Không chỉ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, ngành chức năng Đà Lạt còn tích cực vận động dân cùng chung tay phòng, chống thiên tai khi mùa mưa bão đến.
Không chỉ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, ngành chức năng Đà Lạt còn tích cực vận động dân cùng chung tay phòng, chống thiên tai khi mùa mưa bão đến.
|
Dọn cây đổ trong mùa mưa bão trên đường phố Đà Lạt |
Chuẩn bị cho mùa mưa bão
Đưa chúng tôi đi xem dãy nhà lồng trồng hoa mái lợp ni lông phía sau nhà, ông Trần Đình Thịnh, 59 tuổi, người ở tổ Vạn Thành, Phường 5, TP Đà Lạt, cho biết cứ khi nào mùa mưa bão đến là ông lại lo chuẩn bị kỹ.
Nằm trên một địa hình đất dốc, dãy nhà kính có tổng diện tích chừng 6 sào này được phân thành các khoảnh chạy dọc theo triền đất như ruộng bậc thang. Cũng như mọi người trên vùng đất Vạn Thành, ông Thịnh lâu nay trồng hoa hồng trong các nhà kính, nhưng trong năm nay ông đã bỏ bớt chừng một sào đất hoa hồng để thử chuyển sang trồng hoa lily mùa tết. Khi chúng tôi đến ông đang chuẩn bị đất để xuống giống.
Ông phải chuẩn bị kỹ để đối phó là vì diện tích nhà lồng trồng hoa của ông gần đây đã bị sập vì gió bão một lần. “Trước đây, khi làm nhà lồng bằng tre thì chuyện tốc mái ni lông, gãy đổ nhà khi mưa bão là chuyện thường, cứ hư đâu sửa đó. Nhưng gần đây, tôi dù đã làm nhà kính khung sắt vững chãi nhưng vẫn bị gió cuốn sập” - ông Thịnh kể. Cùng với nhà lồng của ông thì hàng loạt nhà khác trong vùng cũng bị hư hỏng nặng nề.
Để làm lại các nhà lồng này, gia đình ông Thịnh đã phải mất gần cả 100 triệu đồng, từ việc thuê người đến cắt khung giàn sắt ra làm lại, lợp lại ni lông mới, bắc lại hệ thống tưới. Còn hoa hồng thì phải chăm sóc lại, gần 4 tháng trời gia đình ông không có nguồn thu nhập nào. Chính quyền địa phương lúc đó cũng lên danh sách hỗ trợ thiệt hại, trong đó có nhà ông nhưng số tiền hỗ trợ chỉ chừng 4 triệu đồng, thôi thì được bao nhiêu hay bấy nhiêu, ông nghĩ.
Sinh sống và canh tác gần 30 năm ở vùng đất Vạn Thành nên ông Thịnh khá rõ chuyện thời tiết nắng mưa nơi đây. Theo ông, cũng tùy luồng gió, tùy cơn mưa. Có khi gió lớn nhưng không sao nhưng trời êm lại có lốc xoáy rất dễ phá hủy nhà kính. Đáng ngại nhất là những cơn mưa lớn kèm lốc xoáy hay mưa đá đầu mùa trong dịp tháng 4 Dương lịch thường phá hỏng nhà kính, còn những trận mưa dầm do ảnh hưởng của bão hay áp thấp nhiệt đới trong khoảng tháng 9 tháng 10 hằng năm thường làm sạt lở đất, sạt lở ta luy, phá hỏng hoa màu.
Chính vì vậy, hầu như năm nào, cứ đến mùa mưa bão ông Thịnh lại tự tay gia cố thêm các trụ sắt trong nhà lồng, buộc lại mái lợp, khai thông mương rãnh thoát nước quanh vườn, kiểm tra lại hệ thống dây điện để tránh chạm điện. “Tốt nhất là phải chuẩn bị mọi thứ” - ông Thịnh nói.
Vận động dân chung tay
Theo ông Lê Tuấn Anh - Phòng Kinh tế Đà Lạt, từ đầu năm đến nay Đà Lạt không có những cơn bão hay áp thấp trực tiếp vào địa phương, nhưng khi ở đâu trong nước xuất hiện bão hay áp thấp thì Đà Lạt vẫn chịu ảnh hưởng. Những ảnh hưởng này gồm mưa lớn kèm gió lốc làm tốc mái và hư hỏng nhà ở, mưa đá làm sập nhà lồng, sạt lở ta luy, sạt lở hư hại các công trình công cộng, cây ngã đổ, ngập úng cục bộ thiệt hại hoa màu… gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân.
Tính chung trong cả năm 2019 và những tháng đầu năm nay, tổng thiệt hại về thiên tai trên địa bàn Đà Lạt hơn 4 tỷ đồng. Từ nguồn ngân sách tỉnh và thành phố, các cấp chính quyền đã hỗ trợ người dân trên 545 triệu đồng.
Trong công tác phòng, chống thiên tai, theo ông Anh, trước mùa mưa bão, thành phố cho các đơn vị chức năng kiểm tra các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi, các trường học; cho phát quang, nạo vét mương suối, khơi thông cống rãnh, gia cố bờ taluy; xử lý cây chết khô và cây có nguy cơ ngã đổ, đồng thời đưa ra các phương án để ứng phó khi có tình huống bất trắc xảy ra.
Cụ thể, Đà Lạt yêu cầu các phường, xã trên địa bàn vận động dân ra quân phát quang, nạo vét mương suối, khơi thông dòng chảy nhằm hạn chế ngập úng cục bộ; yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra, đề xuất thành phố cho phép chặt hạ cây, chặt tỉa cành, nhánh, chặt hạ khẩn cấp các cây khô mục, cây nguy hiểm có nguy cơ ngã đổ trong khu vực nội ô thành phố.
Thành phố cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt cho nạo vét lại mương rãnh, cống thoát nước; xử lý điện chiếu sáng công cộng khi có sự cố; gia cố các điểm sạt lở bờ suối, bờ taluy các trục đường giao thông; yêu cầu đơn vị chức năng trực tại các công trình thủy lợi lớn trong những ngày có mưa lớn để chủ động điều tiết, đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu.
Các phường, xã cũng cần có kế hoạch trong mùa mưa bão để điều động các lực lượng xung kích, dân phòng, đoàn thể tại chỗ, chủ động giúp dân khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra; đồng thời có trách nhiệm rà soát toàn bộ những khu vực có các công trình nhà cửa đang xây dựng, công trình giao thông cầu, cống, mương thoát nước, sạt lở bờ đường trên địa bàn để cắm biển cảnh báo; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện ngay các biện pháp gia cố, khắc phục sửa chữa kịp thời.
Trong trường hợp xảy ra thiệt hại về tài sản, nhà cửa, hoa màu, các đơn vị chức năng liên quan sẽ huy động lực lượng, vận động người dân tại chỗ đến hỗ trợ.
Thành phố lâu nay cũng chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn về phòng, chống và ứng phó với sự cố thiên tai; thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ (gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ); tăng cường thông tin cảnh báo; bố trí lực lượng trực thường xuyên vào các tháng cao điểm mùa mưa bão.
“Chúng tôi cũng đang vận động Nhân dân sống và sản xuất trên lưu vực các tuyến suối trên địa bàn thành phố không đổ rác thải xuống lòng suối; xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện phát quang, khơi thông dòng chảy, có biện pháp thu gom, xử lý rác thải và phụ phẩm nông nghiệp để chống ngập úng” - ông Anh cho biết.
Vì Đà Lạt là thành phố đặc thù về sản suất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với suất đầu tư của người dân cho nhà kính, nhà lưới rất lớn, nên theo ông Anh, thành phố cũng đang đề xuất với tỉnh xem xét tăng mức hỗ trợ thiệt hại do thiên tai cho người dân, để họ đảm bảo khôi phục sản xuất trở lại.
V.TRỌNG