Thôn Yên Hòa (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) - từ vùng đất nhọc nhằn những ngày đầu xây dựng kinh tế mới, nay đã xanh mướt dâu tằm và cây ăn trái. Sự đổi thay này cũng giống như mồ hôi của thế hệ ông bà, cha mẹ đã rơi xuống trên những mảnh vườn đó, để những ước mơ của con cháu hôm nay được "nảy mầm".
Thôn Yên Hòa (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) - từ vùng đất nhọc nhằn những ngày đầu xây dựng kinh tế mới, nay đã xanh mướt dâu tằm và cây ăn trái. Sự đổi thay này cũng giống như mồ hôi của thế hệ ông bà, cha mẹ đã rơi xuống trên những mảnh vườn đó, để những ước mơ của con cháu hôm nay được “nảy mầm”.
Nhờ vào công tác khuyến học, khuyến tài, tinh thần học tập của con cháu thôn Yên Hòa ngày càng được nâng cao |
Thôn Yên Hòa (trước là Thôn 3, Thôn 4 của xã Hà Đông, nay sáp nhập vào xã Mỹ Đức) có 160 hộ dân sinh sống. Đời sống của bà con ngày càng được nâng cao nhờ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là trồng dâu nuôi tằm. Cùng với đó, việc học của con cháu trong thôn cũng được quan tâm hơn để bù đắp phần nào những thiếu thốn, thiệt thòi của thế hệ trước. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, trong những năm qua, thôn Yên Hòa đã chú trọng làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Từ đó, tạo được nhiều kết quả đáng khích lệ, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng.
Đối với chị Nguyễn Thị Lệ (40 tuổi), việc học của các con có thêm cả phần ước mơ của mẹ. Bởi tuổi thơ của chị Lệ là những ngày cái ăn cái mặc còn thiếu thốn, đường đến trường lầy lội, bàn ghế học làm bằng tre kêu cót ca cót két. Thế nên, đứa trẻ nào cũng muốn nghỉ học ở nhà phụ bố mẹ, những giấc mơ bị gác lại ở ruộng đồng. Học hành không trọn vẹn khiến chị Lệ luôn luôn cảm thấy nuối tiếc. Chính vì vậy, chị luôn muốn con cái học hành đến nơi đến chốn để học thay cả phần của mình. Bây giờ, cả 3 đứa con của chị đều có thành tích học tập tốt. Cô con gái đầu đang là sinh viên Trường Đại học Đà Lạt. Chị chia sẻ rằng: “Mình ở nhà trồng dâu nuôi tằm, chịu cực chịu khổ thế nào cũng được, chỉ mong con cái học hành để sau này thoát khỏi nghề nông, hoặc không thì cũng mang tri thức vào công việc của mình”.
Còn đối với gia đình bà Phạm Thị Lý (57 tuổi), việc học đúng nghĩa là để “đổi đời” như người ta vẫn thường hay nói. Không có đất sản xuất, một mình bà đi làm thuê làm mướn quanh năm nuôi con nên người. Hôm nào 4 đứa con cũng gắng học bài nhanh để ngồi đan giỏ bèo đến 11h khuya với mẹ. Vậy mà gia đình bà Lý vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã đến tận 9 năm. Thế nhưng, vượt qua những thiếu thốn vất vả, 3 trong 4 người con của bà vẫn quyết tâm học đại học. Với hầu hết những gia đình ở nông thôn, nuôi con học đại học thường gặp nhiều chật vật, thì đối với gia đình bà Lý, con đường đó còn gian nan gấp nhiều lần. Điều giúp bà vượt qua tất cả những khó khăn ấy là sự chịu thương, chịu khó học hành của mấy đứa con, là sự đồng hành, hỗ trợ của Chi hội Khuyến học thôn. “Các con đậu đại học, tôi vay tiền ngân hàng chứ không để con phải nghỉ học. Bởi tôi nghĩ đời mình đã khổ, giờ con cái cũng nghỉ học sớm thì chỉ kiếm được đồng tiền trước mắt, cũng sẽ khổ như mình” - người phụ nữ có thân hình nhỏ bé tâm sự. Nhờ vậy mà từ những đồng tiền lẻ từ chiếc giỏ bèo thức khuya đan mỗi tối, từ những bữa cơm độn khoai, độn mì, giờ con cái của bà Lý đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định.
Những chia sẻ của chị Lệ, bà Lý cũng là suy nghĩ chung của người dân thôn Yên Hòa, ai nấy đều mong muốn và tạo điều kiện hết sức cho con em mình theo con chữ. Chị Nguyễn Thị Vân - Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học thôn Yên Hòa cho biết: Với phương châm “nhà nhà, người người tích cực học tập, làm công tác khuyến học”, Chi hội Khuyến học thôn thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài. Nhờ huy động sự vào cuộc tích cực của Chi bộ Đảng, chính quyền các đoàn thể, nhà trường, các tổ chức cá nhân, Chi hội đã thu hút và tập hợp được hầu hết các hộ dân trong thôn tham gia vào hoạt động học tập cộng đồng, hưởng ứng công tác khuyến tài, khuyến học.
Để công tác khuyến học hoạt động hiệu quả, thôn Yên Hòa đã vận động xây dựng, sử dụng hiệu quả nguồn quỹ khuyến học. Chi hội Khuyến học thôn đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài bằng các hình thức như tôn vinh Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, nêu gương các gia đình có con cháu học hành thành đạt, chăm ngoan học giỏi. Từ đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần khơi dậy tinh thần hiếu học của người dân trong thôn. Bên cạnh đó, chính quyền thôn thường xuyên quan tâm đến những em có hoàn cảnh khó khăn hay có biểu hiện bất thường về kết quả học tập, đạo đức, hạnh kiểm để động viên uốn nắn kịp thời.
Nhờ đó, trong những năm gần đây, Chi hội Khuyến học thôn đã vận động các hộ dân trong thôn, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm đóng góp hàng chục triệu đồng vào quỹ khuyến học. Từ nguồn quỹ này, hoạt động tuyên dương, phát thưởng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó, học sinh có thành tích khá giỏi trong năm học được duy trì tổ chức vào dịp kết thúc năm học của các cháu. Những phần quà chủ yếu mang giá trị tinh thần, có khi là tập vở, có khi là bánh kẹo, nhưng đều mang tính động viên rất lớn cho con em trong thôn.
Anh Nguyễn Đức Lim - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Mỹ Đức cho biết: Cùng với những hoạt động thiết thực và sự đồng hành của cả chính quyền, gia đình và nhà trường, chúng tôi còn tăng cường tuyên truyền trên loa phát thanh để nêu gương, khuyến khích con cháu trong xã thi đua học tập, tránh sa vào các tệ nạn xã hội. Tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ học sinh thôn Yên Hòa nói riêng và xã Mỹ Đức nói chung đậu vào những trường đại học, cao đẳng chất lượng tăng dần qua các năm.
Để rồi, từ vườn dâu, né tằm, từ những mảnh vườn thấm đẫm mồ hôi nơi thôn Yên Hòa, đã có những giấc mơ trở thành giáo viên, bác sĩ, công an,... đang dần trở thành hiện thực. Đó không chỉ là ước mơ của thế hệ trẻ hiện tại, mà còn là một phần dang dở của thế hệ ông bà, cha mẹ đang dần được vẹn tròn.
VIỆT QUỲNH