Nhân rộng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao

04:10, 07/10/2020

Thời gian gần đây, mô hình trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao đã được một số hộ dân trên địa bàn xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng triển khai thực hiện. Đây là loại cây được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.

Thời gian gần đây, mô hình trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao (CNC) đã được một số hộ dân trên địa bàn xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng triển khai thực hiện. Đây là loại cây được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.
 
Trung bình mỗi năm ông Nguyễn Đình Mẫu thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ 2 sào dưa lưới trồng trong nhà kính
Trung bình mỗi năm ông Nguyễn Đình Mẫu thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ 2 sào dưa lưới trồng trong nhà kính
 
Nhận thấy người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu cao trong việc sử dụng các loại sản phẩm nông nghiệp CNC, an toàn, giá cả hợp lý, nên sau khi khảo sát nguồn nước, đất đai, khí hậu, năm 2019, anh Hoàng Tiến Mạnh (ở xã Đăng Srôn, xã Ninh Gia) quyết định đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng để xây dựng 7 sào nhà kính trồng dưa lưới CNC. Giống được anh lựa chọn là giống dưa lưới Sweet của Malaysia, có quả hình ovan, vỏ màu xanh vân lưới, tùy vào cách chăm sóc của người trồng, trọng lượng quả bình quân đạt từ 1,3 đến 2,5 kg/quả. Hạt giống dưa sau khi ươm 10 ngày được cho vào giá thể và đem vào nhà kính để cây tiếp tục sinh trưởng. Sau hơn 30 ngày, dưa lưới bắt đầu ra hoa và tiến hành thụ phấn bằng phương pháp đưa hàng ngàn con ong vào nhà kính. Sau khi thụ phấn, anh Mạnh thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi trái, cũng như phòng, tránh dịch bệnh.
 
Anh Mạnh cho biết: “Dưa lưới trồng trong nhà kính được che chắn mưa nắng, ngăn côn trùng xâm nhập nên trái phát triển ổn định, độ lớn đồng đều. Riêng dưa lưới tại vườn nhà, sau khi thụ phấn khoảng 40-45 ngày sẽ cho thu hoạch, trọng lượng bình quân từ 1,3-1,4 kg/trái, nhưng nếu được chăm sóc đúng cách, khí hậu phù hợp, sẽ có trái dưa nặng đến 2,5 kg. Vườn dưa lưới của gia đình tôi chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ nên sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng”.
 
Một vụ sản xuất dưa lưới kéo dài trong 3 tháng và có thể sản xuất được 3 vụ 1 năm. Đến nay, mỗi sào dưa lưới của gia đình anh Mạnh cho sản lượng từ 2 đến 2,5 tấn, giá bán hiện nay dao động từ 20 đến 30 ngàn đồng/kg. Qua thời gian canh tác, anh Mạnh nhận thấy, khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương rất thích hợp cho cây dưa lưới phát triển, trái có mùi thơm, độ ngọt thanh. Với 7 sào dưa lưới, đã mang lại nguồn thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm cho gia đình anh Mạnh.
 
Không chỉ có gia đình anh Mạnh, tại thôn Thiện Chí, xã Ninh Gia, ông Nguyễn Đình Mẫu cũng đang duy trì hiệu quả hơn 2 sào nhà kính trồng dưa lưới theo công nghệ Israel. Theo ông Mẫu, dưa lưới được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, cho sản phẩm an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Khi cây phát triển đến 70 ngày tuổi, ông bắt đầu bón bổ sung trứng gà, mật mía, sữa tươi được ủ men để làm tăng độ ngọt cho quả. Đặc biệt, nguồn nước phải được xử lý độ pH mới có thể đưa vào hệ thống tưới cho cây. 
 
Ông Mẫu cho biết thêm, bên cạnh những ưu điểm như: Quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che mưa, che nắng và ngăn côn trùng xâm nhập, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật... thì việc trồng dưa lưới trong nhà kính cũng có những khó khăn nhất định, đòi hỏi người trồng phải tỉ mỉ và áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới đảm bảo năng suất và chất lượng khi thu hoạch.
 
Hiện nay, với 2 sào trồng dưa lưới công nghệ cao của ông Mẫu, sẽ cho thu hoạch từ 4 - 4,2 tấn. Dưa lưới của ông hợp đồng thu mua với Công ty TNHH Tiên Phong tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá bán bình quân từ 28 đến 30 ngàn đồng/kg. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập hơn 300 triệu đồng từ mô hình trồng dưa lưới này.
 
Có thể nói, mô hình trồng dưa lưới theo hướng nông nghiệp CNC của anh Hoàng Tiến Mạnh (ở xã Đăng Srôn) và ông Nguyễn Đình Mậu (ở thôn Thiện Chí) đã không chỉ nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng, ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn mở ra hướng đi cho loại cây trồng mới, phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp CNC tại xã Ninh Gia. 
 
Theo Hội Nông dân của xã Ninh Gia, tính đến thời điểm này, toàn xã Ninh Gia có khoảng 1,6 ha trồng dưa lưới theo hướng CNC. Hiện nay, Hội Nông dân xã cùng với chính quyền địa phương đang tiếp tục tạo điều kiện cho nông dân đến tham quan các mô hình trồng dưa lưới để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến, mở rộng diện tích dưa lưới. Từ đó, giúp tăng thu nhập cho người dân, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
 
N.MINH