Trên con đường đầy vũng sình, tôi về thôn Chi Rông, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng để gặp chị K'Niếu...
Trên con đường đầy vũng sình, tôi về thôn Chi Rông, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng để gặp chị K’Niếu. Người phụ nữ dân tộc K’Ho ấy được mọi người thán phục, kính nể, bởi không những làm kinh tế giỏi mà chị còn hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện cho người dân trong vùng có công ăn, việc làm ổn định. Chính vì lẽ đó, trong giai đoạn 2015 - 2018, chị K’Niếu vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vì đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Chị K’Niếu vừa làm kinh tế giỏi, vừa tạo việc làm cho người dân trong vùng có thu nhập ổn định |
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đức Trọng đã gần 40 năm, có lẽ chưa có khó khăn nào ở nơi này mà chị K’Niếu chưa từng trải qua. Không giấu được gương mặt trầm tư nhớ về ngày gian khó, chị kể: Cái đói, cái nghèo đã đeo bám gia đình tôi suốt một thời gian dài... Mất ba từ lúc còn nhỏ nên mẹ là điểm tựa duy nhất để mấy chị em tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Khi mẹ già yếu, buộc tôi phải gánh vai trò trụ cột trong gia đình. Sau khi lập gia đình, công việc hàng ngày tôi chủ yếu là trồng cà phê, đậu, bắp… Tần tảo làm việc sớm hôm nhưng thu nhập cũng chỉ đủ ăn qua ngày.
“Là người đồng bào dân tộc thiểu số, tôi cũng ít khi được tiếp xúc với xã hội hiện đại. Qua xem ti vi thấy nhiều phụ nữ làm kinh tế rất giỏi nên tôi chủ động tìm đến chính quyền và đặc biệt là Hội Nông dân xã để được nghe và tư vấn hỗ trợ phát triển kinh tế. Ban đầu, chỉ trồng cà phê và các loại đậu, bắp… vì thiếu vốn đầu tư và kiến thức khoa học kỹ thuật chưa nắm vững nên hiệu quả kinh tế mang lại không được cao. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi được tư vấn và chuyển đổi sang trồng các loại rau, củ, quả. Từ đó, thu nhập ổn định, đời sống của gia đình được nâng lên rất nhiều”, chị K’Niếu giãi bày.
Quen với việc làm nông dân từ lâu nên chị K’Niếu dần tích lũy được kinh nghiệm trong sản xuất rau màu. Sau khi có được ít vốn, năm 2013, chị tiếp tục đầu tư theo kiểu “lấy ngắn, nuôi dài”, mạnh dạn mua thêm đất mở rộng sản xuất trồng cà rốt, củ cải, khoai lang và bắt đầu liên kết với Công ty Thuận Đoàn để có đầu ra ổn định.
K’Niếu giờ đây không chỉ là người phụ nữ dày dặn kinh nghiệm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương mà còn là người sở hữu cơ ngơi nhiều người mơ ước. Hiện, tổng diện tích sản xuất của gia đình là 20 ha, trong đó đất sản xuất của gia đình là 10 ha và 10 ha còn lại, chị K’Niếu thuê đất của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn.
Vui vẻ nhận về những thành quả mình làm nên, chị K’Niếu cười rồi bảo: “Mỗi năm trừ chi phí đầu tư, gia đình cũng có thu nhập từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ. Nhận thấy đời sống của bà con nơi đây còn nhiều vất vả, nên hằng năm tôi cũng tạo điều kiện, giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động trong thôn với mức thu nhập bình quân là 6,5 triệu đồng/người/tháng, còn trên 50 lao động thời vụ tôi thuê với mức lương là 4,5 triệu đồng/người/tháng”.
Được chị K’Niếu nhận làm lao động thường xuyên, chị Thone (52 tuổi) vui mừng vì giờ đây mình cũng đã có cuộc sống ổn định. Trên khuôn mặt rám nắng, chị tâm sự: “Là người đồng bào dân tộc Khơ - me, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên tôi cùng gia đình rời quê hương miền Tây lên Lâm Đồng để sinh sống. Tôi còn nhớ 5 năm về trước, ngày đầu về đây với hai bàn tay trắng, nhưng cũng may sau khi biết đến K’Niếu, tôi có một công việc để làm và có nguồn thu nhập ổn định. Hiện, chúng tôi được trả hơn 200.000 đồng/người/ngày”.
Có được nguồn thu nhập, chị K’Niếu dùng để sửa sang nhà cửa, đầu tư cho con cái học hành. Bên cạnh đó, chị còn đóng góp tiền để làm đường giao thông nông thôn. Ông Ha Nan Tham My - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội cho biết: Trong thời gian vừa qua, tại địa bàn xã Phú Hội, nhiều mô hình dần được hình thành và hoạt động đạt kết quả cao. Một trong những mô hình sáng tại Phú Hội là mô hình của gia đình chị K’Niếu. Đây không chỉ là nơi để bà con học tập cách thức làm kinh tế giỏi mà chị K’Niếu còn đồng hành, tạo việc làm cho nhiều hộ dân trong vùng. Từ hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của gia đình chị K’Niếu, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương đã tới học tập kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất. Đến nay, toàn thôn có 180 hộ trồng rau, hoa, củ, quả và thực hiện liên kết với doanh nghiệp, tổ hợp tác, các cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn huyện để tiêu thụ sản phẩm với diện tích là 180 ha.
HÀ ANH