Ung thư không phải là "án tử", đừng tin vào thực dưỡng

06:07, 20/07/2020

Cái chết của cháu bé 30 tháng tuổi ở Thái Nguyên bị ung thư máu nhưng bỏ điều trị tại bệnh viện để mù quáng ăn theo chế độ thực dưỡng gây xôn xao dư luận thời gian qua...

Cái chết của cháu bé 30 tháng tuổi ở Thái Nguyên bị ung thư máu nhưng bỏ điều trị tại bệnh viện để mù quáng ăn theo chế độ thực dưỡng gây xôn xao dư luận thời gian qua. Cả tin nghe theo các lời quảng cáo, bài viết lan truyền trên mạng xã hội và những lời khuyên vô căn cứ về việc “thực dưỡng chữa khỏi ung thư”, không ít người bệnh phải hối hận khi đánh mất “giai đoạn vàng” điều trị, thậm chí là tử vong.
 
GS.TS Mai Trọng Khoa
GS.TS Mai Trọng Khoa
 
Thực dưỡng có diệt được tế bào ung thư và ăn chay có khỏi bệnh như nhiều người bệnh ung thư đang thực hiện hay không? Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã có buổi trò chuyện với GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về cách chữa bệnh đang được nhiều người áp dụng này.
 
Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, có rất nhiều người bệnh ung thư đã bỏ điều trị để ăn theo chế độ thực dưỡng với niềm tin rằng, ăn chế độ đó sẽ không có chất đạm để nuôi tế bào ung thư, tế bào ung thư vì bị bỏ đói mà chết. Hoặc sau khi kết thúc quá trình điều trị, có bệnh nhân áp dụng chế độ ăn “không thịt đỏ” để tế bào ung thư không tái phát. Tất cả điều này có đúng không, thưa ông?
 
GS.TS Mai Trọng Khoa: Nhận thức như vậy là không đúng. Thực tế chúng tôi đã gặp những ca bệnh sau khi được chẩn đoán ung thư, người bệnh bỏ mọi phác đồ điều trị do bác sĩ tư vấn, bỏ bệnh viện để về ăn theo chế độ bỏ đói tế bào ung thư, rồi tu luyện theo 1 pháp môn nào đó. Kết quả, khi trở lại bệnh viện, người bệnh đó rơi vào tình trạng suy kiệt nặng, nhiều bệnh nhân lúc khởi phát mới ở giai đoạn rất sớm, có nhiều cơ hội điều trị thì giờ đã vào giai đoạn 3, giai đoạn 4, thậm chí giai đoạn cuối. Thay vì áp dụng phác đồ điều trị, các bác sĩ lại phải điều trị nâng cao thể trạng, chống suy kiệt bằng việc truyền đạm, đường, các chất dinh dưỡng…để nâng cao thể trạng. Trong y học hiện đại, dinh dưỡng lâm sàng là phương pháp điều trị phối hợp cùng với thuốc và các phương pháp điều trị khác.
 
PV: Trên mạng xã hội có những “thánh thực dưỡng” quảng cáo “ăn thực dưỡng chữa khỏi ung thư”, hoặc đưa những bài viết kể về các trường hợp người bệnh ăn cơm gạo lứt muối vừng khỏi bệnh đã khiến nhiều người bệnh mù quáng nghe theo. Với kinh nghiệm của một trong những nhà khoa học đầu ngành điều trị về ung bướu, ông đã gặp trường hợp ung thư nào khỏi bệnh từ ăn thực dưỡng chưa? Người bệnh ung thư ăn theo chế độ thực dưỡng sẽ gặp phải vấn đề gì, thưa ông?
 
GS.TS Mai Trọng Khoa: Hiện tại, chưa có tài liệu nghiên cứu nào trên thế giới chứng minh việc điều trị ung thư thành công bằng ăn thực dưỡng và thực tế chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp người bệnh bỏ lỡ cơ hội điều trị do tin vào chế độ ăn thực dưỡng. Như trên tôi đã nói quan điểm bỏ đói tế bào ung thư để điều trị bệnh là nhận thức không đúng.
 
Chúng ta cần hiểu rõ bản chất của vấn đề: Một cơ thể khỏe mạnh mới tạo ra hệ thống miễn dịch tốt, các tế bào miễn dịch khỏe mạnh mới có khả năng trở thành những “chiến binh” chiến đấu và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, trong đó có tế bào ung thư. Bản thân tế bào ung thư cũng cần dinh dưỡng và chúng sẽ lấy dinh dưỡng từ chính người bệnh. Nếu người mắc ung thư không được cung cấp đủ năng lượng, người bệnh sẽ gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được với các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị….Vì vậy, người bệnh và gia đình người bệnh không nên cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian để rồi đánh mất cơ hội điều trị chính thống ngay từ “giai đoạn vàng”.
 
Hiện nay, bên cạnh các phương pháp điều trị ung thư cơ bản gồm: Hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, điều trị nội tiết, điều trị đích thì gần đây là điều trị miễn dịch là một lựa chọn mới. Nếu trước kia chúng ta tác động và tiêu diệt trực tiếp các tế bào ác tính bằng hóa chất, xạ trị, điều trị đích…thì bây giờ, bằng phương pháp điều trị miễn dịch tức là dùng hệ thống miễn dịch với các tế bào miễn dịch (tế bào T…) nhận diện và tiêu diệt tế bào khối u. Đây là phương pháp điều trị gián tiếp. 
 
Để có một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh thì cần một cơ thể đủ khỏe. Muốn vậy chúng ta cần một chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, khoa học đủ chất… Do đó, bên cạnh việc dùng thuốc và các phương pháp điều trị khác thì dinh dưỡng là một phần không thể thiếu trong điều trị bệnh nói chung và đặc biệt đối với điều trị bệnh ung thư. Cần phải coi ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, khoa học là một phần không thể thiếu trong việc phòng và chống ung thư.
 
PV: Xin ông chia sẻ một vài trường hợp đáng tiếc đã bỏ điều trị để ăn theo chế độ thực dưỡng?
 
GS.TS Mai Trọng Khoa: Hiện tại, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đang tiếp nhận và điều trị 2 trường hợp. Một bệnh nhân chẩn đoán ung thư tuyến thượng thận được phẫu thuật cắt bỏ khối u cách đây 9 tháng kèm theo bệnh đái tháo đường. Bệnh nhân không khám định kỳ theo hẹn, không điều trị theo tư vấn của bác sỹ chuyên ngành ung thư cũng như bác sỹ nội tiết mà về nhà áp dụng chế độ ăn thực dưỡng, uống thuốc nam. Hiện tại, bệnh nhân nhập viện với thể trạng suy kiệt, đường máu tăng cao khó kiểm soát, bệnh ung thư tuyến thượng thận tái phát, xâm lấn gan, mạch máu, di căn lan tràn phổi, ổ bụng.
 
Trường hợp thứ 2 là người bệnh được chẩn đoán ung thư dạ dày, đã được phẫu thuật, có chỉ định điều trị hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân bỏ dở điều trị, về nhà tự điều trị bằng thuốc nam và ăn chế độ thực dưỡng. Cách đây 1 tuần, bệnh nhân nhập viện lại trong tình trạng suy kiệt nặng, suy thận giai đoạn cuối, bệnh ung thư đã ở giai đoạn di căn lan tràn, không còn khả năng điều trị.
 
Đây là 2 trường hợp rất đáng tiếc khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tiên lượng tốt nếu tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ, tỷ lệ sống có thể kéo dài, chất lượng sống cũng sẽ được nâng cao. 
 
PV: Hậu quả của chữa ung thư bằng thực dưỡng đã có nhiều cảnh báo, điển hình là trường hợp cháu bé 30 tháng tuổi ở Thái Nguyên bị ung thư máu nhưng không điều trị tại bệnh viện mà ăn theo chế độ của “thánh thực dưỡng” N.B ở Đắk Nông, gây ra cái chết oan uổng. Người bệnh ung thư vẫn chạy theo cách chữa bệnh không khoa học như tu luyện theo giáo phái lạ, uống rễ cây, sử dụng công nghệ nano, phương pháp kiềm máu hóa... Ông có khuyến cáo gì với người bệnh ung thư?
 
GS.TS Mai Trọng Khoa: Bệnh nhân ung thư cần được thăm khám và tư vấn bởi các bác sỹ chuyên ngành ung thư để có chẩn đoán chính xác từ đó đưa ra các phương pháp điều trị đúng bệnh, đúng giai đoạn để đạt được kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng giúp người bệnh có một sức khỏe tốt, một hệ miễn dịch khỏe mạnh để tiếp nhận được các phương pháp điều trị cũng như chống lại, tiêu diệt tế bào ung thư. Vì vậy, người bệnh không nên nghe, tin theo các phương pháp chữa bệnh chưa được khoa học chứng minh về hiệu quả điều trị như thực dưỡng, tu luyện theo giáo phái lạ, uống rễ cây… Với các tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị thì hiện nay ung thư không phải là “án tử”. Bệnh nhân cần được khám và tư vấn để điều trị một cách khoa học.
 
PV: Nhờ áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị đối với một số loại ung thư, tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh đã tăng và đã có nhiều kỳ tích trong điều trị căn bệnh này. Xin ông cho biết một số kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị ung thư hiện nay mang lại nhiều hy vọng cho người bệnh?
 
GS.TS Mai Trọng Khoa: Hiện nay, với những tiến bộ mới trong sàng lọc sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư, một số bệnh ung thư có thể được phát hiện ở giai đoạn rất sớm, có thể điều trị khỏi hoàn toàn và ít tốn kém về kinh tế như ung thư vú, phổi, cổ tử cung, đại trực tràng, tuyến tiền liệt… Ngay cả với trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán với giai đoạn muộn hơn, với các phương pháp điều trị mới hiện nay như: Điều trị đích, điều trị miễn dịch, những tiến bộ mới trong xạ trị đã kéo dài thời gian sống cho người bệnh tốt hơn trước đây rất nhiều. 
 
Hiện tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bưới - BV Bạch Mai chúng tôi đang áp dụng điều trị đích, điều trị miễn dịch cho nhiều bệnh như: Ung thư vú, cổ tử cung, phổi, đầu mặt cổ, dạ dày, đại tràng, gan,...; cấy hạt phóng xạ trong điều trị ung thư gan, tuyến tiền liệt mang; sử dụng PET/CT để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị, xạ phẫu bằng dao gamma quay để điều trị u não và một số bệnh lý sọ não, sử dụng thuốc phóng xạ để chẩn đoán và điều trị hiệu quả và an toàn nhiều bệnh ung thư cũng như một số bệnh lý khác. Đây đều là những kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới, mang lại hy vọng cho người bệnh ung thư.
 
PV: Để không còn những cái chết oan uổng, chúng ta cần làm gì, thưa ông? Theo Giáo sư người dân cần phải phòng ngừa ung thư như thế nào?
 
GS.TS Mai Trọng Khoa: Để không còn những cái chết oan uổng của người bệnh ung thư do nhận thức không đúng và tin vào cách thức chữa bệnh chưa được khoa học chứng minh, chúng ta cần nâng cao nhận thức của người bệnh, có các chương trình tư vấn, tuyên truyền sâu rộng để người dân có thêm kiến thức phòng ngừa, khám sức khỏe định kỳ phát hiện bệnh sớm… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần coi đây là vấn đề hết sức quan trọng tới sức khỏe, cần có biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, giáo dục những đối tượng tuyên truyền, quảng cáo chữa được bệnh ung thư bằng thực dưỡng, để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.
 
Ung thư là bệnh có thể phòng và điều trị khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Chúng ta cần có một lối sống khỏe mạnh, tăng cường rèn luyện sức khỏe, chế độ ăn uống hợp lý, khoa học về dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm sạch, tránh các thói quen xấu như: Uống rượu, hút thuốc lá để phòng bệnh ung thư. Tại Việt Nam, các bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao như: Ung thư gan, phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng,… hoàn toàn có thể phát hiện sớm bằng cách khám sức khỏe định kỳ và có sự tư vấn của bác sỹ chuyên ngành ung thư.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
 
(Theo Cand.com.vn)