Thu nhập, hộ nghèo là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trấn D'Ran (Đơn Dương) đã tích cực triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, tạo việc làm để nâng cao thu nhập cho người dân.
Thu nhập, hộ nghèo là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, đô thị văn minh. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trấn D’Ran (Đơn Dương) đã tích cực triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, tạo việc làm để nâng cao thu nhập cho người dân.
Người dân thị trấn D’Ran được hỗ trợ vật tư, phân bón giúp cải thiện sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập |
Qua thực hiện Đề án xây dựng thị trấn D’Ran phát triển đạt chuẩn “Đô thị văn minh”, đến nay, nền kinh tế của thị trấn đã dịch chuyển dần sang sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường. Đồng thời, tranh thủ được nhiều nguồn đầu tư, vận động Nhân dân tập trung sản xuất nông nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, khai thác được lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp tục giảm. An sinh xã hội được đảm bảo, quốc pḥòng, an ninh được giữ vững...
Ông Đinh Văn Hoàng - Chủ tịch UBND thị trấn D’Ran cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp; trong đó, chủ yếu là khai thác tối đa những lợi thế của địa phương, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất sản xuất. Đồng thời, tập trung phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ để đa dạng hóa nguồn thu, tạo thêm nhiều việc làm và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Nếu như thời điểm cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của thị trấn đạt khoảng gần 30 triệu đồng/năm thì đến cuối năm 2020 đạt 72 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 2,3% thì đến năm 2020 giảm còn 1%, tức chỉ còn 38 hộ nghèo.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, D’Ran đã hình thành được vùng rau thương phẩm ổn định 430 ha (năng suất khoảng 30,5 tấn/ha), 748 ha cà phê, 1.216 ha cây ăn trái, trong đó cây hồng trên 999 ha. Chương trình trọng tâm về sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tiếp tục thu hút nông dân thực hiện với 10,5 ha nhà lưới, nhà kính; diện tích phủ bạt hằng năm trên 110 ha, 20,5 ha có hệ thống tưới tự động. Qua đó, đã xuất hiện nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi được các cấp khen thưởng như hộ ông: Huỳnh Nghĩa ở tổ dân phố Phú Thuận 1, Nguyễn Quý ở tổ dân phố Phú Thuận 2, hộ bà Võ Thị Minh Triết ở tổ dân phố Lâm Tuyền 2...
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng là lĩnh vực hiện đang được chú trọng phát triển ở thị trấn D’Ran. Việc chuyển đổi mô hình Chợ Lạc Nghiệp thành mô hình hợp tác xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tiểu thương kinh doanh; đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng mạng lưới thương mại, dịch vụ. Nhờ cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ, đã giúp xã thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư phát triển, qua đó tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương, cải thiện thu nhập. Đến nay, tỉ trọng của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 18%, ngành dịch vụ chiếm 34%; địa bàn có 4 cơ sở công nghiệp và 50 cơ sở tiểu thủ công nghiệp.
Đặc biệt, thị trấn D’Ran là nơi có 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chính vì vậy công tác giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập cho người dân nơi đây luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Giai đoạn 2016 - 2019, 74 hộ nghèo của thôn đã được hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng, UBND thị trấn đã giúp đồng bào mua vật tư, phân bón, máy móc, ống dẫn nước để phát triển sản xuất. Từ năm 2017 - 2019, nguồn vốn của chương trình đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho thôn đặc biệt khó khăn đã hỗ trợ 14 hộ dân với 135 triệu đồng. Ông Đặng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn D’Ran phân tích: Thị trấn có 2 thôn có đông đồng bào DTTS sinh sống, trong đó thôn Kăn Kill là thôn đặc biệt khó khăn, chính vì vậy biện pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân được chính quyền, Hội Nông dân xã, chi hội nông dân thôn tập trung thực hiện đó là nâng cao về trình độ sản xuất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích.
Gia đình chị Ha Thư là một hộ cận nghèo tại thôn Kăn Kill, vừa qua gia đình chị được hỗ trợ vật tư nông nghiệp, phân bón từ chương trình đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho thôn đặc biệt khó khăn. Chị Ha Thư tâm sự: Trước đây, gia đình khó khăn lắm, có được vài sào cà phê nhưng xuống giống đó mà không có tiền đầu tư nên chẳng lời lãi gì. Nhưng mấy năm gần đây được Nhà nước hỗ trợ phân bón, ống tưới nước, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây cà phê nên bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Theo UBND thị trấn D’Ran, để nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian tới, thị trấn sẽ tập trung vận động bà con nông dân trồng cây chủ lực theo hướng năng suất, hiệu quả, theo quy trình VietGAP. Từng bước hình thành các cơ sở chế biến nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, tổ chức sản xuất theo HTX, THT, hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển nông nghiệp gắn với triển khai du lịch canh nông. Đến năm 2025 phấn đấu thu nhập của người dân đạt 90 đến 92 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,6%.
ĐỨC TÚ