Một quán trà đơn giản với tre trúc, với những bộ ấm trà da lươn, bình tích đầy chất cổ truyền. Một gian trưng bày những sản phẩm đặc trưng vùng đất Lâm Đồng, những trà, nấm, rượu, lụa tơ tằm, cà phê…
Một quán trà đơn giản với tre trúc, với những bộ ấm trà da lươn, bình tích đầy chất cổ truyền. Một gian trưng bày những sản phẩm đặc trưng vùng đất Lâm Đồng, những trà, nấm, rượu, lụa tơ tằm, cà phê… Trên một con phố giữa đô thị Bảo Lộc, những người yêu trà có thể thưởng thức chút hồn cốt vị trà trên xứ núi.
Dami Ka Thing - cô gái làng Da La, xã Lộc Thành, Bảo Lâm đang pha trà nhài |
Ông chủ Trà hoa quán, Thân Văn Sửu, vốn quê Bắc Giang. Nhưng từ cậu thanh niên trẻ làm trong ngành trà cách đây 25 năm, anh đã trót yêu và gắn bó với B’Lao, với trà, với hương thơm ngai ngái của những búp trà xanh một tôm hai lá. Anh tâm sự rất thật: “Bảo Lộc là xứ trà mà cả thành phố toàn thấy trà sữa Đài Loan. Tôi mở Trà hoa quán như một không gian trà, là nơi giới thiệu với người dân địa phương và bạn bè về văn hóa trà, giá trị của búp trà Bảo Lộc. Và đây cũng là Trung tâm trưng bày - giới thiệu sản vật Tây Nguyên, là điểm giới thiệu một số mặt hàng đặc trưng của Lâm Đồng”. Với anh Sửu, trà cũng như văn hóa trà, Trà hoa quán là một phần trong sản vật Tây Nguyên, là vốn liếng để doanh nghiệp Lâm Đồng “đem chuông đi đánh xứ người”.
Ngay mặt đường lớn nhất là gian trưng bày hàng hóa của 25 doanh nghiệp thuộc Chi hội doanh nghiệp sản xuất và thương mại, một chi hội trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng đang làm thủ tục ra mắt chính thức. Anh Thân Văn Sửu là một trong những người tâm huyết, vận động thành lập chi hội với mục tiêu, đoàn kết các thành viên có hoạt động sản xuất, hỗ trợ nhau về thị trường, hàng hóa, về kinh nghiệm quản lý, nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Cả 25 thành viên ban đầu đều là những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, từ nhãn hiệu Cà phê Seed, Trà Phong Giang, Tơ lụa Hà Bảo, Nước ép trái cây Enny, dược liệu Như Ý..., tất cả đều là các doanh nghiệp, HTX có hoạt động sản xuất, có liên kết thu mua hàng hóa đầu vào với nông dân và nói như lời anh Thân Văn Sửu là “làm ăn tử tế, có trách nhiệm và có định hướng phát triển tốt”. Hoạt động đầu tiên của nhóm là trưng bày hàng hóa trong Trung tâm giới thiệu với giá bán thực tế, để người tiêu dùng biết tới hàng hóa của doanh nghiệp và giá bán trực tiếp, không tăng giá như các điểm du lịch. Anh Sửu cho biết, hàng hóa mang tính trưng bày, giúp khách hàng định hình các thương hiệu hàng hóa, không nặng về chuyện thu lợi nhuận bao nhiêu trên một đơn vị sản phẩm. Như một chai nước ép trái cây thương hiệu Enny, mua tại trung tâm cũng có giá giống như khách hàng mua tại bất cứ điểm phân phối chính hãng nào của doanh nghiệp.
Lụa tơ tằm Hà Bảo giới thiệu trong Trung tâm trưng bày |
Những doanh nhân chuyên hoạt động sản xuất tại Lâm Đồng xác định, từng cá nhân doanh nghiệp thì sức cạnh tranh sẽ yếu do quy mô của doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, khi tập trung thành một tập thể, từng cá nhân sẽ được hỗ trợ của cả cộng đồng, chia sẻ nguồn hàng, chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, chia sẻ thông tin. Khi tham gia các hội chợ, các đợt xúc tiến thương mại, với tư cách một tập thể, họ sẽ có lợi thế hơn về vị thế, về sự đa dạng hàng hóa cũng như mang lại cái nhìn tốt của đối tác về tính cộng đồng trong nhóm doanh nghiệp. Chính vì vậy, chi hội doanh nhân hàng hóa, thương mại đang được xúc tiến thành lập với mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Lâm Đồng. “Đoàn kết cũng chính là sức mạnh lớn nhất, là sản vật lớn nhất của chúng tôi”- ông Thân Văn Sửu chia sẻ.
Và tại Trà hoa quán, định kỳ hàng tháng đều có những sinh hoạt văn hóa đặc biệt. Đó là nơi người tham gia nghe âm nhạc, nghe chia sẻ của những người thuộc các ngành nghề sản xuất trên đất cao nguyên, nghe người làm trà tâm sự về đời sống của những cây trà, nghe người làm lụa kể về đời sống ngắn ngủi của những con tằm rút ruột nhả tơ, về những nét văn hóa, những chia sẻ của những người đang gắn bó trên mảnh đất B’Lao.
DIỆP QUỲNH