủ động đi đầu trong xóa bỏ các hủ tục. 100% hội viên không tự sinh con tại nhà như trước đây, không phân biệt con trai, con gái, không kết hôn cận huyết thống, tảo hôn… Các hủ tục dần được đẩy lùi, nhưng để hết hẳn trong đời sống người dân thì còn cần rất nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị ở Đạ Long.
HOÀNG MY