Làng nghề bánh tráng chuyển mình

06:09, 16/09/2020

Với những thay đổi và cách làm phù hợp, làng nghề bánh tráng ở Lạc Lâm (Đơn Dương) nay đã phát triển, trở thành sản phẩm đặc thù của địa phương...

Với những thay đổi và cách làm phù hợp, làng nghề bánh tráng ở Lạc Lâm (Đơn Dương) nay đã phát triển, trở thành sản phẩm đặc thù của địa phương. Đây cũng là 1 trong 4 sản phẩm được huyện Đơn Dương chọn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
 
Bánh tráng “Vị” được đóng gói bắt mắt
Bánh tráng “Vị” được đóng gói bắt mắt
 
Đổi thay làng nghề 
 
Đến thôn Xuân Thượng có thể dễ dàng thấy được khung cảnh làm bánh tráng nhộn nhịp ở đây. Hàng trăm phên bánh tráng được phơi đón nắng dọc khắp các ngõ xóm. Trong các cơ sở sản xuất bánh tráng, mỗi người một việc, ai nấy tất bật tráng bánh, nướng rồi đóng gói cho kịp đơn hàng, hàng chục thùng bánh tráng được đóng sẵn sàng đưa đi khắp các tỉnh, thành trên cả nước. 
 
Bánh tráng Lạc Lâm có nguồn gốc từ làng Xuân Hòa (Bắc Ninh), hiện các hộ làm bánh tráng tập trung chủ yếu tại thôn Xuân Thượng. Từ một món ăn riêng của những người gốc kinh Bắc, nay bánh tráng trở thành món ăn được nhiều người ưa thích, làng nghề bánh tráng theo đó cũng nhiều đổi thay. 
 
Làng bánh tráng Xuân Thượng nay không chỉ sản xuất những loại bánh truyền thống mà còn sáng tạo thêm nhiều vị mới với các loại bánh tráng mắm ruốc, bánh tráng ngọt, bánh tráng muối sa tế bò, bánh tráng sốt tôm,… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, một số các cơ sở, hộ làm bánh tráng cũng đã chuyển từ hướng làm thủ công sang máy móc; đầu tư nhà kính để phơi bánh tráng những lúc mùa mưa, đảm bảo khi nào cũng có hàng để chuyển đi các tỉnh, thành. 
 
Đến cơ sở sản xuất Bánh tráng Lương của gia đình chị Trần Thị Lương (sinh năm 1983), cơ sở này nằm dọc đoạn đường quốc lộ thôn Xuân Thượng, xã Lạc Lâm. Chị Lương tự hào chia sẻ, mình chính là một trong 2 người nghĩ ra món bánh tráng mắm ruốc. Chị Lương kể, từ năm 2006, bánh tráng nướng mắm ruốc bắt đầu “đắt hàng”, nhiều nơi như Đà Lạt, Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Sóc Trăng, Cần Thơ, Nha Trang đặt mua nhiều. 
 
Mặc dù gia đình chị đã thuê thêm nhân công, nhưng lượng đơn hàng quá nhiều, nếu chỉ nướng than đơn thuần thì không thể đáp ứng nguồn hàng. Để giữ “mối”, chị Lương vào TP Hồ Chí Minh đầu tư 2 máy nướng với số tiền gần 180 triệu đồng. Nhờ vậy mà đến nay, với 6 nhân công, cơ sở bánh tráng của chị có thể đóng đi gần 6.000 cái bánh mỗi ngày. Năng suất, chất lượng nâng lên rõ rệt, từ một hộ nghèo, gia đình chị giờ là một trong số những hộ thuộc diện khá giả của địa phương. 
 
Theo Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm, ông Trương Quang Kiên, sự thay đổi này của làng nghề không chỉ giúp nghề bánh tráng truyền thống được giữ gìn, phát triển mà còn giúp xây dựng được thương hiệu đặc trưng của bánh tráng Lạc Lâm.
 
Bánh tráng Lạc Lâm tham gia OCOP
 
Ông Kiên cho biết, bánh tráng Lạc Lâm được huyện Đơn Dương chọn là 1 trong 4 sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện tại, xã Lạc Lâm có cơ sở Bánh tráng Thiên Thảo của anh Nguyễn Khắc Trường (sinh năm 1988) tại thôn Xuân Thượng là cơ sở duy nhất của xã Lạc Lâm tham gia OCOP. 
 
Theo lời kể của anh Trường, ban đầu cơ sở của anh chỉ sản xuất nhỏ, lẻ. Sau này, khi nhận thấy bánh tráng Lạc Lâm ngày càng được yêu thích, anh quyết định mở rộng cơ sở, đầu tư thêm máy nướng, máy tráng và máy đóng bao bì. 
 
Sau một thời gian sản xuất, nhiều khách hàng bắt đầu có yêu cầu cao hơn, sản phẩm phải có thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ, kiểm định chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó cũng chính là lý do anh quyết định tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bởi khi tham gia, cơ sở anh được hỗ trợ lãi suất tín dụng, được đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, được đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất, đáp ứng nhu cầu cơ chế của thị trường, ngoài ra cũng sẽ được quảng bá và định hướng sản phẩm.
 
Cơ sở của anh Trường sản xuất nhiều loại bánh tráng với các vị mắm ruốc, sốt tôm, muối sa tế bò,… Ở đây, bánh tráng được sản xuất theo dây chuyền, bánh được tráng bằng máy tráng, phơi khô, tẩm gia vị, qua máy nướng, sau đó được đóng gói với tên “Vị”. 
 
Bánh tráng “Vị” được giám định kỹ lưỡng từ khâu chế biến đến bảo quản sản phẩm, được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và giám định hạn sử dụng là 3 tháng, không sử dụng chất phụ gia. Ngoài sản phẩm có thương hiệu riêng, bánh tráng của cơ sở anh Trường còn sử dụng mã QR, khách hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Điều này giúp sản phẩm bánh tráng trở nên uy tín hơn, được nhiều khách hàng tin dùng. Nhờ đó, bánh tráng của anh Trường không chỉ tìm được nhiều “mối” hơn ở các tỉnh, thành mà còn được đặt vào kệ hàng tại các siêu thị ở Sài Gòn, Nha Trang, Hà Nội,…
 
Anh Trường chia sẻ: “Nếu như trước đây, khi chưa có thương hiệu, một ngày tôi chỉ bán đi được từ 3.000 đến 4.000 cái bánh thì nay mỗi ngày có thể đóng đi 6.000 đến 7.000 cái bánh các loại”. Anh cho rằng, đây được xem như một bước tiến lớn của mình.
 
Sắp tới, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng, anh Trường còn dự định sẽ đầu tư thêm nhà kính, mùa mưa cơ sở anh vẫn có thể sản xuất được bánh tráng mà không bị gián đoạn bởi thời tiết. 
 
Ông Kiên, Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm cho biết, để tạo được thương hiệu riêng cho bánh tráng Lạc Lâm, trước mắt phải tạo được các chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng nhãn hiệu chung, tạo thêm sự cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, khó khăn của địa phương là việc quy tụ tổ hợp tác, hợp tác xã khó, bởi các hộ kinh doanh có đầu ra ổn định thì không muốn tham gia, nhiều hộ kinh doanh muốn có thương hiệu riêng cho mình hơn. Do vậy, sắp tới địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia chuỗi liên kết, hợp tác xã để phát triển thương hiệu sản phẩm được rộng khắp.
 
NHẬT QUỲNH