Hạt Kiểm lâm huyện Đơn Dương là một trong những đơn vị làm rất tốt chức năng và nhiệm vụ của mình trong tỉnh" và được đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen...
“Hạt Kiểm lâm huyện Đơn Dương là một trong những đơn vị làm rất tốt chức năng và nhiệm vụ của mình trong tỉnh” và được đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tặng Bằng khen - đó là nhận xét của ông Lê Đình Việt - Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng.
Xử lý kịp thời và nghiêm đối với vi phạm là một trong những giải pháp quan trọng |
Hạt Kiểm lâm Đơn Dương có bề dày 44 năm thành lập từ năm 1976 theo Quyết định của Bộ Lâm nghiệp. Tuy biến động về đội ngũ, nhiều nhất hơn 40 người, ít nhất chỉ hơn 10 người, nhưng đơn vị này vẫn hoàn thành chức năng và vai trò của mình. Hiện Hạt có 19 người, 12 người trình độ đại học, 5 người trình độ trung cấp về chuyên môn, 4 người trình độ cao/trung cấp về chính trị. Địa bàn phụ trách 41.816 ha, trong đó rừng phòng hộ 17.200 ha và rừng sản xuất 23.616 ha. Phần lớn diện tích rừng và đất lâm nghiệp là rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực hồ thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh. Rừng Đơn Dương đa phần thuộc loại rừng dễ cháy như rừng thông thuần loại, rừng cây họ dầu nửa rụng lá, rừng khộp và hơn 3.000 ha rừng thông trồng. Toàn bộ diện tích này giao 2 đơn vị chủ rừng Nhà nước và 19 đơn vị thuê đất để thực hiện trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng (BVR) và du lịch dưới tán rừng. Rừng Đơn Dương có địa hình chia cắt do nhiều suối, có nơi cao đến 1.600 m; ngoài cư dân ở huyện khoảng 30% dân tộc thiểu số với hơn 300 ngàn người, địa bàn còn giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận.
Những đặc điểm vừa nêu dĩ nhiên công tác quản lý BVR trên địa bàn Đơn Dương luôn tiềm ẩn vi phạm về khai thác lâm sản, phát nương làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Để những cánh rừng bình yên và phát triển như những năm gần đây, Hạt Kiểm lâm Đơn Dương đã phát huy tốt những chức năng và nhiệm vụ của mình. Đó là phối hợp với phòng chuyên môn của Chi cục Kiểm lâm tỉnh; tham mưu cho người đứng đầu Chi cục và UBND huyện; phối hợp các cơ quan, tổ chức, lực lượng khác trên địa bàn; giao rừng, cho thuê rừng; thu hồi rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư... lấn chiếm. Theo đó, triển khai đồng thời những nhiệm vụ cụ thể bằng phát huy cả nội lực của đơn vị và cả những yếu tố khách quan. Ví dụ, công tác tuyên truyền, vận động bảo vệ và phát triển rừng, trong giai đoạn 2015- 2019, các kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương lồng ghép tuyên truyền Nhân dân tham gia BVR 382 đợt với 14.724 lượt người tham gia (tăng 2.138 người so với giai đoạn 2010 - 2015); vận động ký 778 cam kết không tham gia các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp; tổ chức 90 lượt tuyên truyền lưu động về công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) và 20 đợt tuyên truyền về chính sách “chi trả dịch vụ môi trường rừng” trên toàn bộ địa bàn xã, thị trấn có rừng.
Để làm tốt công tác xây dựng lực lượng BVR và PCCCR, đầu mùa khô hàng năm, Hạt tham mưu cho huyện kiện toàn Ban chỉ đạo, trong đó phân công cụ thể thành viên phụ trách chỉ đạo từng địa bàn. Cũng phương thức này, ở xã, thị trấn, kiểm lâm địa bàn tham mưu trên cơ sở các thành viên Ban lâm nghiệp. Cùng đó, các đơn vị quản lý rừng phải thành lập Ban chỉ huy PCCCR. Mặt khác, Hạt xây dựng lực lượng BVR, PCCCR từ cơ sở; trong đó chủ lực là lực lượng nhận khoán quản lý BVR, Ban lâm nghiệp, công an địa phương và dân quân tự vệ với 1.074 người. Các lực lượng này biên chế thành tổ, phân công trực gác theo dõi lửa rừng và tuần tra ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Mùa khô từ năm 2015 - 2020, Đơn Dương chỉ xảy ra 2 vụ cháy rừng, diện tích 6,294 hecta; mức độ thiệt hại về tài nguyên rừng do cháy rừng gây ra không đáng kể.
So với giai đoạn trước, số vụ cháy rừng giảm 50%, diện tích bị thiệt hại giảm hơn 35%; đặc biệt 3 năm liền (2017-2019) địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng. Thực tế ở đâu kiểm lâm địa bàn và Ban lâm nghiệp xã phát huy tốt thì ở đó công tác BVR thành công. Ở Đơn Dương, kiểm lâm địa bàn chủ động tổ chức, phối hợp với Ban lâm nghiệp, đơn vị chủ rừng, tổ đội nhận khoán BVR tổ chức được 909 lượt với 8.752 người kiểm tra, truy quét rừng trên địa bàn quản lý. Qua đây phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm và tham mưu xử lý 79 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 9,03 ha…
Một nhiệm vụ thường xuyên duy trì và quyết liệt là công tác kiểm tra, truy quét. Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện, Hạt xây dựng kế hoạch tổ chức 264 lượt với 2.277 người tham gia. Đối với vùng rừng giáp ranh huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận và các huyện, thành phố trong tỉnh, đơn vị thường xuyên xây dựng kế hoạch tuần tra, kịp thời ngăn chặn, phát hiện xử lý các hành vi vi phạm; xây dựng kế hoạch bám nắm địa bàn, theo dõi các đối tượng thường xuyên ra vào rừng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Những năm qua, trên địa bàn Đơn Dương không xảy ra vi phạm có tính chất nổi cộm, phức tạp là minh chứng tính hiệu quả. Cùng đó, chặt chẽ trong quy chế phối hợp giữa hai bên. Từ 2015-2019, tổng số vụ vi phạm được phát hiện xử lý trong lĩnh vực quản lý BVR và quản lý lâm sản là 202 vụ, giảm 327 vụ so giai đoạn 2010 - 2015. Với công tác trồng cây phân tán, Hạt Kiểm lâm tham mưu, phối hợp tổ chức trồng được 14.125 cây các loại, tỷ lệ cây sống và phát triển đạt hơn 82% với 11.622 cây. Thực hiện Nghị quyết số 01 năm 2015 của Huyện ủy Đơn Dương, đến cuối năm 2017 địa bàn huyện đã đạt tỷ lệ che phủ rừng 58,4%, vượt chỉ tiêu về tỷ lệ và trước thời hạn 2 năm.
Chia sẻ những kinh nghiệm thành công, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, bà Đinh Thị Mai cũng như Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đơn Dương, ông Đặng Quốc Thái Bình đều cho rằng, cốt lõi là tính đồng bộ và thống nhất cao, từ chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện, Chi cục Kiểm lâm đến tập thể Hạt. Cùng đó là tăng cường phối hợp tuần tra truy quyét các trọng điểm; thực hiện tốt tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền lợi ích mà rừng mang lại đối với người dân; xử lý nghiêm các vụ hủy hoại rừng để răn đe các đối tượng vi phạm song song với xây dựng lực lượng nòng cốt BVR và PCCCR tại cơ sở. Đó còn là xây dựng và thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp; tích cực đi đầu trong công tác trồng rừng, trồng cây phân tán, khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc rừng, BVR hiện có...
MINH ĐẠO