Liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp người nông dân yên tâm

05:08, 06/08/2020

Giữa vùng Đạ Nghịt, cái tên xa lắc của xã Lát, huyện Lạc Dương, nông dân nơi đây chủ yếu trồng cà phê, loài cây công nghiệp đã giúp họ thoát cái đói...

Giữa vùng Đạ Nghịt, cái tên xa lắc của xã Lát, huyện Lạc Dương, nông dân nơi đây chủ yếu trồng cà phê, loài cây công nghiệp đã giúp họ thoát cái đói. Nhưng phải tới khi người dân biết trồng cây rau, cây atisô, đời sống mới thực sự đổi thay. Và Kơ Să K’Thêm, người phụ nữ K’Ho thôn Đạ Nghịt đã thực sự vươn lên từ cây rau màu.
 
Chị Kơ Să K’Thêm
Chị Kơ Să K’Thêm
Gặp chị K’Thêm khi vườn bí ngòi nhà chị đang thu hoạch. Chị rất mừng trong thời điểm này, rau củ có giá ổn định, cả vườn sú tim, bí ngòi đều bán được giá tốt. Với giá trung bình 8 - 10 ngàn đồng/kg bí, năng suất 20 tấn/ vụ, nhà chị có thu hoạch hàng chục triệu đồng trong một thời gian rất ngắn. Chị K’Thêm kể, hồi xưa chị chuyên gắn bó với cây cà phê, trồng cà phê, buôn bán cà phê. Nhưng cây cà phê thất thường quá, trồng thì lâu mà thu hoạch mùa được mùa mất, giá cả bấp bênh. Vậy là năm 2018, chị chuyển 5 sào cà phê sang trồng rau màu các loại. Tùy mùa tùy vụ, theo yêu cầu của người thu mua, chị trồng bí ngòi, sú tim, sú nova, xà lách, atisô...
 
Ban đầu, cũng như hầu hết nông dân quen trồng cà phê, chị không rành kỹ thuật canh tác la-ghim. Vậy là chị học từ những nhà vườn ngoài Đà Lạt vào, học từ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của huyện, của xã. Đặc biệt, chị trồng rau theo hợp đồng cung cấp với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Sơn Thủy nên được sự hỗ trợ nhiệt tình từ HTX. “Làm rau với HTX thì HTX cung cấp giống, cử người vào hướng dẫn kỹ thuật trồng, bón phân tưới nước. Khi nào cây có biểu hiện lạ thì gọi HTX để được hướng dẫn cách xử lý. Tới khi thu hoạch thì xe vào tận vườn, chỉ cần cắt bỏ lên xe. Cắt hàng xong là thanh toán tiền ngay nên gia đình tôi rất an tâm trồng rau với HTX”, chị K’Thêm chia sẻ và cho biết thêm HTX thu mua rất đa dạng, từ sú tim, sú nova, cải thảo... đến cung cấp cây giống cho bà con, hướng dẫn kỹ thuật và đúng ngày vào thu mua hàng. 
 
Chị K’Thêm vừa được huyện Lạc Dương hỗ trợ trồng 2.500 cây cà phê Catimor và 1 sào atisô giống mới theo phương thức Nhà nước tài trợ 70% giống, gia đình đối ứng 30%. Diện tích atisô nhà chị chưa có bông nhưng đã thu lá, HTX Sơn Thủy bao tiêu với giá 2.500 đồng/kg, mỗi tháng chị thu được 2,5 triệu đồng từ lá atisô; còn cà phê đang giai đoạn kiến thiết, HTX cũng hướng dẫn gia đình chăm sóc theo tiêu chuẩn cà phê an toàn và bao tiêu hạt cà phê khi tới thời điểm thu hoạch. Chị K’Thêm nhận xét, trồng nông sản liên kết với HTX rất khỏe cho nông dân, họ đưa giống, hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi tư vấn thường xuyên và bao tiêu sản phẩm, nông dân chỉ việc làm theo đúng hướng dẫn là được, ổn định và không lo không bán được hàng. 
 
Chị Kơ Să K’Thêm tự nhận xét, từ năm 2018 đến nay, trồng rau liên kết với HTX Nông nghiệp Sơn Thủy giúp chị và gia đình có thu nhập ổn định, đều đặn hơn trồng cà phê. Nhìn thấy hiệu quả, chị đang tiếp tục cải tạo vườn, bỏ hết diện tích cà phê già cỗi chuyển sang canh tác rau màu. Tự hào là người đầu tiên trong thôn Đạ Nghịt làm hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước, chị chia sẻ nông dân muốn làm ăn hiệu quả cần liên kết sản xuất với một nhà tiêu thụ. Hai bên cùng hợp tác sẽ giúp người nông dân chủ động sản xuất, bớt bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường.
 
Anh Cil Jusép, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lát đánh giá, chị Kơ Să K’Thêm là một nông dân tiến bộ, nhanh nhẹn, sẵn sàng thay đổi phương thức canh tác, sản xuất. Thôn Đạ Nghịt cũng có gần 30 hộ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển sang làm rau, có hộ liên kết với doanh nghiệp, HTX, có hộ làm bán ra thị trường tự do. Nhưng gia đình chị Kơ Să K’Thêm là hộ liên kết sản xuất cho thấy hiệu quả tốt nhất, bà con trong thôn nhìn hiệu quả của gia đình chị để chuyển sang làm rau theo hợp đồng khá nhiều. Tấm gương người phụ nữ giỏi giang trong thôn Đạ Nghịt đã giúp bà con trong thôn định hướng sản xuất tốt hơn, góp phần xây dựng các liên kết nông dân - doanh nghiệp ngày càng rộng mở.
 
DIỆP QUỲNH