Công tác nhiều năm tại Phòng Nội vụ Đà Lạt và nay là chuyên viên của UBND TP Đà Lạt, anh đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của thành phố trong những năm gần đây.
Công tác nhiều năm tại Phòng Nội vụ Đà Lạt và nay là chuyên viên của UBND TP Đà Lạt, anh đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của thành phố trong những năm gần đây.
|
Anh Phạm Tấn Long tại Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của Đà Lạt |
Đó là anh Phạm Tấn Long, sinh năm 1988, người Đà Lạt, hiện là chuyên viên phụ trách về mảng CCHC tại UBND thành phố Đà Lạt.
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Đại học Hành chính quốc gia tại TP Hồ Chí Minh, anh về nhận công tác tại Phòng Nội vụ Đà Lạt, phụ trách công tác CCHC. Gần đây anh chuyển sang UBND thành phố Đà Lạt và là chuyên viên phụ trách công tác CCHC của thành phố.
Là trung tâm kinh tế và là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng nên Đà Lạt theo anh Long, luôn có lượng hồ sơ cần giải quyết hằng năm cao nhất trong 12 huyện, thành của tỉnh. Trung bình khối phường, xã mỗi năm theo anh Long phải giải quyết trên 150 nghìn hồ sơ; riêng cấp thành phố có khoảng 18 nghìn hồ sơ.
Nhưng con số trên còn chưa tính lượng hồ sơ giải quyết tại Chi nhánh Văn phòng Quản lý đất đai của thành phố, mỗi năm cũng từ 27-30 nghìn hồ sơ. Chỉ riêng lượng hồ sơ cấp phép xây dựng tại Đà Lạt mỗi năm cũng khoảng 3.600 - 4.100 - vào hàng lớn nhất tỉnh.
“Thực ra thì thành phố có rất nhiều qui hoạch. Khi tiếp nhận hồ sơ liên quan đến đất đai, xây dựng, ngành chức năng phải rà soát lại nhiều thứ, từ kiểm tra qui hoạch, kiểm tra nguồn gốc sử dụng đất, kiểm tra dữ liệu đất đai có liên quan đến rừng và đất rừng hay không… Tất cả cần có thời gian và mất nhiều công sức trong khi số cán bộ có hạn nên áp lực về thời hạn giải quyết hồ sơ rất lớn” - anh Long chia sẻ.
Nhưng dù khó gì thì như anh Long khẳng định, giải quyết TTHC đúng hạn cho người dân và doanh nghiệp vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của thành phố, nếu được trước hạn thì càng tốt, hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ trễ hạn. Trong trường hợp trễ hạn các cơ quan, đơn vị phải báo cáo thành phố để có văn bản xin lỗi.
Như trong năm 2019 vừa qua, 16 phường, xã của Đà Lạt đã tiếp nhận tổng cộng 151.048 hồ sơ, toàn bộ số hồ sơ này đều được giải quyết đúng hạn. Với cấp thành phố, Bộ phận một cửa thành phố tiếp nhận 18.685 hồ sơ, giải quyết được 16.948 hồ sơ, tỉ lệ giải quyết đúng hạn đạt 90,8%.
Trong số hồ sơ trên, thành phố đã có những bước tiến trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất lần đầu, đạt tỷ lệ 95,6%. Tuy nhiên, trong cấp phép xây dựng vẫn còn chậm, mới chỉ đạt mức trên 52,6%.
Để đẩy mạnh công tác CCHC của thành phố, Đà Lạt trong nhiều năm nay như anh Long cho biết, luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, đảm đương tốt công việc hằng ngày. Cùng đó, Đà Lạt theo anh, cũng là thành phố đi đầu Lâm Đồng về ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng đô thị thông minh, tìm kiếm, phát triển các phần mềm như là công cụ phục vụ, nâng cao hiệu quả giải quyết công vụ.
Gần đây, Đà Lạt đã ban hành 2 văn bản quan trọng về việc xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức chậm trễ trong giải quyết TTHC và chậm trễ hoặc không thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố. “Đây là những giải pháp quyết liệt của thành phố yêu cầu CBCCVC nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Không phải chờ hết giờ về mà nay phải nỗ lực giải quyết hết công việc” - anh Long cho biết.
Trong ứng dụng công nghệ thông tin, Đà Lạt đã có thêm các phần mềm khá tốt hỗ trợ cho công tác giải quyết TTHC. Như lĩnh vực cấp phép xây dựng Đà Lạt chẳng hạn, Đà Lạt đến nay đã đưa vào sử dụng phần mềm ứng dụng khá hiệu quả. Tính từ tháng 4/2020 đến nay, lượng hồ sơ trễ hạn lĩnh vực này đã giảm nhanh, trên 50% hồ sơ xin cấp phép xây dựng đã được giải quyết trước hạn.
Thành phố đến nay cũng sử dụng rất hiệu quả ứng dụng Đà Lạt trực tuyến để tiếp nhận ý kiến của người dân phản ánh, hầu hết kiến nghị của dân đều được thành phố ghi nhận và giải quyết. “Tỷ lệ hài lòng của người dân đã tăng lên và đây là điều làm chúng tôi rất vui” - anh Long chia sẻ.
Thêm một niềm vui nữa với anh trong công việc chính là Đà Lạt đã lấy lại vị thế dẫn đầu về CCHC của mình trong tỉnh.
Trong xếp hạng chỉ số CCHC của UBND các huyện, thành phố trong tỉnh năm 2019, Đà Lạt dẫn đầu 12 huyện, thành của tỉnh với 94,87 điểm, trong đó điểm tự chấm đã qua thẩm định 63,25 điểm, điểm điều tra xã hội học 31,62 điểm. So với năm 2018, Đà Lạt đã vươn lên 8 bậc trong bảng xếp hạng này.
Tại Hội nghị Tổng kết Chương trình tổng thể CCHC tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2020, định hướng cho giai đoạn 2021-2030 vừa qua; anh Phạm Tấn Long là 1 trong 40 cá nhân của tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh tuyên dương tặng Bằng khen về những thành tích đóng góp của mình cho công tác CCHC của thành phố Đà Lạt nhiều năm nay.
VIẾT TRỌNG