Những cộng đồng bảo vệ môi trường ở Đơn Dương

05:08, 25/08/2020

Những con đường sạch sẽ, không rác thải, hoa nở trước nhà, đường bê tông nối ra đồng...; các cộng đồng dân cư chung tay bảo vệ môi trường như thế xuất hiện ngày càng nhiều ở Đơn Dương. 

Những con đường sạch sẽ, không rác thải, hoa nở trước nhà, đường bê tông nối ra đồng...; các cộng đồng dân cư chung tay bảo vệ môi trường như thế xuất hiện ngày càng nhiều ở Đơn Dương. 
 
Con đường ở Giáo xứ Lạc Sơn - xã Lạc Lâm, Đơn Dương
Con đường ở Giáo xứ Lạc Sơn - xã Lạc Lâm, Đơn Dương
 
“Sáng, xanh, sạch, đẹp” 
 
Dọc theo Quốc lộ 27 ngang qua xã Lạc Xuân - Đơn Dương là những con đường bê tông ngang dẫn vào xóm, từ xóm nhiều đường dẫn thẳng ra cánh đồng.
 
“Chẳng có đường nào trong xóm đến nay chưa đổ bê tông, rất nhiều con đường ra đồng cũng được bê tông hóa rồi” - Cha Đỗ Quang Dũng - Linh mục quản xứ Nhà thờ Lạc Xuân tươi cười.
 
Ông đưa tôi đi dọc một số con đường làng trong giáo xứ, những con đường sạch sẽ, ven đường nhiều ngôi nhà đẹp mới xây mọc lên, không ít gia đình trồng hoa trước nhà, rất nhiều loại hoa, mùa mưa này hoa nở tươi dọc theo những bước chân. 
 
Giáo xứ Lạc Xuân có tổng cộng khoảng 750 gia đình, sinh sống trong các thôn Đồng Thạnh, Lạc Viên A, Lạc Viên B, La Bui; hầu hết làm nông, một số ít buôn bán. Đây chính là nơi xuất phát đầu tiên của phong trào thắp sáng đường nông thôn tại Đơn Dương và của cả tỉnh Lâm Đồng cùng với phong trào vận động “Xanh, sạch, đẹp” nông thôn.
 
Quản xứ Nhà thờ Lạc Xuân trước đây là cha Phạm Công Phương, một trong những người tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Đơn Dương. Ông đứng ra vận động người dân trong giáo xứ đóng góp tiền, công sức và vận động tài trợ để cùng Nhà nước làm đường, bắc điện sáng các con đường nông thôn trong giáo xứ. Ông tiến hành thành lập tổ thu gom rác thải và vận động mọi người dân trong cộng đồng giữ gìn vệ sinh môi trường. Bản thân cha Phương cũng xin tài trợ nhiều nơi để xây 2 cây cầu bắc qua sông Đa Nhim cho người dân đi lại thuận lợi, một trong 2 cây cầu này hiện nay vẫn đang sử dụng. Khi ông được chuyển về Đà Lạt, cha Đỗ Quang Dũng thay thế và lâu nay vẫn đang tiếp tục những công việc mà cha Phương đã làm trước đây cho cộng đồng.
 
Với cha Dũng, điều ông quan tâm nhất hiện nay là vấn nạn ô nhiễm rác thải từ túi ni lông. “Túi ni lông được sử dụng quá nhiều, nhiều người vô ý cứ thế ném nguyên cả túi ni lông đựng rác xuống suối trong vùng, gây tắc nghẽn dòng nước và ô nhiễm, rác trôi xuống vùng hạ lưu làm bẩn sông suối. Đã đến lúc chính quyền nên có chế tài để hạn chế sử dụng túi ni lông” - ông suy nghĩ.
 
Những cộng đồng bảo vệ môi trường 
 
Cùng với Giáo xứ Lạc Xuân, đã xuất hiện rất nhiều những mô hình huy động cộng đồng dân cư cùng chung tay bảo vệ môi trường tại Đơn Dương những năm gần đây.
 
Tiêu biểu như Giáo xứ Lạc Sơn - xã Lạc Lâm, cách Giáo xứ Lạc Xuân không xa. Giáo xứ này có 3 thôn, gồm Lạc Sơn, Tân Lập và M’răng với khoảng 400 gia đình sinh sống, trong đó M’răng là thôn đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho. Nơi đây không chỉ là mô hình rất tốt về bảo vệ môi trường lâu nay tại xã Lạc Lâm mà còn là một khu dân cư phấn đấu không có tội phạm.
 
Theo cha Nguyễn Trí Đô, quản xứ Nhà thờ Lạc Sơn, hầu hết mọi người dân trong giáo xứ đến nay đều đã có ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác thải sinh hoạt đúng chỗ, không vứt rác bừa bãi ra đường; định kỳ xã có xe đến thu gom. Hầu hết các con đường làng đã được bê tông hóa từ lâu, hai bên đường được người dân trồng hoa dọc theo lối đi. 
 
Ngay cả thôn đồng bào dân tộc thiểu số M’răng nay cũng khá sạch sẽ. Cha Đô cho biết, giáo xứ phối hợp với chính quyền vận động người dân nơi đây giữ gìn môi trường, xây nhà vệ sinh, sử dụng nước sạch, sinh hoạt theo nếp sống văn hóa mới, bỏ các tập tục lạc hậu.
 
“Khó nhất nơi đây là các dãy nhà trọ mọc lên rất nhiều trong các thôn, chủ yếu là người từ nhiều nơi đến thuê nhà ở để làm nông. Giáo dân thì mình nói được còn nhà trọ thì hơi khó nhưng giáo xứ bằng nhiều cách cũng cố gắng vận động họ giữ gìn vệ sinh sạch sẽ chỗ ở, không nên vứt rác ra đường, xuống suối”- cha Đô cho biết 
 
Còn mô hình khu dân cư đoàn kết bảo vệ môi trường tại thôn Đa Hoa, xã Tu Tra do Mục sư Ha Thương - Quản nhiệm Hội thánh Đa Hoa cùng Ban công tác Mặt trận thôn phối hợp tổ chức. Đến nay thôn đã vận động người dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; tham gia ra quân dọn dẹp vệ sinh đường làng vào ngày Chủ nhật tuần cuối của tháng và trồng được 200 cây bàng Đài Loan trên trục đường chính của thôn. Người dân cũng đóng góp tiền để bắc điện thắp sáng trên trục đường trong thôn.
 
Hay như tại xã Ka Đơn trong vùng sâu Đơn Dương với chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng có một mô hình bảo vệ môi trường rất đáng biểu dương, đó là khu dân cư kiểu mẫu tại thôn K’rái 2. Mô hình này được thành lập từ năm 2018, với sự tham gia rộng rãi của các đoàn thể và người dân trong thôn.
 
Đến nay Chi hội Phụ nữ thôn K’rái đã ra quân trồng hoa dọc theo 2 bên trục đường chính của thôn; Chi hội Nông dân thôn xây dựng mô hình phân loại, xử lý rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật, có thùng phân loại rác ở trục đường chính trong thôn, còn Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và Công an xã cũng hỗ trợ xây dựng mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, thành lập đội tự quản với 7 thành viên hoạt động.
 
VIẾT TRỌNG