Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của chất độc da cam/Dioxin để lại vẫn hết sức nặng nề. Di chứng mà chất độc da cam gây ra cho nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp rất lâu dài...
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của chất độc da cam/Dioxin để lại vẫn hết sức nặng nề. Di chứng mà chất độc da cam gây ra cho nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp rất lâu dài với nhiều dạng tàn tật, đau đớn triền miên về thể xác, tổn thương nghiêm trọng về tinh thần.
Các người đẹp Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017 trong một lần đến thăm Trung tâm Nuôi dạy con nạn nhân da cam và trẻ khuyết tật TP Bảo Lộc |
Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi về Trung tâm Nuôi dạy con nạn nhân da cam và trẻ khuyết tật TP Bảo Lộc (xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc), nơi đang nuôi dạy 30 người (nội trú và bán trú) bị ảnh hưởng gián tiếp bởi chất độc da cam, để cảm nhận rõ hơn những yêu thương mà các cô, chú trong Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin TP Bảo Lộc dành cho các nạn nhân da cam nơi đây.
“Trung tâm Nuôi dạy con nạn nhân da cam và trẻ khuyết tật TP Bảo Lộc do Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin TP Bảo Lộc thành lập vào năm 2013. Tại đây, ngoài việc được nuôi dạy và chăm lo các bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, con nạn nhân da cam còn được học văn hóa, dạy làm tranh cát, tranh thêu tay, may công nghiệp... Bên cạnh đó, Trung tâm Nuôi dạy con nạn nhân da cam và trẻ khuyết tật TP Bảo Lộc thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ để con nạn nhân da cam vơi đi những tự ti mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng tốt hơn, cũng như tổ chức các chuyến du lịch dã ngoại và đón nhận sự quan tâm của các đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà, cả về tinh thần lẫn vật chất trong các dịp lễ, tết”, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy con nạn nhân da cam và trẻ khuyết tật TP Bảo Lộc, chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quốc Trung, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin TP Bảo Lộc, nhiều năm qua, Trung tâm Nuôi dạy con nạn nhân da cam và trẻ khuyết tật TP Bảo Lộc luôn nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh, của các sở, ban, ngành trong tỉnh và của các đồng chí lãnh đạo TP Bảo Lộc, cùng sự nỗ lực của tập thể Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin TP Bảo Lộc, nên việc nuôi dạy con nạn nhân da cam, trẻ khuyết tật nội trú tại Trung tâm luôn duy trì ổn định; còn với những trường hợp ngoại trú, Trung tâm hỗ trợ 30 kg gạo/người/quý và các nhu yếu phẩm khác. “Tuy nhiên, việc dạy may công nghiệp, thêu, làm tranh cát đã phải tạm dừng, vì một số cháu có khả năng thì trở lại gia đình làm nghề, trong khi số còn lại không có khả năng tiếp thu”, ông Nguyễn Quốc Trung cho biết.
Theo bà Lưu Thị Thanh An, nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin TP Bảo Lộc, với con nạn nhân da cam đang được chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dạy con nạn nhân da cam và trẻ khuyết tật TP Bảo Lộc, phần đa bị thiểu năng trí tuệ, khiếm khuyết về hình thể, bị bệnh tâm thần nặng… nên chỉ có tình yêu thương thật sự thì mới tạo cho các cháu có được một sự chăm sóc đầy đủ, phần nào bù đắp những thiệt thòi mà các cháu phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh.
Chia sẻ sâu sắc với con nạn nhân da cam, ông Nguyễn Văn Triệu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc, rất đồng tình với quan điểm của bà Lưu Thị Thanh An, khi đánh giá, bằng tình thương và trách nhiệm, trong những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin TP Bảo Lộc đã làm tốt vai trò, chức năng là cầu nối giữa nạn nhân da cam với cộng đồng xã hội, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần, góp phần tích cực xoa dịu nỗi đau da cam trên địa bàn TP Bảo Lộc.
TRỊNH CHU