Nghị lực phi thường của người phụ nữ đơn chiếc

05:08, 06/08/2020

Vóc dáng nhỏ bé nhưng những việc làm, đóng góp của bà Cil Múp K'Sray ở Thôn 1, xã Đưng K'Nớ không khỏi làm nhiều người phải nể phục. 

Vóc dáng nhỏ bé nhưng những việc làm, đóng góp của bà Cil Múp K’Sray ở Thôn 1, xã Đưng K’Nớ không khỏi làm nhiều người phải nể phục. 
 
Bà Cil Múp K’Sray (bìa phải) trao đổi với Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ về những việc làm mình học tập được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại
Bà Cil Múp K’Sray (bìa phải) trao đổi với Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ về những việc làm mình học tập được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại
 
Câu chuyện đi mãi không thành đường của bà lôi cuốn tôi. Nhiều năm qua, người dân vẫn đi lại khu sản xuất của thôn nhưng nó vẫn không thành đường, đi mãi đi mãi mà đường chỉ đo bằng cánh tay thì làm sao mà phát triển được. Làm được hạt cà phê, bà con Thôn 1 cũng “trầy vi tróc vảy” với công việc vận chuyển. Nắng thì dùng xe máy để chở nhưng cũng chỉ những “tay lái lụa” mới dám thồ bao cà phê chừng 50 kg; còn mưa thì người dân vác từng bao như cõng con mọn để ra nơi bán. 
 
Trước thực tế đó, được sự vận động của chính quyền địa phương với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bà Cil Múp K’Sray không ngần ngại hiến đất để mở đường cấp phối vào khu sản xuất. Kể từ đây, nhiều hộ dân khác học tập theo việc làm của bà, đến nay căn bản bà con Thôn 1 không còn cảnh phải dùng sức người để “thồ” phân bón hay cõng từng hạt cà phê ra đại lý thu mua nữa. Thay vào đó là xe cộ cơ giới hóa bước đầu trong sản xuất nông nghiệp.
 
Không chỉ tử tế với bản làng, tử tế với người dân ở thôn, một nghĩa cử cao đẹp nữa của người phụ nữ nhỏ bé này còn xem trọng “nghĩa tử là nghĩa tận”. Vì nhiều năm nay, con đường đi vào Nghĩa trang Thôn 1, Thôn 2 tại Tiểu khu 63 là đường mòn nên bà đã tự nguyện hiến đất để làm đường vào nghĩa trang. 
 
Tính trên hai nhánh đường vào khu sản xuất và nghĩa trang, bà Cil Múp K’Sray đã đi đầu, tự nguyện hiến 1.500 m2 đất, và trên đất có hơn 700 gốc cà phê đang cho trái ngọt. Bà Cil Múp K’Sray tâm sự: Đất đai cũng có giá chứ chú. Như đất cà phê đây một sào chừng 40 triệu đồng. Nhưng giá cao đến mấy cũng không cao bằng cái giá của sự giúp đỡ bà con, bản làng, núi rừng của mình. 
 
Không chỉ đi đầu trong việc hiến đất làm đường, hình ảnh người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số đơn chiếc nuôi 5 người con ăn học thành tài đã trở thành câu chuyện nghị lực vươn lên đối với người dân sống nơi núi rừng Đưng K’Nớ. Chồng bà không may gặp bạo bệnh nên mất sớm, để lại cho bà 5 người con, con đầu lúc đó chỉ mới 15 tuổi, còn con út chỉ mới 2 tuổi. Nhưng vượt qua nỗi đau mất chồng, bà đã gắng gượng, cố gắng làm lụng để nuôi các con ăn học thành danh, thành tài và đóng góp tích cực cho quê hương.
 
Con trai đầu của bà tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), từng là chuyên viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng nhưng không may mất sớm. Gắng gượng nỗi đau mất chồng, mất con, bà Cil Múp K’Sray tiếp tục nuôi dạy những người con khác thành người. Con trai thứ hai của bà tốt nghiệp Đại học Đà Lạt chuyên ngành tiếng Anh, nay đang giảng dạy tại Trường Tiểu học Đưng K’Nớ; con trai thứ ba tốt nghiệp Đại học Y Tây Nguyên chuyên ngành Đa khoa, hiện đang công tác tại Trạm Y tế xã Đạ Nhim; con trai thứ 4 đã tốt nghiệp THPT, hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về địa phương để sống cùng bà. Còn riêng cô con gái út của bà đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt với chuyên ngành Giáo dục Tiểu học. 
 
Bà Cil Múp K’Sray luôn động viên các con rằng: Chỉ có phấn đấu học tập, tích cực lao động sản xuất mới trở thành người có ích cho xã hội. Các con đang công tác thì cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được cơ quan giao phó; người nào ở nhà với mẹ thì gắng lao động, làm giàu cho bản thân mình, khi đó mới có cơ hội đóng góp công sức nhỏ bé cho bản làng. 
 
Đồng chí Liêng Hót Ha Mal, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ cho biết: Bà Cil Múp K’Sray là một tấm gương sáng giữa núi rừng. Tất cả phong trào ở địa phương bà đều tham gia tích cực, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng chính đôi tay làm lụng vất vả của mình. Nuôi nấng dạy bảo con cái học hành tử tế, thành người có ích cho xã hội. Từ những việc làm của bà Cil Múp K’Sray, nhiều chị em phụ nữ trong xã luôn thi đua, vượt khó để nuôi dạy con cái, thoát nghèo bền vững, đóng góp vào các cuộc vận động, phong trào ở địa phương.
 
ĐỨC TÚ