Thực tế cho thấy liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông là hướng đi đúng...
Thực tế cho thấy liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông là hướng đi đúng. Tuy nhiên, khi bắt tay liên kết, những nội dung thực hiện nếu không được quy định và tuân thủ chặt chẽ thì bất cập sẽ nảy sinh. Đó cũng là tình trạng gặp phải trong liên kết sản xuất và thu mua atiso giữa Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar) và nông dân huyện Lạc Dương thời gian gần đây.
Tập huấn kỹ thuật sản xuất atiso cho bà con tham gia liên kết |
Đầu năm 2018, UBND huyện Lạc Dương và Công ty Ladophar đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thị sản phẩm atiso trên địa bàn huyện. Theo đó, người dân được hỗ trợ giá giống atiso 10.000 đồng/cây. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 70%, nông dân đối ứng 30%.
Trong 2 năm 2018, 2019, huyện Lạc Dương đã phân bổ 550 triệu đồng từ nguồn vốn của UBND tỉnh để hỗ trợ của các nông hộ tham gia chuỗi liên kết việc tập huấn kỹ thuật, cây giống và cả vấn đề tiêu thụ đối với sản phẩm atiso. Từ 3 ha với 13 hộ đăng ký tham gia hợp đồng liên kết sản xuất atiso năm 2018, đến nay, toàn huyện có 27,31 ha với 184 hộ dân ký hợp đồng liên kết sản xuất atiso với Công ty Ladophar.
Diện tích và số hộ dân tham gia liên kết đã tăng nhanh, song những bất cập cũng đã nảy sinh. Ông Trần Đình Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Lát cho biết: “Hiện nay, một số hộ trồng atiso đến độ thu nhưng Công ty không tiến hành thu mua. Bà con nhiều lần ý kiến với chính quyền địa phương về vấn đề này và một số hộ có ý định phá bỏ”. Điều này do một số hộ dân không hiểu rõ mục tiêu của Công ty Ladophar là sản xuất atiso lấy lá làm dược liệu nên đã phản ánh giống atiso được cung cấp bởi Công ty Ladophar cho bông nhỏ hơn các giống atiso khác. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân khác cũng có ý kiến về việc tổ chức thu mua sản phẩm lá của Công ty Ladophar thất thường, chưa có lịch thu hái cụ thể cho các hộ dân biết để chủ động sắp xếp công việc. Do vậy, một số hộ không chủ động được trong khâu thu hái nên sau khi thu phải phơi khô và bán tự do ra thị trường. Nhiều nông hộ cũng cho rằng trong quá trình thu mua, Công ty có quy định tuyển chọn sản phẩm quá khắt khe, chỉ lựa chọn thu mua lá đẹp, không thu lá xấu và chưa có kế hoạch thu mua bông atiso nên buộc người dân phải tự phơi khô để bán trôi nổi.
Ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương, cho biết: Sau khi kiểm tra thực tế và làm việc với Công ty Ladophar, Công ty cho rằng người dân chưa hoàn toàn tuân thủ quy trình chăm sóc mà Công ty đặt ra. Vẫn còn tình trạng phun thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, thời gian cách ly chưa đảm bảo. Vì vậy, khi Công ty lấy mẫu kiểm tra thì phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép nên buộc phải ngưng thu mua trong một thời gian nhất định.
Để giải quyết vấn đề của hai bên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã lấy mẫu lá atiso của các hộ dân đang liên kết gửi đi phân tích, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân có sự chứng kiến từ cả hai bên. Theo đó, 15 mẫu đã được lấy từ 15 hộ dân phân bố đều ở ba xã Đạ Sar, Đạ Nhim và xã Lát cho kết quả 5 mẫu đạt và 10 mẫu phát hiện hoạt chất.
Từ kết quả kiểm tra nêu trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương đã đề nghị Công ty Ladophar khẩn trương tổ chức thu mua đối với các hộ dân liên kết có kết quả phân tích thuốc bảo vệ thực vật đạt quy định trong dư lượng tối đa cho phép. Đồng thời, Công ty cũng cần công bố, công khai cụ thể mức giới hạn các chỉ tiêu, hoạt chất, dư lượng các thuốc bảo vệ thực vật và chế tài xử lý nếu vi phạm để người dân nắm rõ; hoàn thiện danh sách các chất cấm sử dụng trên cây atiso gửi cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để phối hợp thông tin đến người dân. Phía Công ty cũng cần cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống cơ sở, hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác và sử dụng các loại thuốc. Đồng thời, thông báo lịch trình thu mua atiso để tạo điều kiện cho việc thu mua diễn ra hiệu quả. Về phía bà con nông dân tham gia liên kết, tuyệt đối không tự ý phun các loại thuốc khác; tuân thủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Mọi vấn đề phát sinh cần liên hệ trực tiếp với kỹ thuật của Công ty.
NGỌC NGÀ