Cải thiện sinh kế gắn với bảo vệ rừng ở Đồng Nai Thượng

06:08, 23/08/2020

(LĐ online) - Những bạn trẻ ở huyện Cát Tiên đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực tại xã Đồng Nai Thượng với mong muốn nơi này ngày càng phát triển, đời sống của bà con ngày càng ấm no nhưng vẫn bảo tồn được những giá trị đặc trưng riêng có.

(LĐ online) - Những bạn trẻ ở huyện Cát Tiên đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực tại xã Đồng Nai Thượng với mong muốn nơi này ngày càng phát triển, đời sống của bà con ngày càng ấm no nhưng vẫn bảo tồn được những giá trị đặc trưng riêng có.
 
Kiểm tra vườn điều của nông dân được hỗ trợ cây trồng
Kiểm tra vườn điều của nông dân được hỗ trợ cây trồng
 
Cải thiện sinh kế
 
Đồng Nai Thượng được biết đến là vùng đồng vào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên. Vì vậy, vấn đề giảm thiểu tối đa tác động của người dân đối với rừng là nhiệm vụ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Vườn Quốc gia Cát Tiên và chính quyền địa phương; trong đó, cải thiện sinh kế cho người dân được xác định là giải pháp mang tính cốt lõi, bền vững.
 
Anh Điểu K’Viên - Bí thư Huyện Đoàn Cát Tiên cho biết: “Từ tháng 6/2019, với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Huyện Đoàn Cát Tiên đã phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Tiên và UBND xã Đồng Nai Thượng triển khai thực hiện Dự án Nâng cao hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng và cải thiện sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số vùng đệm, góp phần bảo vệ phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Cát Tiên. Dự án được triển khai trong thời gian 3 năm (2019 - 2021) nhằm hướng đến mục tiêu giảm thiểu tối đa những tác động của người dân đến rừng để bảo vệ sự đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên nói riêng và bảo vệ môi trường sống nói chung. Dự án gồm hai nội dung chính là: Cải thiện sinh kế của đồng bào dân tộc thông qua việc phát triển kinh tế nông nghiệp và các ngành, nghề truyền thống địa phương gắn với bảo vệ rừng; nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng thông qua thí điểm sử dụng chi trả dịch vụ môi trường rừng phát triển sinh kế bền vững”.
 
Truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con dân tộc thiểu số ở Đồng Nai Thượng
Truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con dân tộc thiểu số ở Đồng Nai Thượng
 
Để triển khai Dự án, Huyện Đoàn và UBND xã Đồng Nai Thượng đã lựa chọn và hỗ trợ cho 70 hộ nghèo và cận nghèo về cây giống, vật tư và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chuyển đổi vườn điều già cỗi cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như điều ghép (30 ha), cà phê (20 ha) và sầu riêng (10 ha). 
 
Từ tháng 7/2019, anh K’Khoẹt (thôn Bê Đê, xã Đồng Nai Thượng) được Dự án hỗ trợ 200 cây điều ghép để thay thế cho vườn điều già cỗi trước đây. Sau hơn 1 năm trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn, vườn điều của gia đình anh đã phát triển xanh tốt. Anh K’Khoẹt cho biết: “Toàn bộ 200 cây điều ghép được trồng trên diện tích 1 ha của gia đình đều sống 100% và sinh trưởng, phát triển tốt. Tôi rất hy vọng vườn điều này sẽ giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định trong vài năm tới”. Tương tự, gia đình anh Điểu K’Chiều (thôn Đạ Cọ, xã Đồng Nai Thượng) được hỗ trợ trồng mới hơn 600 cây cà phê trên diện tích 0,5 ha. Anh Điểu K’Chiều chia sẻ: “Không chỉ được hỗ trợ về cây giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật mà cán bộ kỹ thuật hướng còn dẫn rất tận tình về cách thức bón phân, phun thuốc nên vườn cà phê hiện phát triển rất xanh tốt”. 
 
Ngoài hỗ trợ bà con xã Đồng Nai Thượng chuyển đổi giống cây trồng, Dự án còn hỗ trợ dạy nghề, quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của bà con. Đến nay, đã mở được 5 lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho 120 người dân ở trong xã với sự tham gia truyền dạy của các nghệ nhân ở Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm xã Đồng Nai Thượng. Nghệ nhân Điểu Thị Chớc (thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng) cho biết: Nhờ được hỗ trợ để mở các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm mà ở các thôn trong xã đã có thêm nhiều người biết dệt và bà con cũng hiểu biết hơn, có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ nghề dệt truyền thống”. Chị Nguyễn Thị Hồng Anh - Phó Bí thư Huyện Đoàn Cát Tiên chia sẻ: “Khi triển khai thực hiện dự án này, chúng tôi rất mong muốn góp phần giúp cho bà con bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống bởi đó là bản sắc văn hóa của đồng bào Mạ và S’Tiêng. Vì vậy, cùng với việc phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy nghề dệt, chúng tôi còn tổ chức hội thảo và có kế hoạch liên hệ, kết nối với một số địa điểm tham quan du lịch, các kênh thông tin để quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm nhằm giúp bà con mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thêm thu nhập”.
 
Người dân được cấp phát phân bón để chăm sóc cây trồng
Người dân được cấp phát phân bón để chăm sóc cây trồng
 
Nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng
 
Cùng với việc triển khai các giải pháp mang tính lâu dài là phát triển sinh kế cho bà con thì Huyện Đoàn Cát Tiên còn phối hợp triển khai nhiều hoạt động để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã Đồng Nai Thượng, nhất là trong việc nâng cao hiệu quả giao khoán bảo vệ rừng.
 
Là một xã thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên với hơn 7.000 ha rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên quản lý, chiếm 80% diện tích tự nhiên của xã. Trong nhiều năm qua, người dân xã Đồng Nai Thượng đã tham gia hiệu quả vào công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ vậy, hàng năm, trên địa bàn xã không xảy ra các vụ vi phạm lấn chiếm rừng, phá rừng hay cháy rừng. Để giúp người dân cùng với lực lượng chức năng tham gia thực hiện tốt hơn công tác này, Dự án đã hỗ trợ đào tạo và mở được 8 lớp tập huấn cho 332 người dân trong xã về kỹ năng tuần tra bảo vệ rừng, bảo vệ sự đa dạng sinh học và hướng dẫn sử dụng các thiết bị tuần tra như: Bản đồ, la bàn, máy định vị GPS; đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, ở các trường học để tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cho người dân trong xã về vấn đề bảo vệ sự đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sống. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí nhận giao khoán bảo vệ rừng, các thôn ở xã Đồng Thượng đã vận động các hộ cùng xây dựng Quỹ sinh kế và Quỹ cộng đồng để giúp nhau phát triển sản xuất.
 
Phối hợp tuần tra quản lý, bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Cát Tiên
Phối hợp tuần tra quản lý, bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Cát Tiên
 
Bà Điểu Thị P’Rợt - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng cho biết: Là một xã có gần 100% người dân là đồng bào dân tộc Mạ và S’Tiêng, lại ở xa trung tâm của huyện Cát Tiên nên cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ huyện đến xã đều rất chú trọng đến việc tạo sinh kế với các nguồn thu nhập ổn định cho bà con gắn với thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Xã Đồng Nai Thượng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Cho đến nay, Đồng Nai Thượng đã cơ bản đảm bảo được an ninh lương thực. Trong giai đoạn 2015 - 2020, địa phương đã chuyển đổi được 207 ha điều già cỗi kém hiệu quả sang trồng cà phê và các loại cây ăn quả. Việc triển khai Dự án với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu đã góp phần giúp cho người dân ở địa phương tiếp tục thực hiện công tác cải tạo diện tích điều già cỗi sang trồng những loại cây có giá trị cao hơn và nâng cao khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, góp phần hỗ trợ địa phương duy trì nghề dệt truyền thống và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng; tạo sự chuyển biến tích cực từ diện mạo của vùng đất cho đến đời sống của Nhân dân. 
 
NGÂN HẬU