Có một làng văn hóa nhà sàn Nùng An

06:08, 10/08/2020

"Chắc không có nơi nào còn nhiều nhà sàn ở tỉnh Lâm Đồng như ở đây đâu", đại diện xóm Nùng An, Thôn phó Hoàng Văn Hòa vừa dẫn tôi tham quan vừa tự hào nói.

“Chắc không có nơi nào còn nhiều nhà sàn ở tỉnh Lâm Đồng như ở đây đâu”, đại diện xóm Nùng An, Thôn phó Hoàng Văn Hòa vừa dẫn tôi tham quan vừa tự hào nói.
 
Bà Nông Thị Sẻn bên bếp lửa truyền thống của người Nùng
Bà Nông Thị Sẻn bên bếp lửa truyền thống của người Nùng
 
Sở dĩ tôi biết đến Nùng An là từ sự ca ngợi của nhiều người dân tộc Thái, Tày ở Đức Trọng trong một sinh hoạt văn hóa đặc sắc về ẩm thực. Khi tôi tìm được người đại diện xóm Nùng An, anh Hòa say sưa và tự hào cho biết: Họ là cư dân dân tộc Nùng, nhóm Nùng An, gốc ở tỉnh Cao Bằng di cư vào Lâm Đồng trong 3 năm, 1982-1984. Bà con định cư thành xóm 3, gọi là xóm Nùng An, thuộc thôn Tân Thịnh, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng. Ở tỉnh Cao Bằng, người Nùng An chủ yếu cư trú tại 4 xã của huyện Quảng Uyên là Phúc Sen, Đoài Khôn, Quốc Dân, Tự Do. Xóm Nùng An ở Đức Trọng thuộc xã Đoài Khôn. Nùng An có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều nét tương đồng với 9 nhóm còn lại: Nùng Giang, Nùng Phàn Sình, Nùng Inh, Nùng Lòi, Nùng Sí Kít, Nùng Khen Lài, Nùng Quí Rịn, Nùng Xìn (Nùng Xuồng) và Nùng Cháo. 
 
Xóm Nùng An nằm bên cạnh con đường ĐT 721, nối từ Quốc lộ 20 đến tỉnh Đăk Nông, đang mở rất rộng và thảm nhựa nóng. Bà con người Nùng định cư thành một xóm với hơn 50 hộ, gần 300 người. Vốn là những người chịu khó lao động sản xuất, họ vào Lâm Đồng vẫn giữ được nhiều phẩm chất đẹp này. Tôi đặc biệt ấn tượng là nhà sàn. Khi vào 100% hộ đều làm nhà sàn, nay đời sống kinh tế rất khá giả, nhiều hộ đã dỡ nhà sàn làm nhà kho. Tuy nhiên, vẫn còn 8 nhà sàn xen lẫn bên những ngôi nhà xây khang trang. 8 ngôi nhà sàn gồm của các hộ ông Triệu Văn Bình, bà Lương Thị Liễu, ông Nông Văn Hạnh, ông Nông Văn Nhiên, bà Lâm Thị Năm, ông Lê Văn Phóng, ông Nông Văn Lèm và ông Nông Văn Tâng. Họ vào rừng sâu khai thác gỗ cà chí, dầu, thông… chế tạo loại xe kiểu xe kéo pháo và dùng trâu kéo về. Mỗi nhà đều được cả xóm chung tay vào làm theo hình thức đổi công trong mấy tháng trời. Tuy mái chỉ lợp loại ngói ở Lâm Đồng, không có loại ngói úp như ở Cao Bằng, nhưng cấu trúc và thiết kế nhà sàn đều hoàn toàn giữ nguyên văn hóa gốc Nùng ở Cao Bằng. Anh Hòa cho biết, đã có những doanh nghiệp làm du lịch lần tới hỏi mua, giá từ 200 đến 300 triệu đồng trở lên mỗi nhà sàn, nhưng không ai bán, người dân để làm kỉ niệm, mặc dù đều đã có nhà xây.
 
Chúng tôi đến nhà ông bà Triệu Văn Bình, Nông Thị Sẻn để thưởng lãm ngôi nhà sàn lớn nhất xóm Nùng An. Bên cạnh ngôi nhà xây 3 tầng lớn mà ông bà cất năm 2017 là ngôi nhà sàn lừng lững hướng cửa chính về phương Nam. Là người tham gia làm ngôi nhà sàn, anh Hòa giới thiệu rất đầy đủ cho tôi ngôi nhà của ông Bình. Nhà có 5 gian, diện tích mặt sàn rộng hơn 250 mét, trong đó chiều sâu khoảng 17 mét, chiều ngang khoảng 15 mét. Kết cấu 4 mái ngói, 2 sàn gỗ với ván dày 5 cm, tầng dưới làm kho đựng đủ các loại: củi, máy cày, xe máy, nuôi gà vịt…; tầng giữa là bếp và phòng ngủ, sinh hoạt gia đình, một phần quây lưới nuôi tằm và tầng trên cùng để trống vì ít người. Ông bà ở nhà xây kế bên, nhà sàn nhường gia đình con trai út ở. Nhà có 2 cửa, cửa chính hướng nam, cửa phụ phía sau hướng tây bắc. Gian trung tâm ngôi nhà ngăn vách ván, phía trước là ban thờ, phía sau là bếp, đúng cấu trúc nội thất nguyên bản của người Nùng. Bếp được hạ thấp mặt hơn sàn gỗ, trát lớp đất dày và trên gác bếp là kho trữ lương thực, thực phẩm như thịt hun khói… Xung quanh nhà đều đóng ván xếp lớp, mưa không thể hắt vào được. Đặc biệt nhà có tới 36 cột gỗ cà chí, đường kính từ 25-30 cm. Cầu thang 9 bậc, cột kê bằng đá xanh vuông vắn. Càng đặc biệt hơn, những cột giữa nguyên cây gỗ cao 8 mét, những xà dọc và ngang cũng liền cây gỗ với chiều dài hơn 10 mét, rộng 20 cm, dày 4 cm. Đỡ 4 mái ngói cũng đều gỗ xếp rất dày. Theo anh Hòa, ước tính tổng khối lượng gỗ khoảng 30 m 3 và “giờ có tiền tỷ cũng không làm được ngôi nhà như thế này, vì gỗ không có nữa mà còn phải có tay nghề từ cha ông xưa mới làm được”. Bà Nông Thị Sẻn cũng dứt khoát với tôi: “Không bán đâu, để làm kỷ niệm vậy thôi!”. 
 
Thôn phó Hoàng Văn Hòa sinh năm 1970, rất năng nổ. Anh cho tôi biết, gần đây do dịch COVID-19 nên đời sống người Nùng An giảm thu nhập, nhưng trước người dân có cuộc sống khá giả vào hàng đầu của xã nông thôn mới Tân Thành. Vốn sáng tạo và cần cù trong lao động sản xuất, người dân Nùng An tự chủ đưa cuộc sống ngày một đi lên. Trung bình mỗi có hộ khoảng 2 ha đất canh tác; toàn xóm khoảng hơn 120 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ lực là cà phê, tiêu và dâu tằm. Theo anh Hòa, dân Nùng An có mức sống vững của xã, thu nhập bình quân đầu người/năm cao hơn mặt bằng xã, trên 50 triệu đồng. Không có hộ nghèo hay cận nghèo. Không có người trong độ tuổi đi học thất học, nhiều thanh niên đã tốt nghiệp đại học đi làm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết các hộ đều đã có nhà, chỉ còn hộ ông Nông Văn Hạnh và bà Lâm Thị Năm ở chung nhà sàn và nhà xây với con. Các phương tiện hiện đại phục vụ cuộc sống con người đều được sắm sanh.
 
Mặc dù là những người li hương nhưng ở đất mới Lâm Đồng, ngoài nhà sàn người dân Nùng An vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Đó là văn hóa ẩm thực, đặc biệt là xôi cẩm (màu tím) và xôi 7 màu sắc… thường làm vào dịp tảo mộ, ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đối với thổ cẩm, do không có điều kiện nhuộm màu, người Nùng An về Cao Bằng mang vào trang phục áo chàm… Ngoài các nghề thủ công truyền thống, sắc phục cũng là một cách giáo dục thế hệ trẻ có ý thức bảo tồn của người Nùng An. Tuy nhiên, người Nùng An ở Đức Trọng vẫn luôn giữ được truyền thống cho con cái theo học văn hóa ở trường lớp, nhưng với âm nhạc truyền thống, đặc biệt là làn điệu hèo phươn, một lối gọi bạn cùng hát, ngày càng vắng thưa. 
 
MINH ĐẠO