Điểm nhấn từ việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

04:10, 14/10/2020

Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động từ năm 2016 có quy mô rộng lớn nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa bàn dân cư...

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động từ năm 2016 có quy mô rộng lớn nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa bàn dân cư. Tại Lâm Đồng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đã mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt, thu hút được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương.
 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến luôn dành thời gian dự Ngày hội Đại đoàn kết tại khu dân cư và động viên Nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến luôn dành thời gian dự Ngày hội Đại đoàn kết tại khu dân cư và động viên Nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
 
Diện mạo đổi thay toàn diện 
 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, với tinh thần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, năm 2016, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định đổi tên gọi Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thành Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cuộc vận động này mang tính chất toàn dân, toàn diện, đúc kết và kế thừa những bài học kinh nghiệm quý báu sau 20 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng cường, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. 
 
Để Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” có sức lan tỏa rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 10 ngày 15/12/2016. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 16 ngày 17/2/2017 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động”. Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, MTTQ các cấp, từ năm 2016 đến nay, Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
 
Phát huy những kết quả đạt được của 20 năm trước trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn tỉnh, với vai trò chủ trì, MTTQ Việt Nam tỉnh trong 5 năm qua đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong tham mưu cho Tỉnh ủy; hướng dẫn MTTQ các cấp và Ban công tác Mặt trận khu dân cư; hiệp thương, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động với cách làm sáng tạo, phù hợp, thiết thực như chọn nội dung thực hiện trọng tâm, trọng điểm từng năm; tập trung đầu tư cho cơ sở, khu dân cư; lấy khu dân cư làm địa bàn trung tâm để hành động. Qua đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đồng tình, hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động và đã đạt được một số kết quả nổi bật, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. 
 
Năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn điểm xây dựng 24 mô hình thực hiện Cuộc vận động tại 12 huyện, thành phố, gắn với việc tập trung triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo về “Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư”.
 
Năm 2018, tập trung triển khai xây dựng, nhân rộng, tôn vinh các điển hình người tốt việc tốt hay còn gọi là “Gương sáng đời thường” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. MTTQ các cấp trong tỉnh đã tôn vinh, khen thưởng trên 5.000 gương sáng đời thường, trong đó cấp tỉnh tôn vinh, khen thưởng 88 gương; biểu dương, khen thưởng 24/28 mô hình tự quản trong các tổ chức tôn giáo và cộng đồng dân cư về “Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư”.
 
Tiếp đến, năm 2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh bắt đầu hướng dẫn triển khai xây dựng mô hình “Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư kiểu mẫu” (KDCTB, KDCKM) trong thực hiện Cuộc vận động. Xây dựng, ban hành Tiêu chuẩn khung về mô hình KDCTB, KDCKM với 9 tiêu chuẩn và 40 tiêu chí bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kết quả, đầu năm 2019, toàn tỉnh đăng ký xây dựng 559 KDCTB và 260 KDCKM; cuối năm 2019, có 217 KDCTB (đạt tỷ lệ 38,8%) và 50 KDCKM (đạt tỷ lệ 19,2%) được kiểm tra, thẩm định, công nhận, khen thưởng. Năm 2020, toàn tỉnh có 511 thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng mô hình KDCTB và 254 thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng mô hình KDCKM. 
 
Xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh giúp diện mạo đô thị, cảnh quan môi trường, ngày càng xanh, sạch, đẹp; đời sống Nhân dân được nâng lên rõ rệt
Xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh giúp diện mạo đô thị, cảnh quan môi trường, ngày càng xanh, sạch, đẹp; đời sống Nhân dân được nâng lên rõ rệt
 
Hướng đến nâng cao chất lượng sống cho người dân
 
Xác định việc xây dựng mô hình KDCTB, KDCKM là điểm nhấn quan trọng trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát huy kết quả đạt được năm 2019, năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Đề án xây dựng, nhân rộng và nâng cao chất lượng mô hình KDCTB, KDCKM trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2024, phấn đấu mỗi năm có trên 10% KDCTB được kiểm tra, thẩm định, công nhận; trong đó, có 6% trở lên KDCKM được kiểm tra, thẩm định, công nhận và đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có ít nhất 50% KDCTB được kiểm tra, thẩm định, công nhận; trong đó, có ít nhất 30% KDCKM được kiểm tra, thẩm định, công nhận. 
 
Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Trọng Ánh Đông chia sẻ: Qua thực tế triển khai thực hiện cho thấy việc xây dựng mô hình KDCTB, KDCKM phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại mỗi địa phương, cơ sở. Từ đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên và hệ thống chính trị ở khu dân cư chuyển biến rõ rệt; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình KDCTB, KDCKM được triển khai đồng bộ, hiệu quả; ý thức tự quản và đời sống kinh tế - xã hội - văn hóa của người dân tại khu dân cư được nâng lên; an ninh trật tự, cảnh quan môi trường của khu dân cư được đảm bảo; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn khu dân cư được tăng cường, phát huy. Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động, quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với những cách làm phù hợp, thiết thực, hiệu quả; chọn nội dung thực hiện trọng tâm, trọng điểm từng năm; tập trung đầu tư cho cơ sở, khu dân cư; lấy khu dân cư là địa bàn trung tâm để tác chiến, hành động. 
 
Trao đổi thêm về những thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, ông Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: MTTQ tỉnh các cấp đã thực hiện tốt công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo”, hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, chỉ tiêu vận động mỗi năm từ 9 đến 12 tỷ đồng, qua đó góp phần hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ giống, vốn, kinh nghiệm để phát triển sản xuất; hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo trong học tập; thăm, tặng quà tết cho người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm... Đồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp trên 15 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào, người có hoàn cảnh khó khăn bị thiên tai, hỏa hoạn nghiêm trọng khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã nỗ lực tập trung hướng dẫn, đôn đốc MTTQ các huyện, thành phố thực hiện công tác vận động và điều tiết Quỹ “Vì người nghèo” các cấp để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 2.148 căn nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh theo Đề án số 654 ngày 5/2/2016 của UBND tỉnh, với tổng kinh phí gần 42,6 tỷ đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Đây thực sự là một nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và nhận được sự đồng thuận trong xã hội.
 
NGUYỆT THU