Được thực hiện và duy trì hiệu quả trong suốt thời gian qua, mô hình "May mặc nghĩa tình" tại Thôn 2, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh có lẽ không còn xa lạ với người dân...
Được thực hiện và duy trì hiệu quả trong suốt thời gian qua, mô hình “May mặc nghĩa tình” tại Thôn 2, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh có lẽ không còn xa lạ với người dân, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ địa phương. Hẳn ở đó không đơn giản chỉ là gửi tặng những bộ quần áo đã qua sử dụng mà hơn hết, họ đang cùng nhau lan tỏa yêu thương giữa con người với con người.
Mô hình “May mặc nghĩa tình” được chị em phụ nữ Thôn 2, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh thực hiện hiệu quả trong suốt 5 năm qua |
Gần 5 năm nay, mô hình “May mặc nghĩa tình” tại Thôn 2, xã Hòa Bắc lại tạo thêm niềm vui, niềm phấn khởi cho những người dân nghèo trên địa bàn và những vùng lân cận. Bởi ở đó, họ có thể tự tay chọn lựa cho mình và người thân những bộ áo quần ưng ý mà không phải trả tiền.
Gọi là “May mặc nghĩa tình” vì đơn giản nhiều bộ áo quần cũ được chị em chỉnh sửa, may vá lại. Hiện nơi đây đang sở hữu hơn 1.000 bộ quần áo mới, cũ với đầy đủ kích cỡ và phù hợp nhiều lứa tuổi.
Được thành lập từ đầu năm 2015, hiện mô hình nói trên đang thu hút hơn 20 thành viên là chị em phụ nữ Thôn 2 tham gia và nhân vật có ý tưởng lập nhóm để tiếp nhận quần áo cũ nhằm dành tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn là cô Mai Thị Hương (62 tuổi, Thôn 2).
“Xuất phát từ thực tế, qua tham gia công tác phụ nữ ở xã và ở thôn, tôi thấy trên địa bàn còn nhiều gia đình dù không phải hộ nghèo nhưng đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là nơi tôi ở đồng bào dân tộc thiểu số cũng còn khá nhiều. Bên cạnh đó, cũng có nhiều gia đình khá giả muốn tặng quần áo, đồ dùng còn tốt song lại không biết gửi đến đâu, bỏ đi thì không đành. Chính vì thế, tôi muốn tạo ra một địa chỉ để kết nối những tấm lòng hảo tâm với những ai thực sự có nhu cầu với phương châm “Ai thừa đến cho, ai thiếu đến lấy”, cô Hương tâm sự.
Nghĩ là làm, cô bắt đầu chia sẻ ý tưởng này với chị em phụ nữ trong thôn và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Với phương châm “Cũ người mới ta - tình thương lan tỏa”, những bộ áo quần tuy đã cũ với người này nhưng đó có lẽ là món quà ý nghĩa và thiết thực với những người khác. Bởi, với người nghèo địa phương, quanh năm gắn liền với tấm áo sờn vai hay chiếc quần mòn gối, thì những bộ quần áo như vậy thật sự là niềm vui nhỏ nhoi nhưng ấm áp tình người. “Đặc biệt, vào đầu năm học mới, số lượng áo quần mới, hoặc được các chị chính tay sửa chữa, may vá,… được gửi tặng tới các em nhỏ nhằm tạo thêm niềm vui, niềm phấn khởi khi đến lớp” - cô Hương bật mí.
Qua gần 5 năm hoạt động, mô hình “May mặc nghĩa tình” đã nhận được hàng nghìn bộ quần áo từ nhiều địa phương trong tỉnh, thậm chí cả tỉnh ngoài gửi đến ủng hộ. Không chỉ vậy, nhiều người còn nhiệt tình mang những bộ quần áo mới còn hẳn tem... đến để quyên góp. Đặc biệt, nếu ai muốn ủng hộ cho người nghèo nhưng không có điều kiện mang đến thì cô Hương và chị em phụ nữ trong thôn sẽ trực tiếp đến lấy.
Cô Hương cho biết thêm, ban đầu vì mô hình còn mới và chưa được nhiều người biết đến nên cô tự đến từng nhà để xin quần áo cũ làm từ thiện. Đáng mừng nhất là sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ không chỉ của người dân xã nhà mà còn ở một số xã khác lân cận. Trong đó, có những áo quần còn mới được bạn bè gói ghém cẩn thận gửi từ Sài Gòn về.
Ngồi sắp xếp gọn gàng áo quần lên kệ, cô Phạm Thị Chung (63 tuổi) là một trong những thành viên năng nổ, nhiệt huyết của nhóm cho hay: “Khi biết được ý tưởng của chị Hương, chúng tôi rất ủng hộ, nên các chị em đều cố gắng sắp xếp thời gian đến đây hỗ trợ. Ví dụ như những lần có quần áo được chuyển đến, mấy chị em tập trung lại với nhau nhằm chọn lọc, sắp xếp quần áo thật ngay ngắn, chỉnh tề để những người có nhu cầu đến lấy dễ dàng hơn. Có những ngày phải đóng hàng chục bao quần áo để gửi đi cho bà con vùng bị thiên tai nhưng ai nấy cũng vui vẻ, nhiệt tình”.
Chị Vũ Thị Son, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Bắc cho biết, mô hình “May mặc nghĩa tình” là một mô hình hay và mang đậm dấu ấn của chị em phụ nữ Thôn 2. Hội Phụ nữ xã đang xem xét để nhân rộng mô hình này ở các thôn trong thời gian tới. Hi vọng rằng, mô hình này sẽ thu hút được nhiều chị em phụ nữ tại địa phương; từ đó mang lại hiệu quả cao trong việc lan tỏa tình yêu thương, cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
THÂN THU HIỀN