Màu xanh từ cà phê dần phủ kín các sườn đồi đầy sỏi đá. Nó giống như mầm xanh trong khát vọng thoát khỏi cuộc sống đói nghèo của hơn 40 hộ dân ở khu tái định canh định cư Bog Tiên ngày hôm nay.
Màu xanh từ cà phê dần phủ kín các sườn đồi đầy sỏi đá. Nó giống như mầm xanh trong khát vọng thoát khỏi cuộc sống đói nghèo của hơn 40 hộ dân ở khu tái định canh định cư Bog Tiên ngày hôm nay.
|
Người dân đã biết chăm lo làm ăn kinh tế để cải thiện cuộc sống |
“Như thế này là đã sướng hơn trước đây rất nhiều rồi”, ông Ha Tông (thôn B’Liang, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng) nói với nụ cười hạnh phúc. Nơi ông đứng, trước mặt là hồ Đại Ninh mênh mông, phía sau lưng là sân phơi với một bên là bắp, bên là lúa cùng căn nhà còn thơm mùi sơn mới. Quanh nhà là vườn cà phê trĩu quả đang đợi ngày thu hoạch. Cuộc sống bình yên giống như bao nơi khác ở vùng đất cao nguyên này. Đó cũng là ước mơ cả đời của một người đàn ông đã gần lục tuần như Ha Tông. “Mình còn may mắn hơn mấy người anh chị vẫn đang phải sống cùng cha mẹ ở R’Chai (xã Phú Hội) vì chưa có nhà để ở riêng. Ở đây rộng rãi, muốn trồng bắp, lúa hay cà phê gì cũng được”, ông Ha Tông tâm sự.
“Đây” chính là khu định canh định cư Bog Tiên - nơi 7 năm trước được bố trí đất ở và đất sản xuất cho 44 hộ, trong đó có 41 hộ là người dân tộc thiểu số thuộc xã Phú Hội và 3 hộ thuộc người dân xã Tà Hine. Theo bà Ma Vương Nai Huyền - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hine, đời sống của bà con hiện nay đã tương đối ổn định. Ngoài việc trực tiếp sản xuất trên diện tích đất được cấp, người dân còn đi làm thuê tại công ty rau sạch VinEco, Công ty nấm Ngọc Bích đóng trên địa bàn xã, góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Dẫn chúng tôi vào vườn cà phê mới ghép cải tạo, ông Ha Tông còn “khoe” những bụi cỏ lên cao ngang đầu trẻ con. Ông bảo: Ngày xưa toàn là đất trống, đồi trọc. Cái cuốc cuốc xuống không được, trúng phải đá, sỏi, mẻ hết. Người ta bảo đất này cùng lắm chỉ hợp để trồng cà phê mít. Thế nên khi dự án mới triển khai, phần vì khoảng cách xa xôi mà nhiều người không vào sản xuất, đất đai còn hoang hóa.
Ngày nay, đường giao thông trục chính đã được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân; hệ thống điện thắp sáng, giếng nước sinh hoạt đủ đầy, người dân được cấp thẻ BHYT miễn phí, được tạo điều kiện vay vốn NHCSXH để đầu tư phát triển sản xuất,... Nhiều hộ có điều kiện đã tự chỉnh trang, nâng cấp lại nhà ở sạch đẹp hơn. Như chính gia đình Ha Tông, nay đại gia đình đã không còn lo chật chội bởi sau vài năm vất vả cũng đã xây xong căn nhà rộng 170 m2, khang trang và sạch sẽ.
Ông Ha Tông cũng là đại diện cho người dân ở khu định canh định cư Bog Tiên này, bên cạnh việc chăm lo đời sống kinh tế gia đình, ông cũng thường xuyên nhắc nhở bà con chăm chỉ làm ăn. Họ bảo nhau rằng: “Đất đai có bao nhiêu cứ làm trước đã, ngày nông nhàn sẽ đi làm thuê. Nhà nước đã giúp mình có nhà, điện, đường, con cái có điều kiện đi học thuận tiện hơn thì giờ đến lượt bản thân mình phải cố gắng cho con cháu mình sau này bớt khổ”.
Rồi dần dà, những giọt mồ hôi thấm đất đã bắt đầu cho quả ngọt, người dân đã quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của chính mình. “Ở đây sướng hơn nhiều, vườn ở ngay cạnh nhà, muốn đi làm lúc nào cũng được”, bà Ka Phương chia sẻ. Sở dĩ như vậy vì bà Ka Phương không biết đi xe máy, khi còn ở nhà cũ bà phải hoàn toàn phụ thuộc vào chồng, hoặc tự “cuốc bộ” đi làm thuê cho người trong làng.
Lần đầu tiên được sở hữu căn nhà, mảnh đất của chính mình, bà Ka Phương chẳng giấu nổi cảm xúc mà khoe đủ thứ. Từ ngày được chia đất ở khu tái định cư, hai ông bà bảo nhau quyết tâm chăm chỉ làm ăn để có cuộc sống ấm no hơn. Giờ đây, hai người đã có điều kiện sửa sang lại căn nhà của Nhà nước hỗ trợ, mở thêm một tạp hóa nho nhỏ, bán vài thứ quà vặt cho đám trẻ con trong thôn và những nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống. Chồng bà có thêm nghề phụ hồ, nhận đi sửa sang lại căn nhà của những hộ định cư ở Bog Tiên.
Nhiều người nói rằng thời gian gần đây, đất ở Bog Tiên “có giá” hẳn. Nhưng người dân ở đây chẳng quan tâm đến điều đó, điều họ muốn bây giờ là làm sao có thêm ít đất để trồng cà phê, có tiền thì mua thêm con bò, vài con heo để tập trung chăn nuôi, phát triển kinh tế. Bởi trong suy nghĩ của những người như ông Ha Tông và bà Ka Phương, “an cư lạc nghiệp” đã thành, giờ phải làm sao cho cái “nghiệp” ấy phát triển hơn nữa để con cháu đời sau không còn phải chịu nỗi cơ cực, vất vả như cha ông mình.
Bằng mắt thường sẽ chỉ thấy có nhà cửa, ruộng vườn ở Bog Tiên đổi khác, nhưng thứ thay đổi lớn nhất có thể cảm nhận ở đây chính là sự cần cù, cố gắng trong chính tư duy của người dân.
HỒNG THẮM