Bão số 10 đe dọa miền Trung, diễn biến phức tạp

06:11, 02/11/2020

Bão Goni sẽ là cơn bão số 10 trên Biển Đông năm nay và được nhận định ảnh hưởng trực tiếp, gây mưa lớn ở các tỉnh trung và nam Trung bộ, các tỉnh phía bắc Tây nguyên trong các ngày 4 - 6.11.

Bão Goni sẽ là cơn bão số 10 trên Biển Đông năm nay và được nhận định ảnh hưởng trực tiếp, gây mưa lớn ở các tỉnh trung và nam Trung bộ, các tỉnh phía bắc Tây nguyên trong các ngày 4 - 6.11.
 
Đường đi của bão Goni lúc 23 giờ ngày 1.11
Đường đi của bão Goni lúc 23 giờ ngày 1.11
 
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 1.11, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu - trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết sau khi không còn là siêu bão thì bão Goni vẫn là cơn bão mạnh và có diễn biến rất phức tạp, khiến các cơ quan dự báo quốc tế đang đưa ra những nhận định khác nhau.
 
Giảm cấp khi vào Biển Đông
 
Nhận định chung nhất của các đài quốc tế là sau khi vượt qua khu vực miền trung của Philippines và đi vào Biển Đông, bão Goni giảm cấp, hướng về phía đất liền các tỉnh Trung bộ nước ta. Sau đó, cường độ bão Goni tiếp tục giảm thêm. Tương tự, các đài quốc tế đều nhận định vùng cũng như khả năng ảnh hưởng khá rộng. Trong đó, cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo ngày 4.11 bão Goni sẽ ảnh hướng đến đất liền Việt Nam với cường độ cấp 8 - cấp 9, vùng tâm bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp thì rất rộng, có thể từ Hà Tĩnh đến khu vực Nam bộ với xác suất 70%.
 
Tuy nhiên, về cường độ bão khi ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam thì các đài quốc tế có những nhận định khác biệt nhau. Cụ thể, cơ quan khí tượng Hồng Kông dự báo cường độ khi ảnh hưởng đến đất liền còn mạnh đầu cấp 9, Nhật dự báo cuối cấp 9, Bắc Kinh (Trung Quốc) dự báo mạnh cấp 10 và Mỹ dự báo ở cuối cấp 10...
 
Nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia là khi bão vào Biển Đông vẫn có khoảng 20 - 30% khả năng mạnh lên và 60 - 70% khả năng yếu đi. Khu vực trọng điểm chịu ảnh hưởng của cả mưa và gió do bão số 10 hiện được xác định là các tỉnh trung và nam Trung bộ.
 
Trong khi đó, theo ông Trương Bá Kiên, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, khi đi vào Biển Đông bão số 10 sẽ đổi hướng nhiều lần và di chuyển chậm hơn bão số 9 nên khi cập bờ khả năng chỉ có cường độ gió mạnh cấp 8 - cấp 9, thậm chí suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
 
Gió mạnh trên biển, mưa lớn ở đất liền
 
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi quét qua khu vực miền Trung Philippines, đến 13 giờ ngày 2.11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,0 độ vĩ bắc và 117,2 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, tương đương sức gió từ 90 - 100 km/giờ, giật cấp 13.
 
Trong 24 giờ tới, vùng biển nguy hiểm do ảnh hưởng bão Goni, với gió mạnh từ cấp 6, giật cấp 8 trở lên là từ vĩ tuyến 13,0 đến 17,0 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 115,5 đến 120,0 độ kinh đông. Theo đó, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
 
“Trên đất liền, khu vực trọng tâm chịu ảnh hưởng của cả mưa và gió bão số 10 hiện được xác định là các tỉnh trung và nam Trung bộ. Dự báo nhiều khả năng từ ngày 4 - 6.11 dưới tác động của hoàn lưu bão số 10, các tỉnh trung và nam Trung bộ, khu vực bắc Tây nguyên sẽ lại xảy ra một đợt mưa to đến rất to”, ông Hưởng cảnh báo.
 
(Theo Thanhnien.vn)