Những bệnh nền nào dễ khiến bệnh nhân COVID-19 gặp nguy hiểm?

05:08, 02/08/2020

Các thống kê ghi nhận bệnh lý nền là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tính nghiêm trọng và nguy cơ tử vong ở bệnh nhân COVID-19. Vậy những bệnh nhân nào cần phải lưu ý giữ gìn?

Các thống kê ghi nhận bệnh lý nền là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tính nghiêm trọng và nguy cơ tử vong ở bệnh nhân COVID-19. Vậy những bệnh nhân nào cần phải lưu ý giữ gìn?
 
Người mắc bệnh nền dễ tổn thương hơn khi nhiễm virus SARS-CoV-2 so với người khỏe mạnh
Người mắc bệnh nền dễ tổn thương hơn khi nhiễm virus SARS-CoV-2 so với người khỏe mạnh
 
Đối với nhiều bệnh truyền nhiễm, trẻ em là nhóm gặp nguy cơ nhiều nhất. Ví dụ như sốt rét, phần lớn ca tử vong là trẻ em dưới 5 tuổi - chiếm 57% trên toàn cầu. 
 
Điều đó cũng đúng với đại dịch lớn nhất trong lịch sử: Trong dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, trẻ em và người lớn trẻ tuổi là nhóm gặp nguy hiểm nhất.
 
Riêng đối với bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2, mọi thứ dường như đảo ngược: Người già mới là nhóm dễ tử vong nếu nhiễm bệnh.
 
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận xét vấn đề không đơn giản theo kiểu lập luận "càng lớn tuổi, càng dễ chết" vì COVID-19. 
 
Các thống kê của nhiều quốc gia từ đầu dịch đến nay phát hiện đa số bệnh nhân tử vong đều mắc phải một hoặc nhiều bệnh nền, tương tự 2 bệnh nhân 428 và 437 của Việt Nam vừa qua đời trong ngày 31-3.
 
Người già vốn dễ mang bệnh nền hơn người trẻ, đó có thể là một phần lý do khiến họ gặp nguy cơ lớn.
 
Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thống kê một danh sách bệnh nền/thể trạng dễ khiến bệnh nhân COVID-19 trở nặng, áp dụng cho bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi. Danh sách dưới đây được cập nhật ngày 17-7:
 
Ung thư; 
 
Bệnh thận mãn tính; 
 
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD); 
 
Béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI 30 trở lên với người Mỹ, người châu Á có thể thấp hơn);
 
Các bệnh tim mạch nghiêm trọng như suy tim, bệnh liên quan đến động mạch vành hoặc cơ tim;
 
Bệnh hồng cầu hình liềm;
 
Tiểu đường tuýp 1 và 2;
 
Hen suyễn (trung bình đến nặng);
 
Bệnh mạch máu não (ảnh hưởng đến cung cấp máu cho não);
 
Bệnh xơ nang;
 
Bệnh cao huyết áp;
 
Hệ miễn dịch suy yếu do ghép tạng, tủy sống, nhiễm HIV, hoặc sử dụng các loại thuốc khiến hệ miễn dịch yếu đi;
 
Các hội chứng thần kinh, ví dụ mất trí nhớ;
 
Bệnh về gan;
 
Đang mang thai;
 
Xơ phổi; hút thuốc lá;
 
Bệnh tan máu bẩm sinh.
 
Theo CDC, danh sách bệnh trên mang mục đích tham khảo cho các bác sĩ để họ có hướng điều trị thích hợp cho bệnh nhân COVID-19; đồng thời cảnh báo người bệnh có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
 
COVID-19 là bệnh mới, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu thêm về nó mỗi ngày, do đó dữ liệu sẽ còn thay đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh theo thời gian.
 
(Theo Tuoitre.vn)