Đổi thay từ nếp nghĩ, cách làm

06:09, 30/09/2020

Xác định giảm nghèo phải từ gốc, xã N'Thol Hạ (huyện Đức Trọng) ngoài huy động nguồn lực từ sự hỗ trợ của Nhà nước, còn vận động Nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Qua đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo thật sự.

Xác định giảm nghèo phải từ gốc, xã N’Thol Hạ (huyện Đức Trọng) ngoài huy động nguồn lực từ sự hỗ trợ của Nhà nước, còn vận động Nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Qua đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo thật sự.
 
Vườn rau sạch của gia đình chị Cil Múp Ka Hoa (thôn Lạch Tông)
Vườn rau sạch của gia đình chị Cil Múp Ka Hoa (thôn Lạch Tông)
 
Xã N’Thol Hạ có đến 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2016, số hộ nghèo ở N’Thol Hạ là 314 hộ, chiếm tỷ lệ 18,95%. Đến nay, qua sự đầu tư từ các chương trình, dự án, nhất là Chương trình 135, 30a và sự nỗ lực vươn lên của người dân, con số này giảm xuống chỉ còn 37 hộ, chiếm tỷ lệ 1,7%.
 
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, xã N’Thol Hạ đã khuyến khích các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp và cà phê già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây khác phù hợp với địa hình đất đai, điều kiện tự nhiên của xã, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến rau màu và dâu tằm. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo để khơi dậy ý thức vươn lên làm chủ của người dân. Nhờ vậy, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thay vào đó, tích cực tham gia các phong trào thi đua, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính, tưới phun sương… để sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao, ổn định.
 
Những năm trở lại đây, vườn rau của gia đình chị Cil Múp Ka Hoa (thôn Lạch Tông) đã được áp dụng khoa học vào sản xuất. Khu vườn dùng hệ thống tưới bằng béc để tiết kiệm nước và công lao động; đồng thời, che lưới ở trên và chăm sóc rau bằng phân hữu cơ, sản xuất rau sạch để bán được giá cao. Chị Ka Hoa chia sẻ: “Trước đây, diện tích này trồng cà phê cằn cỗi, thu nhập thấp. Năm 2017, được UBND xã vận động, hỗ trợ và hướng dẫn, tôi chuyển sang làm rau sạch. 5 sào đất ban đầu được trồng khoai lang, sau đó trồng thêm rau cải, xà lách, rau thơm… là các loại rau ngắn ngày nên hàng tháng gia đình tôi đều có thu nhập, đời sống nhờ thế mà ngày càng ổn định và đi lên”. 
 
Tương tự, từ nguồn hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo, gia đình ông K’Blinh (thôn Đoàn Kết) đã đầu tư giàn sắt, nong né gỗ để nuôi tằm. Đồng thời, chăn nuôi bò vỗ béo, làm rau màu các loại… Từ đó, thu nhập kinh tế gia đình từng bước được cải thiện, gia đình ông thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Ông K’Blinh nói: “Được Nhà nước hỗ trợ vốn, con giống, hướng dẫn cách làm ăn, gia đình tôi cố gắng chăm chỉ làm ăn rồi xin ra khỏi hộ nghèo. Mình còn lao động, sản xuất được thì nhường sự giúp đỡ đó cho những nhà khổ hơn mình”.
 
Đó là 2 trong số rất nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo cuộc vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở N’Thol Hạ. Cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân vùng dân tộc thiểu số, nâng cao ý thức phát triển sản xuất gia đình. Ông Lê Bá Dương - Phó Chủ tịch UBND xã N’Thol Hạ cho biết: Thời gian qua, xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời, lồng ghép, triển khai đồng bộ các Chương trình Mục tiêu giảm nghèo quốc gia. Hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn đã được vay vốn với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng; công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giống cây, con, chính sách nhà ở… cũng được chú trọng và phát huy hiệu quả. 
 
Để thoát nghèo, trước tiên phải thay đổi nhận thức của Nhân dân, tạo động lực phấn đấu vươn lên. Sự thay đổi đó ở N’Thol Hạ được lan tỏa, trước tiên là nhờ những người có uy tín, bởi với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếng nói của các già làng đóng vai trò hết sức quan trọng. Là người có uy tín ở thôn Yang Ly, ông July cho biết: “Trong nhà tôi giờ chỉ còn hai ông bà già, nhưng chúng tôi vẫn tích cực trồng cỏ, nuôi bò, nhờ vậy mà xây được nhà cửa khang trang, cũng không phải phụ thuộc vào con cái. Hơn nữa, tôi tích cực lao động, sản xuất để làm gương cho bà con xung quanh học hỏi, noi theo để cùng phát triển kinh tế”.
 
Từ sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của mỗi người dân, xã N’Thol Hạ đã đạt và vượt các chỉ tiêu giảm nghèo đề ra trong các năm. Thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo sau khi thoát nghèo được nâng lên, góp phần rất lớn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã. Tuy nhiên, để công tác giảm nghèo đảm bảo tính bền vững và tránh tái nghèo, theo ông Nông Văn Hợi - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã N’Thol Hạ, địa phương sẽ tăng cường sự đồng hành, bám sát của các cơ quan Mặt trận và đoàn thể đối với hội viên. Đồng thời, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hội viên trẻ vay vốn, đào tạo nghề để phát triển sản xuất, vì đây là lực lượng có sức lao động, dám nghĩ, dám làm và dám đổi mới - hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi đột phá và bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
 
H.YÊN - V.QUỲNH