Được chăm sóc và hoàn thiện sản phẩm theo phương pháp hữu cơ vi sinh, Robusta Honey Coffee của anh Phạm Văn Quang (tại Thôn 9, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh) dần được nhiều người biết đến...
Được chăm sóc và hoàn thiện sản phẩm theo phương pháp hữu cơ vi sinh, Robusta Honey Coffee của anh Phạm Văn Quang (tại Thôn 9, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh) dần được nhiều người biết đến. Anh chia sẻ: “Tôi không quan tâm tới việc mình sẽ kiếm được nhiều tiền từ cà phê, mà chỉ làm vì mình muốn hướng cà phê quê nhà trở thành một sản phẩm hoàn toàn sạch, an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường”.
|
Hướng tới sản phẩm sạch, hoàn toàn được làm từ hữu cơ vi sinh, Phạm Văn Quang hình thành nên hương vị Robusta Honey Coffe tại xã Hòa Bắc, huyện Di Linh |
Robusta Honey Cofffe của Quang
Dừng lại quãng đời sinh viên sau 2 năm theo học tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Phạm Văn Quang (24 tuổi) từ một cậu sinh viên giờ đây đã biến mình trở thành một anh chàng nông dân làm cà phê sạch tại quê nhà.
Khác với giới trẻ hiện nay mong tìm được công việc ổn định ở các thành phố lớn, Quang lại muốn về quê “gieo” niềm hy vọng phát triển mô hình trồng cà phê theo phương thức hữu cơ.
Và chắc hẳn trong suy nghĩ của nhiều người, với một chàng trai vừa mới bước vào tuổi 24, thì những suy nghĩ và cách làm còn bồng bột của tuổi trẻ, sự vui chơi theo sở thích. Nhưng đối với Quang, mọi thứ hoàn toàn khác ngay khi nghe anh chia sẻ về chuyện làm nông nghiệp sạch, làm cà phê hữu cơ, để khi ấy người nghe có thể dễ nhận thấy ở chàng trai trẻ này thực sự có niềm đam mê, quyết tâm theo đuổi con đường riêng của mình.
Anh kể, có nhiều lí do khiến anh từ bỏ con đường đại học còn nhiều dang dở, nhưng có lẽ thời gian anh chắc chắn hơn về quyết định của mình là những lần ngồi uống cà phê ở các tiệm lớn tại Sài Gòn và thậm chí là ở các quán cà phê cóc. Sau những lần đó bản thân tự cảm nhận được hương vị cà phê không được như trước. Đa số người làm ra cà phê hiện nay ít ai quan tâm đến chất lượng mà họ chỉ quan tâm đến số lượng khi làm ra và giá trị mang lại là bao nhiêu. Vì vậy, vô tình đã làm mất đi giá trị vốn có của cà phê. “Chợt suy nghĩ, quê mình là nơi cung ứng nguyên liệu cho thị trường, vậy sao tôi không thử tạo ra sản phẩm sạch để sử dụng, trước hết là để phục vụ bản thân và sau đó là phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của mọi người” - Quang giãi bày.
Sau quãng thời gian dài suy nghĩ, Quang về lại xã Hòa Bắc, huyện Di Linh để gầy dựng nên một vùng cà phê sạch bằng hương vị Robusta truyền thống với mục tiêu “Hương vị tự nhiên, thuần khiết”.
Vừa học vừa tích lũy kinh nghiệm, từ năm 2015 đến nay, Quang tập trung phát triển mạnh cà phê hữu cơ vi sinh và sử dụng hoàn toàn vùng nguyên liệu cà phê Robusta truyền thống của gia đình có từ trước đó, kết hợp hương vị Honey hay còn được gọi là hương vị mật ong để tạo nên đặc sản riêng cho vùng quê anh.
Quang chia sẻ: “Sản phẩm cà phê của tôi hiện tại là hàng Robusta Honey, đó là loại cà phê có vị của Robusta nằm trong khoảng từ trung tính cho đến gắt, vị của nó được mô tả giống như bột yến mạch và chế biến theo phương pháp Honey. Phương pháp mật ong sẽ giữ lại một phần thịt vỏ của quả cà phê trong quá trình phơi khô. Chính vì vậy, Robusta Honey có thêm lớp bên ngoài với hương vị đắng dịu, chua nhẹ vốn có. Đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa 2 phương pháp vừa có vị trái cây nhưng không quá đậm như chế biến khô và vị chua cân bằng hơn chế biến ướt với hương vị ngọt và đặc sắc”.
Hướng tới nguồn nguyên liệu sạch
Khác biệt với những vùng nguyên liệu cà phê thường thấy, vườn cà phê rộng hơn 2 ha của Quang trông có vẻ “bừa bộn”. Từng gốc cây không được chăm chút vét bồn, làm sạch cỏ mà thay vào đó là ngổn ngang cành lá, cỏ xanh mọc um tùm.
Quang cho biết thêm, từ lúc có ý định hình thành vùng nguyên liệu cà phê sạch, vườn của anh hoàn toàn không sử dụng bất cứ một loại hóa chất nào để tạo thành phẩm, bởi ngoài để cỏ mọc xung quanh nhằm tạo độ ẩm cho cây, đến mùa mưa, anh rải thêm một số loại nấm, men vi sinh ủ với các loại cỏ, lá cây, vỏ cà phê, vừa tăng thêm độ ẩm, vừa tạo thành phân hữu cơ bón cho cây trồng để tiết kiệm chi phí, chống xói mòn đất, giảm ô nhiễm môi trường.
“Robusta Honey Coffee không quá khó để làm nhưng để hình thành nên một sản phẩm hoàn chỉnh thì cần phải có thời gian. Sau khi trải qua công đoạn sơ chế, rửa sạch và phơi trong nhà kính để lên men tự nhiên mới mang đi rang, xay. Chính vì vậy, hạt cà phê vẫn còn giữ được lớp thịt lụa bên ngoài. Lớp vỏ này sẽ giữ được vị ngọt của trái cà phê khi chín và có màu ngả vàng khi phơi. Nhằm nâng cao giá trị hạt cà phê hữu cơ, tôi chỉ thu hái quả chín gần 100%, thời gian thu kéo dài từ 3 - 4 tháng” - Quang nói.
Do khác với cách chế biến ướt, cà phê được đem phơi ngay sau bóc vỏ thịt thì vẫn còn lớp đường và chứa nhiều chất dinh dưỡng bên ngoài. Hấp dẫn hơn nữa, khi được thực hiện đúng, cà phê giống như có thêm mật ong và đường vàng trong ly. Mỗi ký cà phê được trồng, chế biến kỳ công như thế có giá bán từ 150.000 - 200.000 đồng.
Ngoài ra, để có một hương vị Honey, Quang còn dành diện tích hơn 200 m
2 để xây dựng hệ thống nhà kính, đặt dàn phơi nhằm tăng thêm độ ẩm khi phơi và giữ cho cà phê sạch, có mùi mật ong khi thành phẩm.
“Năm qua năng suất cà phê trong nhà kính của anh thu về được 4 tấn nhân/ha nhưng bản thân tôi luôn quan niệm chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu, mọi thứ phải làm từ tự nhiên thì khi ấy tôi mới hài lòng về sản phẩm mình làm ra”, Quang cho hay.
Hiện tại, Quang có nhiều định hướng phát triển sản phẩm trong vườn, ấy là hướng tới bảo vệ sức khỏe của người canh tác, người tiêu dùng và giữ được môi trường trong sạch. Bên cạnh đó, Quang cũng đang dần khẳng định được cà phê Robusta Honey tại địa phương đang là một trong những tiềm năng để người dân có thể kết nối phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị cà phê và hướng tới phát triển du lịch canh nông.
HÀ ANH