Dự án an ninh y tế khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng tỉnh Lâm Đồng do ADB tài trợ trong năm 2020 khoảng 2,5 tỷ đồng, được triển khai ở 6 địa bàn: Lạc Dương, Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
Dự án an ninh y tế khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng tỉnh Lâm Đồng do ADB tài trợ trong năm 2020 khoảng 2,5 tỷ đồng, được triển khai ở 6 địa bàn: Lạc Dương, Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
|
Hoạt động phối hợp liên ngành trong phòng chống bệnh truyền nhiễm tại thị trấn Phước Cát - huyện Cát Tiên |
Đối tượng thụ hưởng là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhóm dân di cư và người dân sống khu vực vùng sâu, vùng xa, phụ nữ và trẻ em. Bao gồm cả bên cung cấp dịch vụ y tế dự phòng (cơ quan quản lý và triển khai các hoạt động y tế dự phòng các cấp, các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo chuyên môn y tế dự phòng, cán bộ, nhân viên y tế dự phòng…) và người dân sử dụng dịch vụ y tế dự phòng, trực tiếp thụ hưởng lợi ích của công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung.
Mục tiêu dự án bảo đảm an ninh sức khỏe Nhân dân Việt Nam và khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng thông qua tăng cường kiểm soát bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa khả năng xâm nhập của các dịch bệnh mới nổi vào các nước trong khu vực. Theo đó, giảm tỷ lệ chết, tỷ lệ mắc và hạn chế sự lây lan các dịch lưu hành giữa các nước trong khu vực, góp phần ổn định kinh tế - xã hội và nâng cao sức khỏe người dân. Cụ thể: Tăng cường năng lực điều phối, phối hợp giữa các nước trong khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng trong phát hiện, giám sát, phòng chống dịch bệnh xâm nhập và lây lan giữa các nước trong khu vực. Củng cố hệ thống giám sát và đáp ứng chủ động trong phòng, chống dịch, phù hợp với khu vực và quốc tế. Đầu tư hệ thống xét nghiệm phòng chống dịch, bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện tập trung cho tuyến huyện.
Các hợp phần của dự án bao gồm: Đẩy mạnh phối hợp phòng chống dịch, bệnh khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng. Đầu tư nâng cao năng lực quốc gia trong giám sát và đáp ứng dịch, bệnh trong tình hình mới. Đầu tư hệ thống năng lực xét nghiệm, đảm bảo công tác phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời và kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, nhằm phòng chống lây chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Tác động của dự án góp phần không để bùng phát dịch bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về tính mạng (trên 100 trường hợp tử vong/vụ dịch) hoặc làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế (giảm 0,5% GDP trở lên) tại các tỉnh có dự án.
Trong giai đoạn 2016-2020 giảm tối thiểu 15% tỷ lệ mắc trung bình giai đoạn 2011-2015 của một số bệnh lưu hành, phổ biến như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét… tại các tỉnh thực hiện dự án.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án tại Lâm Đồng đã triển khai hoạt động củng cố hệ thống giám sát và đáp ứng chủ động trong phòng chống dịch bệnh phù hợp với khu vực và quốc tế. Có 100% huyện thực hiện dự án đều gửi báo cáo điện tử có phân tích giới tính về các bệnh truyền nhiễm theo quy định quốc gia; với chỉ tiêu 80% các báo cáo về khả năng đáp ứng dịch bùng phát được đưa ra giải pháp phù hợp, đã thực hiện có 74/80 ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết bùng phát được kiểm soát, xử lý và đưa ra giải pháp phù hợp trong khung thời gian quy định của Bộ Y tế (đạt 92,5%). Nâng cao chất lượng dịch vụ xét nghiệm và khả năng ngăn ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Có 6 phòng xét nghiệm (đạt tỷ lệ 100%) tại các trung tâm y tế huyện thuộc dự án trong tỉnh đã được kiểm định chất lượng, an toàn sinh học và đã xây dựng được SOPs (quy trình thao tác chuẩn) cho việc thu thập, đóng gói và vận chuyển mẫu sinh học. Đào tạo an toàn sinh học cho 20/23 cán bộ xét nghiệm (trong đó có 13 nữ). Tuyến tỉnh cử 2 cán bộ xét nghiệm đào tạo an toàn sinh học phòng xét nghiệm quốc gia. Năm 2020 tuyến huyện tổ chức 2 lớp về an toàn sinh học phòng xét nghiệm quốc gia cho 6 huyện.
Dự án nhằm đẩy mạnh hoạt động phối hợp phòng chống dịch bệnh khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng trong kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Đến năm 2021, có 100% huyện thuộc dự án gửi báo cáo bệnh truyền nhiễm, trong đó có phân tích về giới và DTTS. Đến tháng 12/2020, các nước khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng áp dụng các định nghĩa chung về ca bệnh, áp dụng quy trình báo cáo bệnh truyền nhiễm thống nhất.
Đồng thời, củng cố hệ thống giám sát và đáp ứng chủ động trong phòng chống dịch bệnh phù hợp với khu vực và quốc tế.
Tổ chức điều tra, xác minh 80% ổ dịch phải được báo cáo trong vòng 24 giờ.
Đến năm 2021, có 80% các báo cáo về khả năng đáp ứng bùng phát dịch đưa ra giải pháp phù hợp. Tối thiểu 2 cán bộ (có 1 nữ) tại mỗi phòng xét nghiệm trong phạm vi dự án đạt tiêu chuẩn về năng lực triển khai an toàn sinh học. Có 100% huyện triển khai dự án được kiểm chuẩn về chất lượng xét nghiệm và an toàn sinh học.
Nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm phòng chống dịch, bệnh và kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Đến năm 2022, có 80% các huyện được lựa chọn xây dựng được SOPs trong việc thu thập, đóng gói và vận chuyển mẫu sinh học. Có 60% bệnh viện tuyến huyện đạt các tiêu chuẩn kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Đến năm 2021, tất cả các phòng xét nghiệm trong dự án được kiểm định về chất lượng và an toàn sinh học ít nhất một lần.
Kế hoạch trong 6 tháng cuối năm 2020, dự án tổ chức hội thảo liên ngành phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; đầu tư nâng cao năng lực quốc gia trong giám sát và đáp ứng dịch bệnh. Tổ chức 2 lớp tập huấn cho cán bộ phụ nữ và DTTS về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, 6 lớp tập huấn tại 6 huyện cho cán bộ thu thập và xử lý số liệu cho cán bộ giám sát tại các cơ sở y tế công lập, tư nhân, tình nguyện viên thôn bản; mở 2 lớp nâng cao năng lực ứng phó các tình huống dịch bệnh, sự kiện y tế công cộng.
Tiếp tục tăng cường các dịch vụ xét nghiệm và kiểm soát nhiễm khuẩn. Tập huấn tuyến tỉnh, tuyến huyện nâng cao năng lực cho cán bộ xét nghiệm từ tỉnh đến huyện, bao gồm công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm (quản lý chất lượng và an toàn sinh học). Tập huấn tuyến huyện nâng cao năng lực cho cán bộ xét nghiệm tại các huyện dự án trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm. Tập huấn cho cán bộ bệnh viện tuyến huyện về phòng chống nhiễm khuẩn, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về lập kế hoạch và triển khai hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện cho các cán bộ phụ trách hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện tuyến huyện thuộc dự án. Giám sát công tác vệ sinh và phòng chống nhiễm khuẩn, nhằm kiểm tra giám sát định kỳ các hoạt động tại các huyện dự án, tập trung vào các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện.
AN NHIÊN