Sáp nhập 4 xã thành 2 xã để giảm từ 11 xã, thị trấn trong huyện xuống còn 9 xã, thị trấn; đồng thời, sáp nhập để giảm bớt 22 thôn, tổ dân phố trong huyện, Cát Tiên đã sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư như thế nào sau khi sáp nhập?
Sáp nhập 4 xã thành 2 xã để giảm từ 11 xã, thị trấn trong huyện xuống còn 9 xã, thị trấn; đồng thời, sáp nhập để giảm bớt 22 thôn, tổ dân phố trong huyện, Cát Tiên đã sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư như thế nào sau khi sáp nhập?
|
Cao Sinh - thôn điển hình trong nhiều hoạt động của huyện tại xã Gia Viễn - Cát Tiên |
Giảm xã và thôn, tổ dân phố
Nằm ở phía Tây cực Nam tỉnh Lâm Đồng, huyện vùng sâu Cát Tiên với tổng dân số trên 40,8 nghìn người, có 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 xã và 2 thị trấn; 81 thôn, tổ dân phố. Do có 4 xã với diện tích tự nhiên và qui mô dân số đạt thấp (dưới 50%) theo chuẩn quốc gia quy định, nên trong cuối năm 2019 và đầu năm 2020, huyện Cát Tiên đã tiến hành sáp nhập 4 xã thành 2 xã để giảm từ 11 xã, thị trấn xuống còn 9 xã, thị trấn; đồng thời, cũng sắp xếp các thôn, tổ dân phố trên toàn huyện để sáp nhập, giảm bớt 22 thôn, tổ dân phố trong huyện.
4 xã được sắp xếp sáp nhập trong thời gian qua chính là xã Tư Nghĩa - được sáp nhập vào xã Quảng Ngãi và xã Mỹ Lâm sáp nhập vào xã Nam Ninh.
Để chuẩn bị cho việc sáp nhập 4 xã thành 2 xã trên, Cát Tiên cho biết đã lên kế hoạch một cách cụ thể, trước nhất là việc vận động dân đồng thuận chủ trương của chính quyền; tiến hành thống kê, kiểm kê, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác bàn giao, tiếp nhận và tiến hành chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính có liên quan đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Sau một thời gian chuẩn bị kỹ, các xã trên đã tiến hành sáp nhập và sau khi hoàn tất việc sáp nhập, 2 xã sau sáp nhập đã bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2020.
Cùng đó, huyện cũng cho sáp nhập 39 thôn, tổ dân phố trên địa bàn và hoàn tất việc sáp nhập nhanh chóng sau đó. Sau khi sáp nhập, số thôn, tổ dân phố còn lại trên địa bàn Cát Tiên từ 81 thôn, tổ dân phố như trước đây xuống còn 59 thôn, tổ dân phố; giảm được 22 thôn, tổ dân phố.
Cần thêm thời gian cho việc sắp xếp cán bộ, công chức
Đồng thời với việc sáp nhập đơn vị hành chính, huyện cũng tiến hành bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn các xã vừa sáp nhập.
Tiêu chí đưa ra là phải đảm bảo cơ cấu, số lượng, lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực, đủ tiêu chuẩn để đảm nhận các vị trí công tác tại 2 đơn vị hành chính cấp xã mới, gắn với việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tổng cộng tại 4 xã trên trước khi sáp nhập có 147 người đang làm việc, gồm 42 cán bộ, 37 công chức và 68 người hoạt động không chuyên trách. Sau khi sáp nhập, theo quy định, chỉ bố trí 42 cán bộ, công chức (gồm 20 cán bộ và 22 công chức) cộng với 27 người hoạt động không chuyên trách đối với 2 xã.
Như vậy, tổng cộng sau khi sáp nhập đã dôi dư 78 người, trong đó có 22 cán bộ, 15 công chức và 41 người hoạt động không chuyên trách.
Huyện cho biết đến nay đã bố trí, sắp xếp và giải quyết lần lượt cho 78 trường hợp trên. Trước nhất là giải quyết nghỉ hưu đúng tuổi đối với 5 cán bộ, công chức; giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ- CP và Nghị định 113/2018/NĐ-CP cho 10 trường hợp gồm 6 cán bộ và 4 công chức; có 11 trường hợp là cán bộ, công chức được điều chuyển, xét chuyển thành công chức cấp huyện, cấp xã, trong đó có 5 trường hợp thành công chức cấp huyện, 6 trường hợp là cán bộ, công chức cấp xã.
Huyện cũng đồng thời giải quyết thôi việc cho toàn bộ 41 trường hợp hoạt động không chuyên trách và đang đề nghị hỗ trợ tổng cộng 650 triệu đồng cho những trường hợp thôi việc này.
Với 11 trường hợp cán bộ, công chức còn lại chưa giải quyết, gồm 4 cán bộ, 7 công chức, huyện sẽ chỉ đạo bố trí trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2021, cụ thể sẽ giải quyết chính sách tinh giản biên chế trong năm đến 4 trường hợp, còn 7 trường hợp chờ bố trí, sắp xếp chuyển cấp huyện, cấp xã trong thời gian đến.
Với việc sắp xếp thôn, tổ dân phố, huyện vận động những người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc do dôi dư khi sáp nhập 39 thôn, tổ dân phố. Tổng số trường hợp phải nghỉ việc từ dôi dư sau sắp xếp sáp nhập thôn, tổ dân phố của huyện là 128 người và huyện cũng đang đề nghị hỗ trợ 830 triệu đồng cho những trường hợp này.
Theo UBND huyện Cát Tiên, trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính, huyện đã vận dụng linh hoạt các quy định của Trung ương vào tình hình thực tiễn tại địa phương mình để sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách sao cho phù hợp, gắn với giải quyết chế độ, chính sách đối với số cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp, ưu tiên giải quyết những trường hợp có nguyện vọng nghỉ trước tuổi.
Huyện trong dịp này cũng đề nghị tỉnh quan tâm, tạo điều kiện kéo dài thêm thời gian để huyện rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư so với qui định (tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn, tổ dân phố); đồng thời, đề xuất tỉnh có cơ chế, chính sách đặc thù đối với cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập để động viên những người có quá trình tham gia công tác ở các xã sáp nhập, cũng như ưu tiên bố trí kinh phí để xây dựng thêm một số cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu cho 2 xã mới sáp nhập.
GIA KHÁNH