Gương sáng cựu binh xây dựng nông thôn mới

06:06, 15/06/2020

Theo giới thiệu của Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh, tôi tiếp xúc với cựu chiến binh - nông dân Nguyễn Vũ Minh Tâm ở xã Đạ Pal...   

Theo giới thiệu của Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh, tôi tiếp xúc với cựu chiến binh - nông dân Nguyễn Vũ Minh Tâm ở xã Đạ Pal. Xong nghĩa vụ quân sự, anh đưa gia đình định cư gần 30 năm trên vùng đất nhiều gian khó và trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cá nhân điển hình toàn quốc về xây dựng nông thôn mới (NTM).  
 
Anh Nguyễn Vũ Minh Tâm tại Hội nghị toàn quốc về điển hình xây dựng NTM
Anh Nguyễn Vũ Minh Tâm tại Hội nghị toàn quốc về điển hình xây dựng NTM
Anh Nguyễn Vũ Minh Tâm, sinh năm 1960, quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tháng 3/1981, từ công chức ngành địa chất, anh lên đường nhập ngũ và tham gia bảo vệ Tổ quốc trong Chiến tranh biên giới phía Bắc. Năm 1986, người cựu chiến binh ấy vào huyện Đạ Tẻh thăm họ hàng và bén duyên với đất “vùng ba”. Gần 6 năm sau với nhiều ấp ủ, Nguyễn Vũ Minh Tâm vào lập nghiệp và năm sau đó đưa gia đình vào định cư tại thôn Xuân Châu, xã Đạ Pal bây giờ. Nhớ những năm đầu lập nghiệp, anh Tâm vẫn còn ám ảnh: “Khổ lắm, sốt rét nhiều, có đến mấy người chết. Những người bộ đội như chúng tôi không bao giờ cầm kim tiêm mà vẫn cầm kim tiêm quinin cho bà con. Giữa cái sống và cái chết không có lựa chọn nào khác. Đường sá thì ngăn cách vì sông suối và lụt lội. Rồi đói. Nông dân vùng ven sông Hồng chúng tôi vào chưa có kinh nghiệm canh tác nơi đất cao, chỉ được năm đầu, năm sau chả có gì ăn. Toàn lên rừng kiếm được cái gì người ta mua thì lấy về bán, nhưng đường sá không có. Khổ!...”. Dĩ nhiên thời điểm đó cả nước đều khó khăn, nhưng nơi sơn cùng thủy tận này còn khổ hơn nhiều…
 
Đã yêu đất này thì phải làm cho “đất nở hoa”. Đó là quyết tâm của anh Bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Vũ Minh Tâm. Tình yêu thương gia đình và cộng đồng dân cư, sự học hành của trẻ nhỏ càng hun đúc ý chí vươn lên trong anh Tâm. Anh tham gia 2 khóa đầu tiên HĐND xã khi Đạ Pal thành lập và 10 năm làm thôn trưởng. Với những vị trí này, anh tiếp nhận các chủ trương, chính sách của Nhà nước để vừa học hỏi, vừa làm cầu nối giữa các tổ chức với người dân. Đặc biệt, khi có chủ trương xây dựng NTM, nông dân Nguyễn Vũ Minh Tâm trở thành cánh chim đầu đàn. Anh Tâm luôn xác định phải xây dựng nền tảng nâng cao chất lượng cuộc sống bằng sức lao động sáng tạo trong sản xuất kinh tế hộ. Không xóa được đói, không giảm được nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng thì xây dựng NTM không thể thành công. Tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất là nhận thức sâu sắc để anh Tâm học hỏi từ thực tiễn và những chuyên gia. Khi có vốn liếng tri thức, anh mạnh dạn hành động. Anh Tâm vay ngân hàng đầu tư trồng 4 ha cây cao su, nay đạt khoảng 10 tấn/năm. Là người áp dụng công nghệ thu hoạch, anh chia sẻ: “Cao su đã khép tán, đỡ sâu bệnh, nếu một gia đình có khoảng vài ha là thu nhập ổn định được”. Cách đưa kinh tế gia đình đi lên của anh Tâm là đồng thời phát triển đa cây đa con và đa lĩnh vực. Hiện gia đình anh có 4 ha điều và gần 1,2 ha dâu tằm. Anh là một trong 2 người tiên phong thuê chuyên gia Trung Quốc xây dựng trại ươm giống tằm con phục vụ nông dân Đạ Tẻh. Dày dặn kinh nghiệm nhờ nối nghề mấy đời, sản lượng kén đạt cao (bình quân mỗi tháng thu khoảng 2 tạ, cao điểm 3-4 tạ/tháng); nhưng anh cho biết, con cái đi học đi làm, nghề dâu tằm rất vất vả và còn lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc nên anh đồng thời triển khai dịch vụ thu mua hàng nông sản. Đặc biệt là thu mua kén tằm từ năm 1991 đến nay, mỗi năm khoảng 20 tấn. Để khích lệ các hộ thiếu vốn và ổn định sản phẩm thu mua, anh Tâm đầu tư khoảng 1 tỷ đồng cho họ không lấy lãi, vận động và hướng dẫn mọi người tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sau đó thu lại sản phẩm. Hiện cơ sở của gia đình anh Minh Tâm có từ 4-7 người làm việc thường xuyên, thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Với gia đình, 2 con tốt nghiệp đại học làm việc ở xa, lao động chính chỉ có 3 người (vợ, chồng và con trai là công an viên của xã sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự). Thu nhập bình quân mỗi lao động 700 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí. Ngoài căn nhà xây rất khang trang với nhiều tiện nghi sang trọng, gia đình anh Tâm còn sắm nhiều phương tiện như máy móc, xe ô tô tải và tích lũy để tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất. 
 
Đóng góp vào phong trào xây dựng NTM của xã, gia đình anh Nguyễn Vũ Minh Tâm đã hiến 1.000 m2 làm hội trường thôn và khoảng 2.000 m2 làm đường giao thông; đóng góp 14 triệu đồng và 20 ngày công để làm các hạng mục hạ tầng cơ sở… Nhưng anh khiêm tốn và luôn sẻ chia với cộng đồng để vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống nơi họ. Anh Tâm nói: “Việc làm của mình cũng bình thường. Mình cùng bà con xây dựng cuộc sống nông thôn là để cho mọi người dân được hưởng lợi”. Cuối năm 2018, xã Đạ Pal về đích cả 19 tiêu chí NTM. Với dòng họ, anh Nguyễn Vũ Minh Tâm là trưởng tộc, có công lớn về xây dựng dòng họ khuyến học, trở thành điển hình nhiều năm của Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng. Với xã hội, anh Nguyễn Vũ Minh Tâm là “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh” từ năm 2015 đến nay; được các cấp, các ngành ghi nhận nhiều thành tích. Đặc biệt, cuối năm 2019, anh là đại biểu tỉnh Lâm Đồng tham dự “Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020” và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
 
MINH ĐẠO