Đổi thay ở vùng dân tộc thiểu số

04:08, 24/08/2020

Bỏ lại sau lưng những nương chè, đồi cà phê già cỗi, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bảo Lâm đã lựa chọn cho mình những hướng đi, cách thức sản xuất mới để thoát nghèo, thay đổi cuộc sống...

Bỏ lại sau lưng những nương chè, đồi cà phê già cỗi, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Bảo Lâm đã lựa chọn cho mình những hướng đi, cách thức sản xuất mới để thoát nghèo, thay đổi cuộc sống. Chính từ những suy nghĩ tích cực ấy mà khao khát về sự sung túc, ấm no của bà con nơi đây ngày càng lan tỏa.
 
Ông K’Kras và vợ thu hoạch chè. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập hơn 500 triệu đồng nhờ cải thiện vườn chè, cà phê  và trồng thêm các loại cây ăn trái. Ảnh: Tuấn Linh
Ông K’Kras và vợ thu hoạch chè. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập hơn 500 triệu đồng nhờ cải thiện vườn chè, cà phê và trồng thêm các loại cây ăn trái. Ảnh: Tuấn Linh
 
Lộc Bắc là xã dân tộc vùng sâu, vùng xa của huyện Bảo Lâm. Xã hiện có 4 thôn, 11 buôn với 1.512 hộ, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm khoảng 79%. Trước đây, nhắc đến Lộc Bắc người ta thường liên tưởng đến một nơi mà cái đói cái nghèo đeo đẳng. Hơn 10 năm trước, tôi có dịp ghé Lộc Bắc, khắp các thôn, buôn trong xã phổ biến hình ảnh những ngôi nhà ẩm thấp, những đứa trẻ mắt vàng, bụng bủng đầy giun sán. Người dân lúc đó vẫn còn mặc định rằng, hễ cứ sinh ra ở nơi này, sinh sống ở nơi này là phải chịu cảnh bần hàn. Thế nhưng, nhờ sự “hà hơi, tiếp sức” của Đảng và Nhà nước suốt những năm qua mà ngày nay cuộc sống của bà con đang có nhiều khởi sắc. Ngày càng nhiều hộ đồng bào DTTS ở Lộc Bắc thay vì trông chờ ỷ lại vào sự viện trợ của Nhà nước, đã hình thành tư duy mới. Họ cùng bảo ban nhau làm ăn để thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ, có hộ còn nỗ lực vượt khó vươn lên xây dựng một cuộc sống khá giả bằng chính bàn tay và khối óc của mình. Tính đến nay, xã đã có 888,51 ha cà phê, năng suất ước đạt khoảng 3 tấn nhân/ha; 398,9 ha chè, năng suất ước đạt 100 tạ/ha; ngoài ra, còn trồng 186,6 ha điều và trồng xen 22,3 ha hồ tiêu, 5 ha mắc ca và 180,74 ha cây ăn quả các loại. Đây là những thành quả góp phần đổi thay không nhỏ vùng quê nghèo Lộc Bắc.
 
Tương tự ở Lộc Bắc, ở một số xã có đông tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống khác cũng đang dần “thay da đổi thịt”. Trò chuyện với tôi, bà con những nơi này hầu hết đều nêu quan điểm rằng “cứ sống chờ viện trợ của Nhà nước thì sao mà giàu được”. Trong câu chuyện chia sẻ với tôi, đa phần họ đều bày tỏ khát vọng thay đổi, khát vọng có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương... Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lâm, ông Nguyễn Hồng Anh chia sẻ: “Mọi sự đổi thay xuất phát từ tư duy và nhận thức. Ngày trước, khi chúng tôi mang phân bón, cây trồng đến tặng cho bà con, bà con yêu cầu đổi phân lấy dầu ăn, mắm muối. Nhưng bây giờ, chính họ lại là những người đề nghị được hỗ trợ phân bón hay giống cây trồng để phát triển sản xuất nông nghiệp, gây dựng kinh tế”.
 
Sự đổi thay về nhận thức, tư duy của bà con được coi là cái gốc của mọi vấn đề. 
 
Kết quả này cần phải nhắc đến vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể những năm qua đã có nhiều cách thức tổ chức tuyên truyền, vận động để bà con thật sự “thấm”. Rất nhiều chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn, các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế, rất nhiều mô hình trình diễn đã được ưu tiên tổ chức ở các xã, thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và đã tạo nên những thay đổi lớn về nếp sống lẫn cách thức sản xuất nông nghiệp. Từ những người sống thụ động, hầu hết bà con DTTS đã dần chuyển sang thế chủ động. Họ đã dần biết cách lựa chọn các phương thức sản xuất theo từng điều kiện cụ thể, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. 
 
Giai đoạn 2015 - 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 04, ngày 25/5/2016 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Trong những năm qua, vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh và ngân sách địa phương; huyện đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhìn chung đến nay, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trong huyện có nhiều khởi sắc. Đã hình thành cơ cấu nông, lâm nghiệp, phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, năng suất các loại cây trồng cũng được nâng lên đáng kể. 
 
Không chỉ tăng gia sản xuất, bà con còn tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng. Phần lớn rừng ở Bảo Lâm hiện được giao cho các hộ đồng bào DTTS nhận khoán bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và thực tế bà con đang làm rất tốt. Tỷ lệ che phủ rừng của Bảo Lâm nhiệm kỳ qua tăng so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ hộ nghèo từ 14,47% đầu năm 2015, nay giảm chỉ còn 4%. Đa số các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Các công trình trường học kiên cố, khang trang, sạch đẹp. Hệ thống giao thông nông thôn cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực tế tại các địa phương. Cùng với đó, việc học hành của con em đồng bào DTTS trên địa bàn được bà con hết sức quan tâm. Chất lượng giáo dục ở vùng DTTS vì vậy cũng được nâng lên. Số học sinh đi học ngày càng đông... 
 
Chia tay Bảo Lâm, chia tay bà con vùng DTTS nơi đây, chúng tôi tràn đầy niềm tin và hy vọng về sự đổi thay hơn nữa cả về kinh tế, cơ sở hạ tầng lẫn văn hóa - giáo dục trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, để thực sự giảm được nghèo, xây dựng cuộc sống mới ở vùng DTTS nói riêng và cả huyện nói chung, Bảo Lâm vẫn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng nhiều nguồn lực, chính sách ưu tiên để phát triển xứng tầm là một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. 
 
NGUYỄN NGHĨA