Lạc Dương: Nhiều giải pháp ứng phó trước mùa mưa bão

12:07, 13/07/2020

Mùa mưa bão năm 2020 đang đến, để không xảy ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của người dân như năm 2019, Lạc Dương đã chuẩn bị cụ thể các phương án đối phó.

Mùa mưa bão năm 2020 đang đến, để không xảy ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của người dân như năm 2019, Lạc Dương đã chuẩn bị cụ thể các phương án đối phó.
 
Huyện Lạc Dương đã chỉ đạo cắm biển cảnh báo những nơi có nguy cơ ngập úng, lũ quét
Huyện Lạc Dương đã chỉ đạo cắm biển cảnh báo những nơi có nguy cơ ngập úng, lũ quét
 
Các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trong những năm qua trên địa bàn huyện, như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ, sạt lở đất… đã tác động trực tiếp làm thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Do vậy, sự chủ động để sẵn sàng đối phó với thiên tai và sự linh hoạt khi tiếp cận với các hiện tượng thời tiết bất thường, nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cũng như đảm bảo an toàn tính mạng của Nhân dân là một đòi hỏi cấp bách đối với các cấp, các ngành và mỗi người dân.
 
Xác định được vấn đề đó, Lạc Dương đã chỉ đạo rà soát, lên kế hoạch cải tạo, sửa chữa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước bị hỏng, xuống cấp do mưa lũ; thành lập hội đồng kiểm tra, đánh giá mức độ nguy hiểm tại các khu vực sạt lở đất, xác định khu vực nào có thể gia cố, khắc phục để Nhân dân quay về, khu vực nào không thể tiếp tục sinh sống sẽ thực hiện thu hồi đất. Về lâu dài, huyện đang tính toán, xây dựng phương án di dân khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đồng thời cải tạo hệ thống thoát nước để tránh xảy ra tình trạng ngập lụt.
 
Trên địa bàn huyện tần suất xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp không đáng kể, nhưng ảnh hưởng gián tiếp làm mưa lớn trên diện rộng, úng ngập, lũ quét, sạt lở đất, giông sét, cây ngã đổ… rất nhiều. Do đó, với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, lấy phòng là chính”, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập các đội xung kích. 
 
Ông Liêng Jrang Ha Rô Ky, Chủ tịch UBND xã Đa Sar cho biết, năm nào cũng vậy, hễ thời điểm nào mưa to, gió mạnh trên địa bàn xã lại xảy ra sạt lở ngập úng ở nhiều địa điểm như tại Trường Tiểu học Đa Sar, Trạm Y tế xã, nhiều đoạn đường QL27C bị ngập, lượng đất đá tràn ra đường gây ùn tắc giao thông. Để ứng phó, xã đã kịp thời cùng với các đơn vị tại địa phương và chủ đầu tư dự án có biện pháp khắc phục. Đồng thời, xác định các điểm có nguy cơ ngập lụt, giám sát hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi lại vào khu vực nguy hiểm trên sông, khu vực và tuyến đường bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và khu vực nguy hiểm khác…
 
Còn tại địa bàn xã Lát, ông Trần Đình Thể - Phó Chủ tịch UBND cho biết: Để tránh những trường hợp xấu xảy ra như các năm trước, thời gian qua, xã đã tiến hành công tác tuyên truyền cho người dân ngay từ những ngày đầu năm. Đặc biệt là chú trọng vào các hộ sản xuất tại các vùng ven sông, suối để bà con có thể chủ động hơn trong công tác phòng, chống lụt bão. Bên cạnh đó, không để tình trạng các hộ lấn chiếm, cơi nới ra các khe suối làm ngăn chặn các dòng chảy của sông. 
 
Về cơ sở vật chất, xã đã trang bị thêm 30 áo phao, 30 cái phao tròn, chuẩn bị các phương tiện như máy móc, máy nổ, nhà bạt… Ngoài ra, trong tháng 7 này, xã cũng đã củng cố, kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão của địa phương, phân công trách nhiệm cho các bộ phận, đơn vị thành lập đội xung kích trong công tác cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, trong đó có phương án sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, xác định số hộ dân cần sơ tán, di dời, địa điểm phải di dời, địa điểm di dời đến, đường di dời, phương tiện di dời, lực lượng di dời…
 
Ông Trịnh Đình Thủy, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, rút kinh nghiệm từ năm 2019, huyện xác định rõ các vùng trọng tâm, trọng điểm cần đặc biệt chú ý trong mùa mưa bão và giả định các tình huống để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 
 
Do đặc điểm địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, mạng lưới khe suối nhiều nên lũ quét, sạt lở đất thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, những vùng nằm cạnh các sông suối lớn, khu vực trũng thấp canh tác sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có nhiều nhà lưới, nhà kính… lũ quét thường xuyên xảy ra gây thiệt hại đến nhà ở, công trình, nhà kính trồng rau, hoa… Chính vì vậy, huyện đã tổ chức cắm 19 biển cảnh báo những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét cao, thực hiện thông báo, cảnh báo kịp thời cho người dân biết để chủ động đối phó, chủ động sơ tán người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm… Đồng thời, UBND huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn và chủ đầu tư các dự án, trên cơ sở phương án tổng thể của huyện, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch của đơn vị, địa phương nhằm ứng phó kịp thời, đạt hiệu quả với từng tình huống, loại hình thiên tai.
 
HOÀNG YÊN