Đảng viên làm kinh tế giỏi

07:08, 12/08/2020

Đảng viên làm kinh tế giỏi...

Bí thư Chi bộ Thôn 16 Nguyễn Nghĩa Nam bên vườn sầu riêng trĩu quả của gia đình
Bí thư Chi bộ Thôn 16 Nguyễn Nghĩa Nam bên vườn sầu riêng trĩu quả của gia đình
 
Đảng viên Nguyễn Nghĩa Nam: Thành công từ mô hình trồng sầu riêng
 
Nhận thấy việc trồng sầu riêng đem lại lợi nhuận cao, công chăm sóc cũng nhàn hạ, ông Nguyễn Nghĩa Nam, Bí thư Chi bộ Thôn 16 (xã Hòa Ninh, huyện Di Linh) đã đầu tư giống sầu riêng Monthong trồng trên đất vườn cà phê gia đình.
 
Ông Nam cho biết, ông bắt đầu trồng xen sầu riêng vào vườn cà phê từ năm 2003, trên diện tích 8.000 m2. Giống sầu riêng ông Nam chọn trồng trên đất vườn của gia đình, đó là sầu riêng Monthong. “Sầu riêng loại này trái to, hạt lép, cơm vàng, ráo mịn, ít xơ, ăn rất ngon, nhất là đang được thị trường ưa chuộng”, ông Nam chia sẻ.
 
Theo ông Nam, muốn sầu riêng cho năng suất cao, ngoài việc sử dụng nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, người trồng còn phải nắm vững các quy trình chăm sóc khác như tỉa cành, tỉa bông, xử lý các loại nấm bệnh, vệ sinh cây, vệ sinh gốc,... Bên cạnh đó, việc giữ ẩm cho cây sầu riêng cũng rất quan trọng. “Phải nắm vững từng quy trình chăm sóc và từng thời điểm cây sầu riêng cần cung cấp loại phân gì, không cần bón loại phân gì, liều lượng nước tưới là bao nhiêu, xử lý nấm ra sao,... thì cây sầu riêng mới khỏe mạnh. Cây khỏe mạnh thì mới cho trái đẹp và giá bán mới cao”, ông Nam tâm sự.
 
Nhờ nắm chắc quy trình chăm sóc nên ông Nam cho biết, chăm sóc cây sầu riêng khá nhàn. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế mà cây sầu riêng mang lại rất cao. Niên vụ này, 8.000 m2 trồng sầu riêng tại Thôn 16 (xã Hòa Ninh) có sản lượng 35 tấn. Chưa kể, ông Nam còn có 2,2 ha sầu riêng tại xã Đạ Rsal (huyện Đam Rông). Niên vụ này, tuy mới ra bói nhưng sản lượng đã đạt 40 tấn. “Năm nay, từ 2 vườn sầu riêng, gia đình tôi thu về khoảng 3 tỷ đồng”, ông Nam phấn khởi.
 
Nói về mô hình trồng sầu riêng của ông Nam, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Di Linh, cho biết: “Đây là loại cây không dễ trồng. Sầu riêng rất khó tính, nó đòi hỏi người nông dân phải có kiến thức về khoa học - kỹ thuật, cũng như các kinh nghệm từ thực tiễn thì mới trồng được sầu riêng và cây mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Nghĩa Nam không những nắm vững các quy trình chăm sóc cây sầu riêng, mà còn có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn về loại cây này. Hiện, vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Nghĩa Nam là địa điểm nhiều bà con nông dân tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm”.
 
Mô hình kinh tế gia trại đã góp phần nâng cao nguồn thu nhập bền vững cho gia đình bà Ngô Thị Mỉm
Mô hình kinh tế gia trại đã góp phần nâng cao nguồn thu nhập bền vững cho gia đình bà Ngô Thị Mỉm
 
Đảng viên Ngô Thị Mỉm:  Làm để động viên bà con làm theo
 
Từng trải qua các chức vụ khác nhau, và nay là Bí thư kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Tân Lạc 2, xã Đinh Lạc (Di Linh), đảng viên Ngô Thị Mỉm luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, là những tấm gương điển hình tiêu biểu về nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu; thực sự là “đầu tàu” gương mẫu của mọi phong trào hoạt động xã hội ở địa phương. 
 
Tân Lạc 2 là một trong những thôn đi đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Đinh Lạc. Cụ thể, đến nay, Chi bộ, Ban Nhân dân thôn Tân Lạc 2 đã vận động Nhân dân cứng hóa được 3,4 km đường giao thông nông thôn, kết hợp trồng hoa, cây xanh để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; đồng thời lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng để phục vụ đời sống sinh hoạt cho Nhân dân…
 
Bà Ngô Thị Mỉm phấn khởi nói: “Với vai trò, trách nhiệm của mình, tôi cùng chi bộ, Ban Nhân dân thôn đã tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt 19 tiêu chí NTM, NTM nâng cao”. Năm 2009, bà Ngô Thị Mỉm vinh dự được công nhận là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Hơn 10 năm về trước, với diện tích 2,5 ha đất sản xuất, để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, bà Ngô Thị Mỉm đã tìm tòi đưa các loại giống cây trồng như; bắp, khoai sắn, cây dâu tằm, ớt xuất khẩu vào gieo trồng và kết hợp nuôi heo, gà, đào ao lót bạt tích nước thả cá… theo phương châm lấy ngắn nuôi dài để đầu tư cho vườn cà phê. Còn hiện nay, cũng với diện tích trên, bà Ngô Thị Mỉm đã mạnh dạn chuyển sang trồng xen cây mắc ca 2 ha, chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò 7 sào và 6 sào trồng chuối la ba, cây bắp. 
 
Năm 2019, gia đình bà Mỉm tiếp tục đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, mua sắm các thiết bị máy móc và giống bò sữa về nuôi. “Kinh tế gia đình đã ổn định, nhưng mình làm chủ yếu là để động viên con cháu và bà con cùng làm theo. Hiện tại đàn bò của gia đình có 9 con đang cho vắt sữa từ 1,7 - 1,8 tạ sữa/ngày với lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ chi phí”, bà Ngô Thị Mỉm chia sẻ. 
 
Không chỉ biết chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bà Ngô Thị Mỉm còn vận động các hộ khác ở trong thôn như: Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Thị Sáu, Trần Đức Dũng… cùng nuôi bò. Đồng thời, bà Mỉm sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm hay trong sản xuất và chăn nuôi bò hiệu quả cho bà con trong thôn. 
 
NDONG BRỪM - TRIỀU KA