Qua hoạn nạn mới hiểu lòng nhau

03:10, 21/10/2020

(LĐ online) - Những ngày ở quê và sống chung với lũ, trong đầu tôi cứ hiện lên câu hát: "Trời rằng: Trời hành cơn lụt mỗi năm..." trong ca khúc "Tiếng Sông Hương" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

(LĐ online) - Những ngày ở quê và sống chung với lũ, trong đầu tôi cứ hiện lên câu hát: “Trời rằng: Trời hành cơn lụt mỗi năm...” trong ca khúc “Tiếng Sông Hương” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Đã quen với sự khắc nghiệt của đất trời, nhưng mảnh đất miền Trung vẫn không khỏi nhọc nhằn khi phải đang oằn mình trong cơn lũ lụt khủng khiếp, dồn dập. Nhưng, qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau, chưa bao giờ, những yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau lại hiện diện rõ ràng đến thế!
 
Nhu yếu phẩm được mang đến tận nhà cho những người già yếu
Nhu yếu phẩm được mang đến tận nhà cho những người già yếu
 
5 năm rồi, tôi mới ở quê đúng những ngày bão lụt. Cũng lâu lắm rồi, từ sau trận lũ lịch sử năm 1999 mà đến nay vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng trong ký ức của nhiều người, Huế quê tôi mới lại phải chịu trận lũ vừa lớn vừa kéo dài như những ngày vừa qua. Đến hôm nay, đã là gần nửa tháng sống chung với lũ...
 
Vẫn còn đó những lo lắng, bất an vì dự báo trời vẫn mưa to gió lớn và lại có tin bão khẩn cấp, nhưng chưa bao giờ, tôi thấy người quê mình ấm áp, nghĩa tình và thanh niên làng mình xốc vác như những ngày này.
 
Quê tôi giờ không còn nghèo, người dân đã không còn cảnh thiếu ăn như những mùa lụt xưa. Nhưng trong tình cảnh không kịp tích trữ lương thực vì mưa lũ bất ngờ kéo dài như thế, mỗi gói mì, cân gạo đều là sự chia sẻ kịp thời và thiết thực. Từng lon gạo, trái chuối, gói dưa muối,... được chuyền tay từ nhà này sang cho nhà khác. Bà con lối xóm chia sẻ cho nhau từng chút một để cùng vượt qua những thiếu thốn. Những ngày các cửa hàng bán gạo trong xã hết sạch hàng, tôi đã cảm động thật nhiều khi thấy anh thanh niên trong xóm chèo ghe đến từng nhà để hỏi: “Nhà bác còn gạo ăn không? Gạo nhà con đang còn, con mang cho mỗi người một ít ăn tạm”.
 
Facebook ngập tràn những lời kêu gọi, chia sẻ. Sốt ruột, xót xa với những cuộc gọi về nhà lúc được lúc không vì mất điện, những người con ở phương xa nhanh chóng huy động, quyên góp tiền bạc mua gạo, mua mì, mua máy xay xát mini gửi về Huế. Thanh niên trai tráng ở nhà lại vận động ghe thuyền lên đường lớn chở về, rồi lại chở mang đến từng nhà cân gạo, gói mì, chai nước... Khi nhìn thấy hình ảnh đó, ký ức trong trận lụt năm 1999 lại hiện về, để bất giác, trong đầu tôi hiện lên sự so sánh. Để thấy bà con quê mình đã không còn bị động, chịu cảnh ngồi co ro trong đói và lạnh chờ những chuyến hàng cứu trợ của Nhà nước như mùa lụt cũ. Những người trẻ năng động nay đã chủ động kêu gọi, nhanh chóng hỗ trợ kịp thời cho mọi người mà vẫn không quên dặn nhau trang bị áo phao để giữ an toàn cho bản thân. 
 
Nếu như hơn 20 năm trước, trong trận lụt lịch sử, cả mấy ngày liền chúng tôi mắc kẹt trong căn nhà có nước ngập đến tận cửa sổ, vừa sợ, vừa lạnh, lại vừa mù tịt thông tin bên ngoài. Thì bây giờ, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, mọi thứ đã được thay đổi. Đài phát thanh của xã liên tục cập nhật thông tin và cảnh báo cho người dân. Trang zalo “Trung tâm HueIOC” của tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên gửi thông báo khẩn, cách chủ động ứng phó với lũ và ngập lụt đến Zalo của từng người dân. Nhờ các trang báo điện tử mà mặc dù phải ở yên trong nhà do mưa lũ, mọi người vẫn cập nhật nhanh chóng tình hình thời tiết, các khu vực sạt lở, bị ảnh hưởng nặng. Và những hình ảnh được chia sẻ ngập tràn trên Facebook đã giúp những người con phương xa nắm được tình hình ở quê nhà, cho vơi bớt phần nào nỗi xót xa cách trở.
 
Giữa những biển nước mênh mông và mịt mùng mưa gió, giữa bộn bề những câu chuyện đau thương vì hy sinh, mất mát trong những ngày qua, sự chia sẻ đầy cảm thông và sự giúp đỡ tậm tâm từ khắp nơi đã khiến cho lòng người như được ấm lại. Cả nước vẫn đang hướng về khúc ruột miền Trung. Từ miền Nam là những chuyến hàng với áo phao, thuốc men, nhu yếu phẩm. Từ miền Bắc, người dân tự nguyện gói bánh chưng gửi đồng bào… Và chỉ cách đây mấy hôm thôi, những trái susu, củ cà rốt, bắp cải, khoai tây,... từ Lâm Đồng đã có mặt trong bữa ăn thiếu rau vì mưa lụt của những ngôi nhà nơi quê tôi - nhờ những chuyến xe thiện nguyện.
 
Nhiều đoàn từ thiện đã đến với miền Trung, mang theo các nhu yếu phẩm  cần thiết cho người dân
Nhiều đoàn từ thiện đã đến với miền Trung, mang theo các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân
 
Đúng ngày 20/10, thay vì tận hưởng ngày dành riêng cho phụ nữ, với hoa và quà, thì cô giáo cũ của tôi lại cùng đoàn thiện nguyện về vùng trũng Quảng Điền. Cô ở thành phố Huế, nhưng những ngày mưa lũ, thương học trò ướt hết sách vở, thương phụ huynh nhọc nhằn, cô huy động các mạnh thường quân từ nhiều nơi. Để trong những ngày vẫn mưa gió tơi bời, cô cùng đoàn ngồi ghe đến tận từng nhà, trao tiền và quà cho từng gia đình học sinh. Trên Facebook của cô, dưới những bức ảnh cập nhật tình hình của chuyến đi là vô vàn những lời dặn của học trò cũ dặn cô giữ gìn sức khỏe và an toàn. Bởi cũng giống như rất nhiều người phụ nữ trong những chuyến thiện nguyện đến với miền Trung những ngày này, cô giáo dạy Văn dịu dàng, mong manh thường ngày của chúng tôi, nay lại ngâm chân trong nước lũ, sình lầy, lại dầm mình trong cơn mưa nặng hạt và ăn vội gói mì cho bữa trưa. Thế nhưng tôi tin rằng, chưa bao giờ, hình ảnh họ trong mắt mọi người lại xinh đẹp và rạng ngời như thế. 
 
Chỉ mới tối hôm qua, người anh đồng hương đang là giáo viên tại TP Hồ Chí Minh nhắn tin hỏi tôi rằng: “Em có còn ở quê, xem bà con làng mình cần gì để tụi anh trong này huy động”. Không phải là gạo, là mì gói hay nhu yếu phẩm để cứu trợ khẩn cấp như những ngày đầu mới lụt, anh bảo các anh đang tính mua ít hạt giống bầu, bí, mướp đắng,... gửi về, vì “sắp Tết rồi, bà con cũng phải trồng trọt”. Những người con xa xứ vẫn đang một lòng hướng về quê hương, nhưng không chỉ tính chuyện trước mắt, mọi người đã tính chuyện dài hơi hơn.
 
Người Huế đi xa, ngoài những lo lắng quê nhà mùa mưa bão, họ còn có nỗi nhớ miên man về những cơn lụt mỗi độ cuối thu đầu đông. Bởi như anh bạn của tôi nói, rằng dù vất vả, cực nhọc, nhưng đó vẫn là những ngày chan chứa tình người và gắn với cả bầu trời kỷ niệm trong tuổi thơ của rất nhiều người...
 
THIÊN BÌNH