Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020 của tỉnh Lâm Đồng với mục tiêu giảm 5%-10% tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình hàng năm giai đoạn 2015 - 2019...
Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020 của tỉnh Lâm Đồng với mục tiêu giảm 5%-10% tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình hàng năm giai đoạn 2015 - 2019; khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.
|
Bác sĩ khám sàng lọc bệnh bạch hầu tại huyện Đam Rông |
Theo đó, sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm không để xâm nhập vào địa phương. Bảo đảm công tác phân tuyến điều trị giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, biến chứng.
Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh. Bảo đảm hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương. Đảm bảo kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất, nguồn lực, sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh tại các tuyến.
Theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020, tỉnh Lâm Đồng đề ra các các chỉ tiêu chủ yếu như: 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời. 100% cán bộ làm công tác thống kê, báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, công tác thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm, nâng cao chất lượng và hướng dẫn sử dụng báo cáo bằng phần mềm qua mạng internet. 100% hành khách xuất, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm để tổ chức quản lý, cách ly. Giảm từ 5%-10% số mắc, chết do bệnh truyền nhiễm phổ biến so với trung bình giai đoạn 2015 - 2019.
Quan tâm đến công tác tổ chức, chỉ đạo thông qua các hoạt động: Củng cố Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe Nhân dân các cấp; các ngành thành viên Ban chỉ đạo triển khai nội dung hoạt động thuộc phạm vi ngành quản lý; tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo tuyến dưới; duy trì chế độ giao ban phù hợp với tình hình dịch bệnh từng thời điểm và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho cán bộ tham gia chống dịch. Tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh; cấp và cấp bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, huy động các tổ chức chính trị - xã hội, người dân phối hợp với ngành Y tế nhằm phát huy được hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Quân y, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông và các địa phương liên quan trong phòng, chống dịch bệnh. Huy động các đoàn thể: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ... tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; tập trung các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi hoặc bệnh lưu hành có số mắc và tử vong cao tại địa phương.
Triển khai các hoạt động chuyên môn kỹ thuật như: Hoạt động giảm các ca mắc bệnh truyền nhiễm, thực hiện hiệu quả và đồng bộ các chương trình y tế trên địa bàn. Chủ động giám sát bệnh, phát hiện sớm các trường hợp đầu tiên mắc bệnh để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời. Thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, xử lý ổ dịch, phân tích và dự báo xu hướng phát triển của bệnh dịch để có biện pháp phòng chống thích hợp. Giám sát và kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch cũ. Tập huấn, tăng cường năng lực xét nghiệm; lấy mẫu bệnh phẩm, bảo quản, vận chuyển tuyến trên để xác định tác nhân gây bệnh một cách nhanh chóng (khi cần thiết). Hoạt động giảm tử vong do bệnh truyền nhiễm, tăng cường năng lực điều trị cho bệnh viện các tuyến; tập huấn chuyên môn cho các bác sĩ, điều dưỡng về phác đồ chẩn đoán, điều trị, hồi sức cấp cứu các bệnh truyền nhiễm gây dịch. Triển khai các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động, kịp thời hỗ trợ tuyến dưới, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân tại chỗ khi dịch lớn xảy ra. Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, sẵn sàng phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân; cử các bác sĩ đi tập huấn và tập huấn lại cho tuyến dưới về phác đồ điều trị, hồi sức cấp cứu.
Truyền thông, giáo dục sức khỏe chủ động triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các thông điệp truyền thông giáo dục sức khỏe hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể; tăng cường các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cơ sở như: họp thôn, bản, phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn. Tổ chức chiến dịch tuyên truyền, vận động Nhân dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ngủ màn chống muỗi, ăn chín, uống chín; đảm bảo 3 công trình vệ sinh nhà tắm, giếng nước và nhà tiêu hợp vệ sinh tại các hộ gia đình.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về dịch tễ học của bệnh, tác nhân gây bệnh, truyền bệnh; đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để chọn lọc các biện pháp triển khai phù hợp với điều kiện địa phương. Đầu tư nguồn lực đảm bảo kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo qui định. Bố trí hợp lý và bổ sung cán bộ còn thiếu cho các đơn vị y tế dự phòng các tuyến, đảm bảo đủ nhân lực tham gia công tác phòng chống dịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, chế độ giám sát, điều tra, xác minh và trực phòng chống dịch.
AN NHIÊN