Như một lời cám ơn

05:08, 06/08/2020

Với những người dưới đây, mảnh đất Lạc Dương có thể là nơi mà gia đình họ đã gắn bó bao đời, hoặc là nơi "đất lành" cho những "cánh chim" đậu lại...

Với những người dưới đây, mảnh đất Lạc Dương có thể là nơi mà gia đình họ đã gắn bó bao đời, hoặc là nơi “đất lành” cho những “cánh chim” đậu lại. Bằng cách này hay cách khác, họ vẫn đang cống hiến từng ngày, không chỉ vì trách nhiệm của một người đảng viên, mà còn là vì tình yêu và lòng biết ơn với đất và người dưới chân núi Lang Biang huyền thoại luôn bao dung, che chở.
 

 

Đảng viên Păng Ting Uôk
Đảng viên Păng Ting Uôk

 

Đảng viên Păng Ting Uôk (TDP Đăng Gia, thị trấn Lạc Dương): 

Phát huy vai trò của người có uy tín
 
70 tuổi đời, gần 40 tuổi Đảng, trong câu chuyện của ông Păng Ting Uôk vẫn tràn đầy lòng nhiệt thành của một đảng viên, một người có uy tín với cộng đồng. Từng giữ nhiều chức vụ từ khi huyện mới thành lập, dù ở cương vị nào, ông cũng luôn gương mẫu, được bà con tin yêu. Mặc dù đã thôi vai trò Bí thư Chi bộ Tổ dân phố (TDP) Đăng Gia từ năm 2019, nhưng ông vẫn đứng sau, sẵn sàng tham mưu, góp ý cho mọi việc. Bởi “với vai trò của người đảng viên, việc gì giúp được cho TDP, cho bà con, cho anh em thì tôi cứ làm thôi”- ông Păng Ting Uôk chia sẻ.
 
Trước đây, bà con dưới chân núi Lang Biang chỉ biết trồng bắp, trồng lúa, cái ăn cái mặc thiếu thốn, còn bây giờ thì rau, hoa, đặc biệt là cây hoa hồng đã mang lại cho họ đời sống khấm khá. Thế nhưng, để có được ngày hôm nay không phải là chuyện dễ dàng. Ông Păng Ting Uôk hiểu rõ việc thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con rất khó khăn, nhất là trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bởi việc tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật của bà con vẫn còn hạn chế. Thế nên, ông dùng cách lấy thực tiễn để chứng minh hiệu quả, lấy người thực việc thực để tuyên truyền cho bà con tham quan, học hỏi, từ đó nhân rộng mô hình. Đến nay, TDP Đăng Gia đã có 84,7 ha cà phê; 20 ha trồng hoa công nghệ cao trong nhà kính; 10 ha rau, hoa màu các loại; 5 ha dâu tây... mang lại thu nhập cao hơn hẳn so với sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác truyền thống như trước đây.
 
Giờ đây, điều khiến ông Păng Ting Uôk luôn trăn trở là cuộc sống hiện đại mở ra nhiều cơ hội giao lưu và kết nối, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn có những tác động tiêu cực đến văn hóa truyền thống, tư duy, nếp sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Chính vì vậy, ông đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động bà con bỏ đi những hủ tục, đồng thời giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, từ đó góp phần xây dựng nếp sống mới, văn minh, phát triển.
 
Ngoài ra, ông cũng tích cực vận động, thuyết phục Nhân dân trong TDP hiến đất, hiến công xây dựng nông thôn mới. Cùng với những nỗ lực tuyên truyền, vận động, công tác khuyến học, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và các vấn đề an sinh xã hội... tại TDP Đăng Gia được quan tâm tốt hơn; trẻ em được học hành đến nơi đến chốn; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan cũng được chú trọng, làm cho bộ mặt TDP ngày càng khởi sắc.
 
Thiếu tá Hoàng Văn Châu (giữa)
Thiếu tá Hoàng Văn Châu (giữa)
 
Thiếu tá Hoàng Văn Châu - Trợ lý Chính trị Ban CHQS huyện Lạc Dương:
Chiến sĩ thi đua toàn quân, cố gắng hết mình trong từng nhiệm vụ
 
Sinh năm 1982, Thiếu tá Hoàng Văn Châu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy hết mình trong công việc với tất cả sự chịu thương, chịu khó của một người con xứ Nghệ. Với anh, mỗi nhiệm vụ được giao đều cần phải cố gắng hết mình để hoàn thành một cách tốt nhất. 
 
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước của Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, Thiếu tá Hoàng Văn Châu nhận công tác tại Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, sau đó được điều về công tác ở Ban CHQS huyện Lạc Dương. Vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm đã có, thực hiện lời nói đi đôi với việc làm, trên cương vị được giao là trợ lý chính trị phụ trách các mảng công tác Tuyên huấn, Tổ chức, Chính sách, Thanh niên, Thiếu tá Hoàng Văn Châu tích cực tham mưu thực hiện tốt các mặt công tác chuyên môn được giao trong lực lượng vũ trang (LLVT) huyện như: công tác định hướng tư tưởng cho LLVT huyện; phát triển đảng trong dân quân tự vệ, dự bị động viên; giải quyết hồ sơ chính sách cho các đối tượng trên địa bàn...
 
Bên cạnh việc chuẩn bị giáo án, bài giảng chính trị và trực tiếp lên lớp, giảng bài cho các đối tượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, Thiếu tá Hoàng Văn Châu còn tham mưu cho Đảng ủy, Ban CHQS huyện lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong LLVT huyện đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”. Trong quá trình công tác, sáng kiến kinh nghiệm “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động thanh niên sẵn sàng nhập ngũ trên địa bàn huyện Lạc Dương” của anh được đưa vào vận dụng trong thực tiễn, đem lại hiệu quả cao, được chỉ huy đơn vị cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
 
Ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, Thiếu tá Hoàng Văn Châu còn là một trong những gương mặt tiêu biểu với rất nhiều giải thưởng cao trong các hội thi, hội thao do cấp trên và chính quyền địa phương tổ chức. Cùng với sự nỗ lực và cống hiến của mình, nhiều năm liền anh được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đặc biệt, năm 2019, Thiếu tá Hoàng Văn Châu được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen. Năm 2020, anh vinh dự được Bộ Quốc phòng trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân.
 
Với Thiếu tá Hoàng Văn Châu, huyện Lạc Dương không chỉ là nơi anh công tác, mà còn là mảnh đất anh “dừng chân” để cùng gia đình nhỏ của mình xây dựng cuộc sống mới. Là một công dân cư trú tại tổ dân phố Lang Biang, anh luôn tham gia đầy đủ các hoạt động, phát huy vai trò của người đảng viên tại địa phương. Ở nơi mà anh xem là quê hương thứ hai, Thiếu tá Hoàng Văn Châu vẫn đang từng ngày cố gắng, tiếp tục khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất sáng ngời của người lính Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
 
Đảng viên Lơ Mu My Jell
Đảng viên Lơ Mu My Jell
 
Đảng viên Lơ Mu My Jell (Thôn 3, xã Đạ Sar):
Tiên phong chuyển đổi cây trồng
 
Ở xã Đạ Sar, anh My Jell (sinh năm 1983) được biết đến là một trong những người đầu tiên trong xã mạnh dạn mang cây atisô về trồng thay cho cây cà phê. 
 
Mảnh đất Đạ Sar là nơi My Jell sinh ra, lớn lên và gắn bó cho đến tận bây giờ. Trải qua 37 mùa nương rẫy, hơn một nửa trong số đó là những ngày mà cái đói vẫn còn là nỗi ám ảnh, vì vậy hơn ai hết anh hiểu để thay đổi cuộc sống cơ cực đó và không có cách nào khác ngoài việc chính mình phải đổi thay.
 
Gắn bó mãi với cây cà phê mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, My Jell đến các vùng lân cận để học cách trồng rau màu, trồng atisô. Năm 2015, Lơ Mu My Jell là người đầu tiên ở Thôn 3 dám phá bỏ diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng atisô. Những ngày đầu thiếu kinh nghiệm, anh học hỏi kỹ thuật từ nông dân nơi khác, lên mạng tự tìm tòi, tham gia vào các lớp tập huấn của huyện về chăm sóc cây trồng ngắn ngày. Những vụ atisô đầu tiên mang lại thu nhập khá khiến bà con xung quanh mới bắt đầu tin và học hỏi, làm theo.
 
Hiện tại, anh My Jell có 3 sào đất trồng atisô, mỗi tháng riêng tiền bán lá atisô đã mang lại cho gia đình anh hơn 5 triệu đồng. Cây trồng được liên kết với công ty, không phải lo đầu ra cho sản phẩm, chừng đó đất trồng atisô mang lại cho anh thu nhập cao, gấp hơn 2,6 ha cà phê còn lại của gia đình. 
 
Đến giờ, atisô đã trở thành cây trồng thay thế của phần lớn người dân ở Thôn 3 nói riêng và xã Đạ Sar nói chung. Thu nhập ổn định, đời sống của bà con dần được nâng lên. Thay vì trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã biết chủ động thoát nghèo bằng chính đôi tay của mình, và những ngôi nhà khang trang trong thôn như là bằng chứng rõ nét nhất cho điều đó. Với hơn 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, Thôn 3 hiện có 115 hộ thì chỉ còn 1 hộ nghèo. Hiện, diện tích canh tác trong Thôn 3 chỉ với 163 ha nhưng cho thu nhập bình quân đầu người từ 40 triệu đồng/người/năm. 
 
Phát huy vai trò là một đảng viên, và trước đó là Phó Chủ tịch MTTQ xã Đạ Sar, Bí thư Chi bộ Thôn 3 nhiệm kỳ 2014 - 2019, anh Lơ Mu My Jell còn tích cực vận động bà con nhân dân trong thôn tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy mà bà con Thôn 3, từ người già đến người trẻ, ai nấy đều ủng hộ hết mình cho phong trào hiến đất làm đường, góp công xây dựng đường giao thông nông thôn. Những con đường liên thôn, liên xóm được bê tông hóa càng tạo điều kiện để bà con nơi đây phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Đồi cỏ hồng Lạc Dương. Ảnh: Võ Trang
Đồi cỏ hồng Lạc Dương. Ảnh: Võ Trang
VIỆT QUỲNH