Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra, vấn đề bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR), trong đó có bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) nóng lên tại nghị trường. Trước đó, ngày 23/7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về "Một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoàng dã".
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra, vấn đề bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR), trong đó có bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) nóng lên tại nghị trường. Trước đó, ngày 23/7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về “Một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoàng dã”.
Chỉ thị 29 cho thấy động thái mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn các đường dây săn bắt, vận chuyển và tiêu thụ ĐVHD, đặc biệt là các đường dây xuyên biên giới. Thủ tướng đề cập “tình trạng săn bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ, bất hợp pháp các loài ĐVHD vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số địa bàn, địa phương, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài ĐVHD trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và uy tín của đất nước trên trường quốc tế; cùng với đó còn có phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm...”. Người đứng đầu Chính phủ còn chỉ thị rõ các bộ, ban ngành cần tăng cường thực thi pháp luật và các hành động cấp thiết.
Tình hình các tỉnh miền Trung vừa mới chịu liên tục 6 cơn bão (từ số 8 đến số 13), gây lũ quét, sạt lở núi và lụt, càng cho thấy vấn đề QLBVR bức thiết. Ngoài việc khai thác gỗ trái phép, phá rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp trái pháp luật, tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và tiêu thụ ĐVHD ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Thực trạng đang đòi hỏi phải có những biện pháp can thiệp quyết liệt hơn trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và cả siết chặt quản lý theo các quy định về bảo vệ ĐVHD. Có như vậy mới ngăn ngừa các nguy cơ bùng phát những dịch bệnh tương tự COVID-19 trong tương lai, giảm tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng và thiệt hại kinh tế, các bất ổn khác trong xã hội. (Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong 50 năm qua, có đến 70% mầm bệnh toàn cầu được phát hiện được lây lan từ động vật, chủ yếu là ĐVHD).
Trước tình hình đó, tổ chức CHANGE (đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và Tổ chức Cứu trợ hoang dã WildAid triển khai khóa tập huấn báo chí dành riêng cho các nhà báo Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, nhằm chia sẻ kiến thức và kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD. Nội dung bao gồm các vấn đề thực tiễn như pháp luật, truyền thông, sức khỏe, đa dạng sinh học,... Theo đó, nhiều vấn đề có tính mục tiêu được đặt ra như: Giảm nhu cầu tiêu thụ các loài ĐVHD quý hiếm tại Việt Nam (tê giác, voi, tê tê, hổ, cá mập, rùa...); Nâng cao nhận thức nạn săn trộm ĐVHD xuyên quốc gia và vai trò của Việt Nam; Thay đổi hành vi của đối tượng mục tiêu thông qua chiến lược truyền thông và lãnh đạo trong cộng đồng; Hỗ trợ chính phủ trong việc tăng cường thực thi pháp luật; Điều phối chiến dịch đa tổ chức để chấm dứt nạn tiêu thụ thịt rừng ở Việt Nam.
Một hệ quả tiêu cực chưa được nhiều người hiểu một cách thấu đáo, đó là khi thú săn mồi biến mất thì các loại bệnh truyền nhiễm trở nên phổ biến hơn. Chưa kể đến hệ sinh thái mất cân bằng, phát sinh nhiều hệ lụy khác. Trong lúc đó, con người không thể dự đoán hết tác động của việc một loài săn mồi biến mất trong tự nhiên. Bởi, tầm tương tác rộng từ vài chục đến vài nghìn km2; và nó có tác động sau vài thập kỷ. Các chuyên gia và nhà khoa học cho biết, trên trái đất, ít nhất có 10 triệu loài đang tồn tại, trong đó có 7,7 triệu loài được ghi nhận. Nhưng, mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi năm đều có các loài lần lượt tuyệt chủng do thất bại trong tiến hoá hoặc chọn lọc tự nhiên. Cứ mỗi giờ có 3 loài biến mất; mỗi ngày có 150 loài bị mất đi; mỗi năm có từ 18.000 - 55.000 loài động vật và thực vật bị tuyệt chủng. (Theo WWF, ngày 28/10/2016, về “chỉ số hành tinh sống” (Living Planet Index): đại tuyệt chủng lần thứ 6 sẽ xảy ra với hơn 2/3 cá thể các loài hoang dã toàn cầu có thể biến mất vào 2020). Nhiệm vụ đặt ra đối với con người là: Bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn loài. Và vai trò của cơ quan truyền thông rất quan trọng góp phần thực thi nhiệm vụ này; thông qua các hướng tiếp cận: người nổi tiếng, mạng xã hội, chuyên gia, doanh nghiệp, thực thi pháp luật, tôn giáo, nghệ thuật và sự kiện.
Ở Việt Nam, ĐVHD được xếp như sau: hoàn toàn hoang dã (ví dụ voi,...), hoang dã được thuần hóa (voi Tây Nguyên,...), hoang dã được gây nuôi (hươu sao ở Vườn quốc gia Cúc Phương,...), hoang dã nguy cấp được gây nuôi (tê giác ở Phú Quốc hay gấu nuôi lấy mật,...) và hoàn toàn thuần hóa (trâu nhà, chó Phú Quốc...). Sức ép đối với các loài ĐVHD thể hiện ở sinh cảnh sống bị chia cắt, thu hẹp và suy giảm chất lượng, chủ yếu do xung đột với các hoạt động khai thác, canh tác, đầu tư, phát triển của con người. Cùng đó, do những tác động không nhỏ như: các loài hoang dã bị săn bắt, khai thác quá mức, thậm chí đến mức tận diệt; lối sống sử dụng sản phẩm ĐVHD ngày càng tăng; biến đổi khí hậu, ô nhiễm; sinh vật ngoại lai, xâm hại...
Ở Lâm Đồng, ngoài diện tích rừng rất lớn có hai vườn quốc gia, trong đó Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà trực thuộc UBND tỉnh. Đây là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học ở Việt Nam với 2.077 loài thực vật có mạch; 131 loài thú; 302 loài lan; 304 loài chim; 70 loài ghi nhận mới cho khoa học và 15 loài hạt trần... Giám đốc Vườn, ông Nguyễn Văn Hương cho biết Vườn cũng đã và đang chịu các thách thức đa dạng sinh học chung như nhiều nơi; bao gồm: sự phá hủy sinh cảnh và phân mảnh của hệ sinh thái (con người đã làm biến đổi một phần lớn bề mặt của trái đất); các loài xâm lấn; biến đổi khí hậu; cháy rừng... Đánh giá trên thế giới cho thấy, sự phá hủy sinh cảnh (37%), sự khai thác quá mức (17%), các loài xâm lấn (6%), sự ô nhiễm (4%), và bệnh (2%). Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đã và đang triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ, bảo tồn ĐVHG. Tỉnh Lâm Đồng có nhiều văn bản chỉ đạo bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất là ngày 20/10/2020, Văn bản số 8503 của UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, UBND huyện Lạc Dương và thành phố Bảo Lộc “Tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm vụ vi phạm khai thác rừng trái pháp luật tại Lô a, Khoảnh 1, Tiểu khu 132 huyện Lạc Dương và vụ vận chuyển động vật rừng hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tại thành phố Bảo Lộc”.
MINH ĐẠO