Đánh giá trong 5 năm qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã giảm dần theo từng năm, rút ra những bài học quý giá từ nhiều phía lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng, chính quyền các địa phương ở Lâm Đồng.
Đánh giá trong 5 năm qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã giảm dần theo từng năm, rút ra những bài học quý giá từ nhiều phía lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng, chính quyền các địa phương ở Lâm Đồng.
|
5 năm qua, tình trạng phá rừng ở Lâm Đồng đã giảm dần |
Giảm dần số vụ vi phạm, diện tích và lâm sản thiệt hại
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong 5 năm qua, các cơ quan chức năng Lâm Đồng đã phát hiện và lập hồ sơ 6.018 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, thiệt hại gồm 506 ha rừng và 23.853 m
3 lâm sản. So sánh số vụ vi phạm, diện tích, khối lượng lâm sản thiệt hại đã giảm dần qua từng năm. Điển hình như đến cuối năm 2018, trên địa bàn Lâm Đồng xảy ra 900 vụ xâm hại rừng, thiệt hại 62 ha rừng và 3.692 m
3 lâm sản, giảm so với năm 2018 với các tỷ lệ lần lượt 13%, 30% và 2%.
Cùng thời gian trên, các địa phương và đơn vị chủ rừng nhà nước đã giải tỏa hơn 1.200 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và tổ chức trồng lại gần 880 ha rừng. Đặc biệt, triển khai Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, toàn tỉnh Lâm Đồng đã trồng mới gần 11.563 ha rừng. Trong đó, gồm trồng rừng bằng vốn ngoài ngân sách 7.645 ha; trồng rừng trên đất trống, đất sau giải tỏa, đất sau khai thác trắng rừng trồng 1.553 ha; trồng rừng thay thế 2.365 ha.
Tính chung tổng diện tích rừng trồng trong cả giai đoạn 5 năm vừa qua đạt gần 50.700 ha.
Đáng kể là việc UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện, cấp xã trực thuộc đã triển khai hiệu quả quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh trên địa bàn. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm đều tổ chức sơ kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm từ nhiều phía, từ đó phát huy kết quả triển khai trong thời gian tiếp theo.
“Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng và 3 năm triển khai Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, đã khắc phục một số tồn tại, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý bảo vệ rừng; phân rõ trách nhiệm người đứng đầu…”, theo nhận định của Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Cả hệ thống chính trị cùng tham gia bảo vệ, phát triển rừng
Cụ thể, các cơ quan, ban, ngành, chính quyền cấp huyện, xã, đơn vị chủ rừng… đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Kiên quyết xử lý các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, lấn chiếm đất lâm nghiệp, cháy rừng… Kết quả toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có được bảo vệ nghiêm ngặt; việc chuyển đổi diện tích rừng sang mục đích khác được kiểm soát chặt chẽ; công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.
THÍ ĐIỂM TRỒNG VÀ LÀM GIÀU RỪNG THÔNG 3 LÁ TỰ NHIÊN
Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đang tiến hành xây dựng mô hình thí điểm trồng và làm giàu từ rừng thông 3 lá tự nhiên. Theo đó, trên diện tích 15 ha rừng phòng hộ thuộc khoảnh 1, Tiểu khu 102B, thị trấn Lạc Dương, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà sẽ trồng bổ sung một số cây thông 3 lá vào những khoảng rừng trống, rừng thưa cần làm giàu tài nguyên rừng. Cây con mang trồng được gieo từ hạt, có bầu, chiều cao cây con từ 0,5 m trở lên, là đối tượng cây trồng phù hợp với mục đích làm giàu vốn rừng. Nguồn kinh phí để thí điểm làm giàu rừng là vốn viện trợ do Tổ chức sáng kiến Khí hậu quốc tế (ICI) - thuộc Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên và An toàn hạt nhân (BMU) - Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, Tổ chức phát triển Hà Lan SNV trực tiếp thực hiện các hoạt động tài trợ dự án này tại Lâm Đồng.
DIỆP QUỲNH
|
Cũng theo Tỉnh ủy Lâm Đồng, bài học kinh nghiệm giai đoạn 5 năm giảm dần phá rừng ở Lâm Đồng trước hết phải huy động sự tham gia của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Nhà nước về khoán quản lý, bảo vệ rừng, giao đất trồng rừng kinh tế, nhằm giải quyết việc làm và tăng thu nhập tại chỗ cho người dân. Tiếp theo, luôn xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng là công việc thường xuyên và lâu dài, kết hợp đồng bộ với hoạt động kiểm tra, truy quét và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Xử lý nghiêm trách nhiệm, đúng người, đúng lỗi người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ rừng. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng. Kịp thời động viên, khen thưởng, nhân rộng điển hình, tấm gương sáng trong quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở. Quản lý chặt chẽ nhân hộ khẩu, hạn chế di dân tự do...
Tiếp tục phát huy những kinh nghiệm đạt được, trong thời gian tới, Lâm Đồng phấn đấu năm sau giảm hơn năm trước với tỷ lệ 20% số vụ vi phạm, diện tích rừng bị phá và khối lượng lâm sản thiệt hại; đạt tỷ lệ che phủ rừng 55% trở lên. Để hoàn thành mục tiêu này, các cấp, ngành chức năng, chính quyền các cấp trong tỉnh Lâm Đồng phối hợp đồng bộ hơn nữa trong kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn. Duy trì hàng quý, 6 tháng, hàng năm đánh giá những kết quả, phân tích những khó khăn, vướng mắc, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
“Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức các cơ quan chức năng về lâm nghiệp trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, cương quyết xử lý đối với những địa phương, đơn vị chủ rừng buông lỏng công tác quản lý để xảy ra vi phạm, gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng…”, báo cáo của Tỉnh ủy Lâm Đồng nhấn mạnh.
|
Rừng ở Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm Đà Lạt. Ảnh: Thụy Trang |
VĂN VIỆT