Trong 5 năm gần đây, trên cơ sở kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy, MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức cơ sở Đảng huyện Đạ Huoai đã và đang chỉ đạo, xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình nhằm thực hiện Chỉ thị 05/BCT "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" một cách thiết thực và hiệu quả nhất.
Trong 5 năm gần đây, trên cơ sở kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy, MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức cơ sở Đảng huyện Đạ Huoai đã và đang chỉ đạo, xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình nhằm thực hiện Chỉ thị 05/BCT “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” một cách thiết thực và hiệu quả nhất.
Trước hết, phải kể đến bốn mô hình tiêu biểu, đạt nhiều kết quả thiết thực, có sức lan tỏa rộng trong toàn huyện, đó là: Mô hình Ngày chủ nhật vì môi trường. Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Mô hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và mô hình xây dựng trường học kiểu mẫu, xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Mỗi mô hình có những hình thức, nội dung và kết quả rất đáng trân trọng. Nhưng, ấn tượng nhất vẫn là mô hình “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang” do Ủy ban MTTQ huyện chủ trì và người “cố vấn” quan trọng là đồng chí Bí thư Huyện ủy - Nguyễn Quý Mỵ.
Bước đi ban đầu
Việc rải vàng mã trên đường đưa tang, quàn người chết lâu trong nhà, tổ chức cưới tốn kém… đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân như một tục lệ trải qua nhiều thế hệ. Trong đôi mắt với ánh nhìn xa xăm về cái buổi ban đầu, ông Nguyễn Quốc Phi đương nhiệm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đạ Huoai, chia sẻ: Người Việt Nam mình trọng ngày mất hơn ngày sinh, nên mới chỉ lo việc tổ chức đám giỗ. Quan điểm “Nghĩa tử là nghĩa tận”, nên dù gia cảnh nghèo thế nào cũng dành tiền của, thời gian cho đám tang, coi đó là sự báo hiếu. Vì vậy, mới xảy ra việc quàn linh cữu trong nhà chờ giờ tốt, ngày tốt. Người chết nằm đó, người sống vẫn ăn uống rượu chè. Khi đưa tang thì rải thật nhiều vàng mã để người chết có tiền tiêu sài, hoặc rải tiền thật khi qua cầu để ông bà quá cố có tiền đò qua sông về thăm con cháu... Ngừng một lát, ông Chủ tịch Mặt trận cho biết thêm: Băn khoăn về những tập tục diễn ra hàng ngày, đồng chí Nguyễn Quý Mỵ - Bí thư Huyện ủy rất trăn trở về những tiêu cực mà nó đem lại. Nhiều ngày đêm suy nghĩ: Làm thế nào để thay đổi được những thói quen cũ, xây dựng được nếp sống văn hóa mới, đã thôi thúc người đứng đầu Đảng bộ huyện tìm ra cách làm phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị mà tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân các dân tộc trong huyện.
Đồng chí Vũ Thị Phương - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy nhớ lại: Đầu năm 2016, tôi còn là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện. Được giao nhiệm vụ, chúng tôi không khỏi băn khoăn. Nhưng được đồng chí Bí thư Huyện ủy động viên và gợi ý một số việc cần làm, Thường trực Mặt trận đã xây dựng nội dung mô hình mang tên “Ba không”: Không rải vàng mã trên đường đưa tang. Không để tang ma quá 48 giờ. Không tổ chức ăn uống linh đình”.
Thay đổi nhận thức và hành động
Công tác tuyên truyền về nội dung “Ba không” là phát pháo hiệu đầu tiên. Ban chỉ đạo mô hình chọn ba khâu đột phá để tuyên truyền. Một là: Cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện. Hai là: Ban trị sự các chùa trên địa bàn. Ba là: Các dịch vụ phục vụ tang lễ.
Thôn 6, xã Madaguôi được chọn là khu dân cư điểm về tuyên truyền và triển khai mô hình. Cũng có người chưa thông, cho rằng không rải vàng mã thì linh hồn người quá cố không siêu thoát. Đích thân bà Vũ Thị Phương - giải thích, thay vì rải vàng mã thì ta đốt có được không. Vì đốt là “Hóa vàng”. Mà hóa vàng thì người quá cố mới nhận được sự hiếu đễ của người thân. Nghe thuận tai, bà con hứa làm theo. Ban vận động cử cán bộ gặp gỡ các vị chức sắc trong chùa, nói rõ mục đích yêu cầu và lợi ích của mô hình để các vị ủng hộ. Trao đổi với các dịch vụ mai táng để chặn nguồn cung, trước mắt cam kết không mua, bán vàng mã cho các đám tang.
Bà Vũ Thị Phương nói thêm: Ngay khi khởi động công tác tuyên truyền, đồng chí Bí thư Huyện ủy cùng Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện xuống ngay thị trấn Madaguoi, gặp trực tiếp ông Lê Văn Điệp, Chủ tịch Hội Người cao tuổi - nay là chủ nhiệm câu lạc bộ dưỡng sinh để bàn cách triển khai mô hình. Có người bảo, không cho rải vàng mã thì rải gạo, muối, rải hoa tươi... Các ông ấy chỉ vận động dân, còn cán bộ thì sao?
Một vấn đề mới nảy sinh. Nhưng trong cái khó lại ló cái khôn. Ban chỉ đạo đã tìm ra cách làm phù hợp để thực sự thuyết phục... Trước tiên là chọn Ban công tác mặt trận, mà trực tiếp là trưởng ban, đóng vai trò như một người “thường trực” ở thôn, tổ dân phố. Về đốt vàng mã, Ban chỉ đạo cho làm sẵn các chậu kim loại, chứa vàng mã khi đốt không để tro bay ra môi trường.
Vận động cán bộ, đảng viên nêu gương, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Mở đầu là gia đình ông Trần Ngọc Cơ, Thôn 6, xã Madaguoi, có người thân có công với cách mạng qua đời. Gia đình đã không để nhạc hiếu quá 22 giờ. Tổ chức phúng viếng trong vòng 48 giờ (Quy định chung có thể đến 72 giờ). Không rải vàng mã trên đường đưa tang. Không tổ chức ăn uống linh đình.
Có một chuyện đáng nhớ: Ở xã Phước Lộc, một gia đình bà con người Mạ qua đời. Người dân tộc gốc địa phương không có tập quán rải vàng mã trên đường đưa tang. Nhưng có anh con rể là người Kinh, muốn làm “oai” với bà con nên vẽ đường cho gia đình mua vàng mã, thuê thợ kèn phục vụ đám tang… Được tin, ban chỉ đạo của thôn và xã đến vận động ngay, kiên quyết không để vi phạm. Sau đó, gia đình nghe theo, không tổ chức ăn uống linh đình, không rải vàng mã trên đường đưa tang.
Những việc làm trên đây đã có tác động lớn tới nhận thức đúng đắn và làm thay đổi hành động của toàn dân và những gia đình có người thân qua đời, thực hiện nghiêm các quy định trong mô hình này.
Và, hoa đã đậu quả
Từ đầu năm 2016, kể từ khi phát động đến nay, 61/61 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã đăng ký và triển khai thực hiện “Nếp sống văn minh trong việc cưới,việc tang và lễ hội” theo Quyết định số 26/QĐ của UBND tỉnh. 80% Nhân dân và 100% cán bộ, đảng viên trong huyện đồng tình hưởng ứng thực hiện mô hình. Có 414/425, chiếm tỷ lệ 97% các đám tang đã thực hiện “Ba không”.
Hiệu quả của mô hình đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”. Xây dựng ngày càng nhiều các khu dân cư văn hóa kiểu mẫu tại Đạ Huoai.
Có thể nói, mô hình “Ba không” đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong việc chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho dân của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể huyện Đạ Huoai. Thực hiện có hiệu quả mô hình này, như một mũi tên mà trúng nhiều đích: Vừa góp phần giữ gìn môi trường sạch đẹp, vừa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì giờ, tiền bạc của dân, cũng là một minh chứng cho việc thực hiện tốt công tác “Dân vận khéo”, đề cao vai trò người đứng đầu và trách nhiệm nêu gương của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên trong huyện. Đây chính là việc làm nhằm thực hiện thiết thực, có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ghi nhận thành tích này, Đảng bộ huyện Đạ Huoai là một trong ba đơn vị cấp huyện trong tỉnh được Tỉnh ủy Lâm Đồng tặng bằng khen nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
NGUYỄN THƯỢNG THIÊM