Nhiều người vẫn nhắc tới đội ngũ cán bộ thôn là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Việc "vác tù và" ấy vốn mang nhiều nỗi niềm nhất là ở những thôn diện tích rộng, đông dân cư.
Nhiều người vẫn nhắc tới đội ngũ cán bộ thôn là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Việc “vác tù và” ấy vốn mang nhiều nỗi niềm nhất là ở những thôn diện tích rộng, đông dân cư.
|
Ngoài làm tốt việc thôn, bao năm qua ông Lê Hữu Nguyện còn là nông dân sản xuất giỏi ở Hiệp Thạnh |
Là một xã của huyện Đức Trọng, Hiệp Thạnh có diện tích tự nhiên khoảng 3.000 ha với gần 18.000 người dân sinh sống. Đây là địa bàn có diện tích và lượng dân cư đứng vào top đầu ở huyện. Toàn xã được chia làm 5 thôn; trong đó, thôn Phi Nôm đông dân số nhất với khoảng 1.500 hộ. Thôn là đầu mối cuối cùng trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của địa phương đến với Nhân dân. Nếu như cấp tỉnh đến cấp xã đều có bộ máy nhân sự với các ngành mảng khác nhau thì ở thôn là trăm mối dồn về. Ông Phan Quang Thạnh - Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh cho biết: “Với diện tích rộng và dân cư đông, đội ngũ cán bộ thôn vô cùng vất vả trong việc thực hiện các nhiệm vụ. So với mức chi trả theo quy định như hiện nay thì hoàn toàn không đủ để đội ngũ này làm việc. Và có lẽ tinh thần trách nhiệm của người đảng viên và suy nghĩ vì bà con là những động lực chính để những cán bộ thôn kiên trì, gắn bó với việc “vác tù và hàng tổng””.
Ở xã Hiệp Thạnh có những bí thư, trưởng thôn vừa được bầu vào, nhưng cũng có những người đã ngót nghét 20 năm gắn bó. Trong những năm tháng dài ấy không ít lần họ đề xuất xin không tham gia việc thôn nữa. Nhưng rất khó để tìm được những con người hội đủ các yếu tố: Uy tín, tâm huyết và thạo việc như các bí thư, trưởng thôn nhiều năm kinh nghiệm. Bởi vậy “Xã thường xuyên động viên đội ngũ cán bộ thôn, mềm mỏng trong thực hiện công tác quản lý. Thường xuyên sâu sát để kịp thời hỗ trợ và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thôn. Đặc biệt, phải biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ cơ sở, có như vậy mới duy trì và thôi thúc sự nhiệt huyết trong đội ngũ cán bộ thôn”, ông Phan Quang Thạnh chia sẻ.
Phi Nôm không chỉ là thôn đông dân nhất mà đây còn là nơi có bí thư chi bộ thôn Lê Hữu Nguyện - người làm công tác thôn lâu năm nhất ở Hiệp Thạnh. Ông Lê Hữu Nguyện cho biết: “Chi bộ Phi Nôm hiện có 90 đảng viên và 36 tổ tự quản. Dân số ở thôn Phi Nôm xấp xỉ một xã ở vùng Loan. Ở thôn Phi Nôm, riêng họp các đoàn thể thôn thôi cũng đã kín một hội trường. Bởi vậy ở nơi này chưa bao giờ có thể họp toàn thể Nhân dân thôn mà chỉ các tổ tự quản tổ chức họp”. Là người từ phía Bắc vào mảnh đất này sinh sống, những ngày đầu ông Nguyện chỉ nghĩ làm việc thôn để làm quen, gắn kết với mọi người trên miền đất mới. Chớp mắt gần 20 năm, trải qua cương vị trưởng thôn, rồi bí thư thôn ông đã nếm trải đủ những cảm xúc vui buồn khác nhau, cũng đã không ít lần có ý nghĩ dừng lại vì áp lực công việc, vì tâm tư của gia đình nhưng niềm tin của anh em các tổ tự quản, của bà con đặt vào quá lớn nên vẫn không thể nào dứt ra được. Ông Lê Hữu Nguyện đầy tự hào khi khẳng định: “Lãnh đạo thôn có thể không biết hết bà con, nhưng chắc chắn 100% bà con biết lãnh đạo thôn. Bởi bí thư, trưởng thôn thường xuyên, luân phiên tham gia cuộc họp thôn tại các tổ tự quản. Và niềm tin của bà con dành cho cán bộ thôn đủ để họ tìm đến khi gặp bất cứ thắc mắc hay khó khăn gì về mọi mặt trong đời sống”. Trước đây, các tổ tự quản còn có chế độ phụ cấp dù không bao nhiêu, song vẫn động viên được tinh thần anh em. Nhưng khi có chủ trương cắt chế độ từ cấp thôn phó trở xuống thì chỉ còn 2 cán bộ thôn có phụ cấp nhưng đảm nhiệm tới 3 chức danh: Bí thư, trưởng thôn, mặt trận thôn. “Thời điểm đó anh em các tổ tự quản lần lượt xin nghỉ mà tôi không biết xử lý thế nào. Phần vì tình nghĩa bao năm gắn bó, phần vì thôn quá rộng, quá đông dân nếu không có họ thì công việc chung sẽ gặp nhiều khó khăn. Gắng thuyết phục anh em mãi rằng vì tôi, vì bà con nên một số người tiếp tục gắn bó với công việc của thôn”, ông Nguyện chia sẻ. Dẫu cuộc sống đang phát triển theo công nghệ, các nhóm người tập hợp nhau thông qua các group trên mạng xã hội, nhưng ở thôn không thể áp dụng như thế. “Mỗi lần điều tra dân số chuẩn bị cho những sự kiện lớn như bầu cử… hay vận động người dân ủng hộ các quỹ, nộp thuế, tham gia phong trào thi đua, hay đơn giản nhất là tổ chức Trung thu cho các cháu… thì cán bộ thôn vẫn phải đến tận nhà để vận động bà con”, Bí thư Chi bộ thôn Lê Hữu Nguyện nói. Gần 20 năm làm việc thôn, ông Nguyện bảo rằng “có rất nhiều cách làm, nhiều nghệ thuật trong làm việc ở thôn bởi mỗi nhà một hoàn cảnh, mỗi người một tính nết không ai giống ai. Nhưng có một điều chắc chắn là không tâm huyết, không chân thành thì nói không ai nghe, không ai ủng hộ và giữa mênh mông việc thôn một mình làm sao xuể”.
Trong căn nhà của vị Bí thư Chi bộ thôn Phi Nôm có chồng sổ sách được chất cao gọn gàng ở một góc. Bởi đó là những sổ sách, báo cáo, giấy tờ của thôn mà bao năm qua ông Nguyện vẫn giữ để lúc cần còn tìm lại. Chồng tài liệu ấy mỗi ngày một cao hơn như công việc của cán bộ thôn mỗi ngày một nhiều. Ông bảo rằng “sắp xếp xong việc nhà thì dành thời gian làm việc thôn” nhưng người dân Phi Nôm vẫn thường thấy ông sau khi họp ở xã hay đi vận động, tuyên truyền trong thôn về lại đỏ đèn để bơm nước, bơm thuốc cho vườn hoa cúc sau nhà đến tối mịt. Và đó cũng là những câu chuyện đang diễn ra đối với những người “vác tù và” ở Bồng Lai, Phú Thạnh, Bắc Hội, Quảng Hiệp. Và tâm huyết là điều lớn nhất giúp họ bao năm qua vẫn gánh trọn cả hai vai, việc thôn, việc nhà.
HOÀNG MY