Việc nhiều thuyền, đò gia dụng tại Lâm Đồng hoạt động không có biển số, không trang bị áo phao hoặc các thiết bị an toàn… đang tiềm ẩn nhiều rủi ro trong mùa mưa bão.
Việc nhiều thuyền, đò gia dụng tại Lâm Đồng hoạt động không có biển số, không trang bị áo phao hoặc các thiết bị an toàn… đang tiềm ẩn nhiều rủi ro trong mùa mưa bão.
|
Xuồng máy tự phát chở khách du lịch trái phép trên hồ Đan Kia - Suối Vàng lâu nay tiềm ẩn nguy hiểm |
Nhìn lại hơn 1 năm trở lại đây, các vụ tai nạn liên quan tới thuyền gia dụng trên địa bàn tỉnh tuy số vụ tai nạn nghiêm trọng không tới mức báo động nhưng đã làm ít nhất 7 người dân thiệt mạng. Như ngày 11/6/2019, anh N.Đ.T (30 tuổi, trú tại thôn Lộc Châu 2, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) sử dụng thuyền để đánh cá trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua xã Tân Nghĩa và không may bị lật thuyền gia dụng dẫn đến đuối nước. Thời điểm gặp nạn, cơ quan chức năng xác định trên thuyền anh T. không có áo phao và các vật dụng an toàn phòng bị cho tình huống xấu nhất.
Cũng trong tháng 6/2019, trên sông Đồng Nai huyện Cát Tiên, 6 người trong 2 gia đình đang đi xuồng trên sông vào làm rẫy thì không may bị lật. Trong lúc nỗ lực cứu người thân trong gia đình, ông Điểu K’Tẹ (46 tuổi) đã bị nước sông nhấn chìm mất tích. Và khoảng 1 tháng sau (ngày 25/7), 3 thanh niên tại địa bàn Thôn 10, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh cùng nhau chèo xuồng ra đập Đạ Bo để câu cá. Khi ra đến giữa đập, xuồng bất ngờ bị lật khiến cả 3 thanh niên đuối nước tử vong. Thương tâm hơn, 2 người tử vong đều là học sinh bậc THPT trên địa bàn huyện, người còn lại đang là sinh viên một trường đại học tại thành phố Hà Nội.
Mới đây nhất, vào tháng 5/2020, vụ lật thuyền gắn máy chở theo 3 người trên sông Đồng Nai thuộc huyện Đơn Dương cũng khiến một người bị tử vong... Như vậy, trên thực tế tại nhiều địa phương có sông, suối, ao hồ thì việc đưa phương tiện thủy gia dụng vào hoạt động thường mang tính tự phát, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản quy mô nhỏ.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Lâm Đồng cho biết, đa phần các phương tiện tàu, xuồng, đò tự phát nêu trên đều do người dân và các cơ sở sản xuất thủ công tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, rất ít phương tiện có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông. Hoạt động trôi nổi như vậy nên hầu hết các phương tiện gia dụng không trang bị áo phao, thiết bị cứu sinh và thiết bị an toàn theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Hằng năm lực lượng CSGT đường thủy thuộc Phòng CSGT đều có nhiều đợt tuyên truyền, vận động, tặng trang thiết bị cứu sinh để tạo cho người dân ý thức tự giác chấp hành quy định về đăng ký, trang bị phao cứu sinh và tuân thủ quy tắc giao thông thủy để bảo đảm an toàn.
Theo một cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng, đối với loại thuyền, xuồng gia dụng của người dân mặc dù chưa đảm bảo an toàn khi lưu thông đường thủy, nhưng chế tài xử lý còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt chưa có chế tài xử phạt hành vi không mặc áo phao hay mang dụng cụ cứu sinh đối với người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông đường thủy trên phương tiện gia dụng.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 84 tàu thuyền các loại đăng ký hoạt động trên sông Đồng Nai, Đa Nhim, Đa Dâng, hồ thủy điện Đại Ninh, Đa Mi - Hàm Thuận, hồ Xuân Hương, Tuyền Lâm… Tuy nhiên, số lượng tàu thuyền nhiều hơn trên thực tế, bởi một số hồ, suối, do nhu cầu sản xuất, đánh bắt thủy sản, nên người dân tự ý dùng thuyền tự phát diễn ra phổ biến, khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong khâu quản lý, kiểm tra. 6 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, xử phạt trên 10 trường hợp vi phạm giao thông đường thủy, trong đó chủ yếu là phạt các tàu, thuyền, đò cỡ lớn hoạt động trên sông Đồng Nai, hồ thủy điện…
Với việc mùa mưa năm 2020 diễn biến khó lường, thiết nghĩ các phương tiện tàu, thuyền gia dụng tự phát của người dân trên địa bàn không được chủ quan. Người dân phải chủ động trang bị áo phao, thiết bị cứu sinh, đặc biệt khi hoạt động trong trời mưa, gió mạnh phòng những tình huống bất ngờ, thời tiết xấu. Bên cạnh đó, các ngành chức năng liên quan cần có nhiều giải pháp quyết liệt, tích cực và cụ thể hơn nữa trong công tác quản lý an toàn tàu, thuyền gia dụng để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đường thủy trong thời gian tới.
C.PHONG