Cam Cara ''bén rễ'' tại Tân Thanh

06:11, 06/11/2020

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả, chị Mạc Thị Vân (Thôn 3, xã Tân Thanh, Lâm Hà) đã trồng thử nghiệm thành công cam Cara hay còn được gọi là cam ruột đỏ. Đây được xem là một trong những loại cây có tiềm năng phát triển tại vùng đất này.

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả, chị Mạc Thị Vân (Thôn 3, xã Tân Thanh, Lâm Hà) đã trồng thử nghiệm thành công cam Cara hay còn được gọi là cam ruột đỏ. Đây được xem là một trong những loại cây có tiềm năng phát triển tại vùng đất này.
 
Vườn cam Cara của chị Mạc Thị Vân đang đem lại hiệu quả kinh tế cao
Vườn cam Cara của chị Mạc Thị Vân đang đem lại hiệu quả kinh tế cao
 
Không ngại tâm sự và dẫn chúng tôi tham quan khu vườn cam ruột đỏ hơn 3 năm tuổi đang cho trái với năng suất khá cao, chị Vân cho biết: Trước đây toàn bộ hơn 1 ha đất này gia đình chị dùng để trồng cà phê xen sầu riêng. Tuy nhiên, nhận thấy giá cà phê bấp bênh và có xu hướng giảm, thời gian thu hoạch kéo dài, nên vợ chồng chị Vân bắt đầu chuyển sang trồng cây cam Cara. 
 
Trong một lần đến thăm trang trại giống cây trồng ở thôn Định An, Hiệp An (Đức Trọng), chị Vân bị thu hút bởi vườn cây ăn trái sum suê, đặc biệt là cây cam ruột đỏ nên đã quyết định mua về trồng thử nghiệm trên diện tích 3 sào đất trước đây trồng sầu riêng nhưng không cho hiệu quả. Đồng thời, nhận thấy việc trồng cây theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, chị quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất. Không ngại thử nghiệm những kỹ thuật mới, năm 2018, chị Vân mạnh dạn phá thêm 7 sào cà phê cỗi của gia đình, cải tạo lại đất để trồng giống cam ruột đỏ. 
 
Chị Vân cho hay, để trồng một loại giống cây mới, chị phải lập trình chi tiết bảng theo dõi tiến trình sinh trưởng, phát triển của cây theo từng giai đoạn. Dựa theo đó, đánh giá và so sánh tốc độ phát triển, dự tính thời điểm ra hoa, kết trái của cây nhằm phù hợp với điều kiện thời tiết, từ đó rút ra kinh nghiệm chăm sóc dựa theo bảng phân tích đánh giá qua các năm.
 
Cam Cara có nguồn gốc từ Úc, quả hình cầu dài, vỏ trái dày, trọng lượng trung bình 200 g/trái. Vỏ trái khi chín chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng, màu da cam, nhẵn bóng, ruột có màu đỏ, ít hạt hoặc không có hạt. Cam ruột đỏ có vị ngọt dịu pha chút vị chua nhẹ, thơm hương bưởi, đặc biệt hàm lượng vitamin C trong cam lớn hơn rất nhiều so với các loại cam khác. Giống cam này có khả năng chống chịu sâu bệnh cao, ít tốn công chăm sóc, khả năng sinh trưởng tốt. 
 
“Phương pháp chăm sóc của tôi là ưu tiên yếu tố an toàn, hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học trên cây, hầu hết chất dinh dưỡng bổ sung cho cây sinh trưởng đều sử dụng các chất từ tự nhiên. Cây được bón chủ yếu là phân chuồng ủ mục và tưới đủ nước. Khi cây có biểu hiện bị sâu bệnh thì dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học”, chị Vân bật mí. 
 
Theo chị Vân, so với các loại cây có múi tại địa phương thì giống cam này cho năng suất khá cao và giá bán cũng khá hấp dẫn. Hiện giá bán trên thị trường vào khoảng 60 - 70 ngàn đồng/kg. Sau 3 năm cho thu bói, gia đình chị thu được 3 tấn trái với doanh thu 200 triệu đồng. 
 
So với các loại cây họ cam khác, cam Cara ra hoa, kết trái quanh năm nên không tạo ra sức ép về thời vụ thu hoạch. Năng suất ở năm thứ tư sau khi trồng đạt 8 tấn/ha, từ năm thứ năm trở đi năng suất thu hoạch sẽ đạt 15-20 tấn/ha, cho thu nhập cao gấp 2-2,5 lần so với năm thứ tư. Đặc biệt, nhờ có màu sắc bắt mắt, hương vị lạ, giá cả cạnh tranh nên cam ruột đỏ của chị luôn trong tình trạng “cháy” hàng.
 
Sau thành công từ việc chuyển đổi cây trồng cho thu nhập ổn định, chị Vân dự định sẽ tăng diện tích trồng cam ruột đỏ và tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật ghép cành, nhân giống để vừa có thể đáp ứng nhu cầu thị trường về cam thương phẩm và cung ứng cây giống cho người dân địa phương.
 
Ông Nguyễn Hải Quân - Chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho biết: Mô hình trồng cam ruột đỏ theo hướng hữu cơ của chị Vân đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân địa phương. Đây là hướng canh tác bền vững, mang lại thu nhập ổn định và đảm bảo an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.
 
Từ những thành công bước đầu này, hy vọng đây sẽ là tiền đề cơ bản để có những nghiên cứu chuyên sâu nhằm mở rộng mô hình tại các trang trại trồng cây ăn quả trên địa bàn xã. Đồng thời, tạo điều kiện để người làm vườn Tân Thanh tiếp cận với giống cam mới, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho năng suất cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân ở khu vực nông thôn.
 
H.YÊN - T.HIỀN