Sử dụng thiết bị bay UAV kiểm tra tình trạng vận hành của hệ thống điện

05:10, 05/10/2020

Thực hiện chủ trương ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 vào công tác quản lý vận hành của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã triển khai ứng dụng Thiết bị bay không người lái (UAV) vào công tác khảo sát, kiểm tra, quản lý vận hành lưới điện truyền tải...

Thực hiện chủ trương ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 vào công tác quản lý vận hành của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã triển khai ứng dụng Thiết bị bay không người lái (UAV) vào công tác khảo sát, kiểm tra, quản lý vận hành lưới điện truyền tải, giúp phát hiện sớm các hư hỏng bất thường trên lưới điện, tiết kiệm thời gian, công sức của công nhân, giảm ảnh hưởng của điện từ trường, giảm nguy cơ tai nạn lao động do trèo cao, đặc biệt là đối với lưới điện đi qua khu vực cao nguyên Lâm Đồng.
 
Khoảng cột 789 - 790 đường dây 500kV Di Linh - Tân Định dài 1.331m
Khoảng cột 789 - 790 đường dây 500kV Di Linh - Tân Định dài 1.331m
 
Đặc điểm địa hình vùng cao nguyên Lâm Đồng tương đối phức tạp, phần lớn là đồi, núi và những thung lũng sâu. Việc kiểm tra đường dây khu vực này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với các đường dây đi qua khu vực đèo Bảo Lộc, đèo Chuối và đèo Lò Xo Đại Ninh, địa hình núi cao, khoảng cột dài vượt qua các thung lũng sâu, có khoảng vượt dài hơn 1,3 km, khoảng cách từ đất đến dây dẫn hàng trăm mét. Để kiểm tra, giám sát dây dẫn, mối nối, khung định vị, phụ kiện... tại những khoảng vượt này rất khó khăn, việc sử dụng ống nhòm, máy ảnh, máy quay phim sẽ không hiệu quả, vì khoảng cách từ mặt đất đến dây dẫn quá xa. 
 
Trước những khó khăn trên, để tiếp cận gần với dây dẫn, dây chống sét, mối nối, mối vá, khóa néo, phụ kiện… ở độ cao trên hàng trăm mét với nhiều góc độ khác nhau, Truyền tải điện Lâm Đồng thuộc PTC3 đã sử dụng UAV với camera chất lượng cao (4k) bay dọc theo đường dây, quay phim và chụp lại hình ảnh rõ nét với độ tin cậy cao, chính xác, sau đó phân công người xem và kiểm tra lại các video đã quay để phát hiện các hư hỏng, bất thường (nếu có), từ đó kịp thời có kế hoạch xử lý các hư hỏng phát sinh trong quá trình quản lý vận hành nhằm ngăn ngừa sự cố xảy ra. Những thiết bị UAV đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng cấp phép từ năm 2019, nhưng đến nay Truyền tải điện Lâm Đồng - PTC 3 mới đưa vào ứng dụng rộng rãi trên địa bàn có đường dây 500 kV đi qua trên địa bàn Lâm Đồng.
 
Trước đây, để kiểm tra tình trạng các vị trí cột trên cao, các vị trí vượt thung lũng thì công nhân phải tiếp cận từng vị trí, sau đó tiến hành leo lên cột để kiểm tra. Công việc tốn rất nhiều sức lực của anh em công nhân, nguy cơ mất an toàn do ngã cao, do điện từ trường... nhưng vẫn không đảm bảo kiểm soát hết tình trạng trụ, phụ kiện trên cột do nhiều thành phần bị che khuất. UAV là giải pháp giúp giải quyết hiệu quả việc kiểm tra tình trạng kỹ thuật các cột vượt, các khoảng dây vượt sông, vượt thung lũng khó hoặc không tiếp cận được; đồng thời, ghi lại hình ảnh để phân tích, kiểm tra kỹ hơn, đảm bảo không để thiếu sót dẫn đến bất lợi trong công tác quản lý vận hành.
 
Ngoài ra, UAV còn giúp đơn vị truyền tải có thể kiểm tra nhanh, tổng thể hành lang tuyến, móng cột, trong một phạm vi cụ thể; đồng thời, hạn chế việc phải di chuyển nhiều và tiết kiệm thời gian cho công tác kiểm tra, bằng cách bay dọc theo hành lang quay phim, chụp ảnh chất lượng cao, để phân tích, đánh giá tình trạng hành lang và kịp thời đưa ra các giải pháp ngăn ngừa sự cố phù hợp với từng khu vực cụ thể. 
 
Ngoài Truyền tải điện Lâm Đồng, việc đồng bộ triển khai các ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải tại các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là đối với những địa hình khó khăn, phức tạp, đã và đang hỗ trợ có hiệu quả cho PTC3 trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị cấp trên giao là: “Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam”.
 
NGUYỄN NGHĨA - HOÀNG DŨNG