Chăn nuôi gia súc, gia cầm ở tỉnh ta trong nhiều năm nay đang trên đà phát triển với nhiều trang trại chăn nuôi heo, gà, góp phần nâng cao mức sống của người dân...
Chăn nuôi gia súc, gia cầm ở tỉnh ta trong nhiều năm nay đang trên đà phát triển với nhiều trang trại chăn nuôi heo, gà, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Là một người nông dân lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, anh Nguyễn Quang Trung, sinh năm 1986, cư trú tại Thôn 2, xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh đã mạnh dạn vay vốn để chăn nuôi và có bước đầu thành công.
|
Anh Trung đang cho gà ăn tại trại gà của gia đình |
Trại chăn nuôi heo và gà của anh Quang Trung được xây tại vùng đất rộng gần ruộng lúa với không gian thoáng mát, chuồng trại được xây gọn gàng, ngăn nắp. Năm 2011, anh cùng gia đình từ quê hương Nghệ An vào xã Mỹ Đức sinh sống. Trên nền tảng có anh họ làm bác sĩ thú y và dạy cho anh cách phòng bệnh cho vật nuôi, anh Trung xác định mình sẽ lập nghiệp bằng việc chăn nuôi heo và gà thịt. Với số vốn ít ỏi tự có, cộng với việc vay thế chấp đất ở quê, anh đã dựng trại chăn nuôi heo và gà thịt trên gần 3.000 m
2 đất nông nghiệp. Khởi đầu, anh được địa phương hỗ trợ 10 con heo giống. Khi heo, gà tăng nhanh số lượng, anh đã chuyển sang Thôn 2, xã Triệu Hải để có thêm đất mở rộng trại vào đầu năm 2018. Hiện tại, diện tích trại chăn nuôi của anh là 3 ha với 4 chuồng gà và 1 chuồng heo rộng, thoáng có diện tích trung bình 250 m
2/chuồng. Trong giai đoạn gần đây, trại chăn nuôi của anh Trung luôn có khoảng 900 - 1.000 con gà thịt, 300 heo thịt cùng 40 heo nái. Hiện kinh tế gia đình anh Trung đã ổn định với ngôi nhà khang trang cùng vợ và 2 con. Hàng ngày, anh cùng vợ thay phiên ở trại chăm heo, gà.
Trong sản xuất chăn nuôi, người nông dân luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là dịch bệnh ở vật nuôi như cúm gia cầm, lở mồm long móng hay dịch tả lợn châu Phi. Mỗi lần có dịch bệnh quy mô lớn thì người chăn nuôi phải đối mặt nhiều rủi ro như vật nuôi bị bệnh chết, giá vật nuôi giảm mạnh, thậm chí không xuất đi được.
Nhiều người dân đã phải mất trắng vì dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Anh Trung cũng nằm trong số đó. Anh cho biết, trong gần 10 năm nuôi heo, gà anh cũng chịu tổn thất lớn nhỏ khác nhau. Nghiêm trọng nhất là dịch tả lợn châu Phi năm 2018, trại nuôi heo của anh lỗ gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên, so với các hộ chăn nuôi khác thì tổn thất của anh chỉ khoảng 1/3 tổng số đàn, bởi vì ngay từ đầu anh đã thực hiện phòng, chống bệnh dịch ở vật nuôi một cách đầy đủ. Trại chăn nuôi của anh Trung hiện chỉ nuôi heo thịt, gà thịt và lấy giống nơi duy nhất là huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Anh tự đặt ra tiêu chí cho công việc của mình phải đạt chất lượng sản phẩm tốt nhất, không tham nuôi nhiều vì chăm không hết mà nuôi không tốt, xuất đi cho khách sẽ mất uy tín. Vậy là, từ hai bàn tay trắng và lập nghiệp tại khu vực kinh tế mới, vợ chồng anh Trung đã mạnh dạn vay vốn để chăn nuôi, dù có lúc thất bại nhưng cuối cùng anh đã thành công, trả nợ hết những khoản vay, mượn của bà con, của ngân hàng và đã có tích lũy.
Chăm lo làm kinh tế nhưng anh Trung cũng tham gia các hoạt động từ thiện như hiến máu nhân đạo, giúp đỡ người nghèo ở địa phương với số tiền trung bình 10 triệu đồng một năm. Ở nhà anh cũng đôn đốc 2 con học hành, các cháu đều ngoan ngoãn.
Anh Trung cho biết, trong tương lai anh dự định mở rộng trại chăn nuôi heo, gà của mình và thuê thêm người làm vì nhu cầu của thị trường đang rất ổn định.
MINH PHƯƠNG