Để giữ rừng từ cơ sở thực sự hiệu quả

06:10, 21/10/2020

Thành lập Ban Lâm nghiệp xã là quyết sách của tỉnh Lâm Đồng nhằm xây dựng lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động đến nay mô hình này đã nảy sinh nhiều bất cập cần tháo gỡ.

Thành lập Ban Lâm nghiệp xã là quyết sách của tỉnh Lâm Đồng nhằm xây dựng lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động đến nay mô hình này đã nảy sinh nhiều bất cập cần tháo gỡ.
 
Việc giữ rừng cần sự phối hợp và trách nhiệm của nhiều đơn vị
Việc giữ rừng cần sự phối hợp và trách nhiệm của nhiều đơn vị
 
Nhiều khó khăn trong hoạt động của Ban Lâm nghiệp xã
 
 Lâm Đồng là địa phương có trên 536 ngàn ha rừng, độ che phủ đạt 54%. Để phù hợp với tình hình, ngày 8/2/2013 UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 05 thay thế Quyết định số 131 ngày 18/9/2003 về hoạt động của Ban Lâm nghiệp xã. Ban này được thành lập nhằm tham mưu giúp Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, góp phần ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương. 
 
Toàn tỉnh hiện có 26 xã có diện tích rừng dưới 200 ha, 8 xã có diện tích rừng từ 200 ha đến 500 ha và 95 xã có 500 ha rừng trở lên. Đến nay toàn tỉnh có 95 Ban Lâm nghiệp xã với 1.544 thành viên; trong đó, có 116 kiểm lâm phụ trách địa bàn. Bình quân mỗi Ban Lâm nghiệp xã có từ 11 - 18 thành viên. Giai đoạn 2013 - 2019, ngân sách nhà nước chi cho 95 Ban Lâm nghiệp xã khoảng 9 tỉ đồng.
 
Là địa bàn có hơn 2 ngàn ha diện tích đất lâm nghiệp, ông Phan Quang Thạnh - Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban Lâm nghiệp xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng chia sẻ: Trong các nhiệm vụ đặt ra cho Ban Lâm nghiệp xã, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng là nội dung được Ban Lâm nghiệp xã chú trọng và thực hiện tốt. Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, đối với các hoạt động bảo vệ rừng chuyên sâu, đặc biệt khi các đối tượng phá rừng ngày càng tinh vi, Ban Lâm nghiệp xã gặp rất nhiều khó khăn. Bởi Ban Lâm nghiệp xã không có đủ con người, cơ chế pháp lý và công cụ hỗ trợ để đối phó với tội phạm phá rừng hoạt động ngày càng tinh vi.
 
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh về tổ chức và hoạt động của Ban Lâm nghiệp xã từ năm 2013 đến nay cho thấy: Đa phần các trưởng ban lâm nghiệp xã đã thể hiện được vai trò trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Ban Lâm nghiệp xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các nhiệm vụ về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, thông qua Ban Lâm nghiệp xã, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng được triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, sự thay đổi nhân sự tại các địa phương dẫn đến gián đoạn hoạt động của Ban Lâm nghiệp xã. Cán bộ Ban Lâm nghiệp xã đều hoạt động kiêm nhiệm nên bị chi phối rất lớn về thời gian và tâm huyết trong thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, các thành viên của Ban đều không có kiến thức chuyên môn sâu về quản lý, bảo vệ rừng nên khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù Ban Lâm nghiệp xã có thành viên là kiểm lâm địa bàn, song do không thuộc xã quản lý nên khó điều động trong thực hiện các nhiệm vụ của Ban Lâm nghiệp xã. Đặc biệt, chế độ hỗ trợ cho các phó ban còn thấp nên đa phần khi tham gia công tác ở Ban Lâm nghiệp xã được một thời gian ngắn rồi xin nghỉ. Kinh phí cấp cho hoạt động của Ban Lâm nghiệp chưa phù hợp với thực tế tình hình kinh tế hiện nay, do đó các Ban Lâm nghiệp hoạt động hiệu quả chưa cao.
 
Tìm hướng đi 
 
Liên quan đến vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Hiện nay, mô hình tổ chức và hoạt động Ban Lâm nghiệp xã của tỉnh vẫn đang thực hiện theo Quyết định số 05 ngày 8/2/2013 của tỉnh. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành đã quy định cụ thể trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ rừng là của UBND cấp xã và của chủ rừng. Về cơ cấu tổ chức bộ máy ở cấp xã không quy định mô hình hoạt động của Ban Lâm nghiệp. Sở này cũng đã có văn bản gửi Sở Nội vụ về việc đề xuất hướng giải quyết đối với mô hình Ban Lâm nghiệp xã. Căn cứ vào các quy định hiện hành, Sở Nội vụ đánh giá hiện nay Luật Lâm nghiệp và các nghị định về kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng quy định trách nhiệm của UBND cấp xã, kiểm lâm cấp huyện trong việc quản lý, bảo vệ rừng… không quy định tổ chức và hoạt động của Ban Lâm nghiệp cấp xã. Cũng liên quan đến vấn đề này, phía Sở Tư pháp cũng cho rằng các quy định hiện hành đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và về cơ cấu tổ chức không quy định Ban Lâm nghiệp ở cấp xã. Trong trường hợp xuất phát từ đặc thù về diện tích rừng trên địa bàn tỉnh lớn, cần thành lập Ban Lâm nghiệp cấp xã để thực hiện việc quản lý nhà nước về lâm nghiệp hiệu quả, hạn chế nạn lâm tặc phá rừng. Phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin ý kiến về tổ chức và hoạt động Ban Lâm nghiệp xã của tỉnh Lâm Đồng có tiếp tục tồn tại và hoạt động hay giải thể và ngừng hoạt động. Tuy nhiên, đến nay phía Bộ vẫn chưa có câu trả lời. 
 
Những khó khăn chung đã được Ban Lâm nghiệp các xã nêu ra. Đa phần các xã đều cho rằng việc duy trì hoạt động các Ban Lâm nghiệp xã là điều không cần thiết. Bởi phía xã sẽ thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật đối với UBND cấp xã. Ngoài ra, các đơn vị bảo vệ rừng chuyên trách như kiểm lâm, Ban quản lý rừng… sẽ thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ rừng chuyên sâu. Mỗi đơn vị chỉ cần hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Còn nếu vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của Ban Lâm nghiệp xã, cần quy định chặt chẽ nhiệm vụ của kiểm lâm viên địa bàn - người có trình độ chuyên môn, là “hạt nhân” của Ban Lâm nghiệp xã. Đồng thời, nâng cao trình độ cho các thành viên trong Ban. Điều tiết hợp lý nguồn kinh phí chi trả cho hoạt động của các Ban. Các hoạt động của Ban Lâm nghiệp xã cần đi vào triển khai những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực để thực sự phát huy được mục đích giữ rừng từ cơ sở.
 
HOÀNG MY