Bà Trần Thị Thanh (tổ dân phố Nghĩa Lập 2, thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương) trồng rất nhiều loại rau màu theo tiêu chuẩn nông sản sạch; đồng thời, liên kết với các hộ nông dân khác cùng trồng để cung ứng hàng chục tấn/ngày cho hệ thống các siêu thị trên toàn quốc.
Bà Trần Thị Thanh (tổ dân phố Nghĩa Lập 2, thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương) trồng rất nhiều loại rau màu theo tiêu chuẩn nông sản sạch; đồng thời, liên kết với các hộ nông dân khác cùng trồng để cung ứng hàng chục tấn/ngày cho hệ thống các siêu thị trên toàn quốc.
Bà Trần Thị Thanh cùng công nhân đang sơ chế cà chua để đưa đi siêu thị |
Bà Trần Thị Thanh đã có gần 15 năm liên kết trồng rau sạch theo tiêu chuẩn sạch. Cũng như nhiều hộ nông dân khác, ban đầu, bà Thanh trồng rau tự phát nhưng thấy cách làm này rủi ro cao, hiệu quả thấp nên đã tìm cách thay đổi. Bà Thanh kể, năm 2005, Hội Nông dân huyện Đơn Dương tổ chức hội thảo về xúc tiến thương mại. Qua hội thảo, bà được biết, lúc ấy METRO đang kết hợp với các đối tác xây dựng trạm trung chuyển rau quả tại Đà Lạt với quy trình khép kín từ khâu lựa chọn các trang trại đến việc tiến hành tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của METRO. “Trong buổi hội thảo ấy, biết gia đình tôi có 7 ha đất nông nghiệp, thế là họ đặt vấn đề hợp tác, tôi nghĩ đây sẽ là bước ngoặt cho cuộc sống của mình. Thế là, tôi bắt đầu trồng rau theo tiêu chuẩn METRO từ hồi năm 2006 - khi hệ thống METRO mở trụ sở ở Đức Trọng và khoanh vùng nguyên liệu đến tận Đơn Dương” - bà Thanh cho biết.
Để làm quy trình sản phẩm cho hệ thống siêu thị này, bà phải tuân thủ quy trình ghi nhật ký cho rau. Tuy cực nhưng hiệu quả làm rau theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp rất cao. Theo bà Thanh thì lúc đầu thấy khó chịu với cái kiểu ghi ghi chép chép, làm đến đâu thì kiểm tra kỹ thuật có đạt hay không đến đó..., nhưng rồi cũng quen. Đây là lối canh tác hiện đại để cho ra sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn nên không thể khác được. Từ khi hợp tác, thu nhập vườn rau của gia đình tăng lên đáng kể khoảng 250 triệu đồng/ha/năm.
Khi nguồn hàng của gia đình chưa đáp ứng đủ nhu cầu của siêu thị, bà tiến hành liên kết với nhiều hộ nông dân khác cùng chuyển hướng làm rau sạch, để giá cả và đầu ra không còn bấp bênh. Thế là, bà đi gõ cửa từng nhà, thuyết phục từng gia đình làm chung với mình. Ban đầu, khi hợp tác với METRO, các quy trình như ghi chép nhật ký, quản lý giống, phân bón... khiến họ cảm thấy rắc rối vì đã quen với phương pháp canh tác cũ. Nhiều người đã bỏ cuộc, có thời điểm bà Thanh bắt tay với hơn 100 hộ nông dân, tuy nhiên nhiều hộ không tuân thủ quy trình sản xuất phía đối tác đề ra, bà đành hủy bỏ liên kết. Qua nhiều năm hợp tác, cuối cùng cũng có 50 hộ dân với diện tích 30 ha có thể tự làm mọi việc theo đúng quy chuẩn. Bà Thanh tâm sự: “Đối với nhiều nông dân sản xuất tự phát, việc sản xuất theo tiêu chuẩn gặp nhiều khó khăn bởi họ phải biết cách quản lý đất sản xuất, giống cây trồng, phân bón, nước tưới, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch... Đây là những tiêu chuẩn cơ bản, nhưng không phải nông dân nào cũng có thể đạt yêu cầu. Tuy nhiên, qua tập huấn, các nông dân đều nghiêm túc tiếp cận và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, họ đã làm chủ được quy trình”.
Vì hệ thống các siêu thị kiểm soát đầu vào rất khắt khe nên mỗi hộ dân trồng, bà đều theo sát để hướng dẫn họ. Bà kiểm soát ngay từ ngoài đồng ruộng. Một khi sản phẩm đã đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo sạch. Thông qua ghi chép thường xuyên, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, đánh giá, kiểm tra chất lượng, người nông dân luôn có những điều chỉnh kịp thời, để cung cấp cho thị trường sản phẩm an toàn nhất.
Theo lịch vụ, tùy theo nhu cầu của thị trường, các diện tích trồng trọt sẽ luân canh trồng các loại rau khác nhau. Bà Thanh chia sẻ, kể cả những lúc nông sản rớt giá do đại dịch COVID-19 xảy ra, nguồn hàng bà đã ký với nông dân vẫn thu mua đảm bảo.
Sau nhiều năm làm ăn với hệ thống siêu thị METRO, bà đã mở rộng ra rất nhiều hệ thống siêu thị khác như BigC, Bách hóa xanh, Vinmart… Hiện, bà và các hộ nông dân liên kết trồng nhiều loại rau, củ, trong đó mặt hàng chủ lực là cà chua và đậu cove, sú… Với diện tích này, bà cho tiến hành trồng luân canh nên nguồn hàng đáp ứng cho hệ thống các siêu thị là 10 tấn/ngày.
Liên kết sản xuất để cung ứng cho hệ thống siêu thị giúp nông dân thị trấn Thạnh Mỹ yên tâm sản xuất. Từ đó, giúp họ đặt niềm tin cao hơn về nông sản sạch, trang bị đầy đủ những kiến thức chuyên môn, làm giàu được trên chính mảnh đất của mình.
HOÀNG YÊN