Đam Rông: Khẩn trương rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở

05:11, 04/11/2020

(LĐ online) - UBND huyện Đam Rông vừa có văn bản yêu cầu các ban, ngành, đơn vị sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân trước khi bão số 10 đổ bộ. Đặc biệt, khẩn trương rà soát, di dời nếu cần thiết các khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

(LĐ online) - UBND huyện Đam Rông vừa có văn bản yêu cầu các ban, ngành, đơn vị sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân trước khi bão số 10 đổ bộ. Đặc biệt, khẩn trương rà soát, di dời nếu cần thiết các khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
 
UBND huyện Đam Rông đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở
UBND huyện Đam Rông đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở
 
Theo đó, để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với tình hình mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, lốc có thể xảy ra trên địa bàn huyện; nhằm hạn chế thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước do ảnh hưởng của bão số 10 gây ra, UBND huyện Đam Rông yêu cầu Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Phòng NN-PTNT, Kinh tế - Hạ tầng, Giáo dục - Đào tạo và UBND các xã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND huyện.
 
Theo đó, UBND các xã, tiếp tục chủ động theo dõi, cập nhật diễn biến, ảnh hưởng thời tiết của cơn bão số 10 để kịp thời thông báo rộng rãi tới Nhân dân trên địa bàn, chủ động kiểm tra, gia cố nhà cửa, không đi qua hoặc chăn thả gia súc ven sông suối để tránh thiệt hại khi có mưa, lũ xảy ra. Đồng thời, sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban phòng chống thiên tai 24/24 giờ trong thời điểm mưa bão để thông tin báo cáo, kịp thời chỉ đạo, xử lý và ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai xảy ra. 
 
Rà soát các nhà dân, cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối; kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.  
 
Đối với những điểm xung yếu có khả năng xảy ra sạt lở đất như: Tỉnh lộ 724 đoạn tiếp giáp giữa xã Rô Men và Đạ M’Rông; Quốc lộ 27 đoạn đèo Phú Mỹ, xã Đạ K’Nàng..., chủ động liên hệ với chủ các loại xe máy chuyên dùng để xử lý kịp thời các điểm xảy ra sạt lở đất trên địa bàn. 
 
Các ban, ngành, đơn vị tiếp tục bám sát nhiệm vụ được giao để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng trên địa bàn huyện; chỉ đạo, bố trí lực lượng trực phòng, chống thiên tai khi có mưa lớn để phát hiện xử lý kịp thời các sự cố khi mới xảy ra.
 
Phòng Kinh tế - Hạ tầng chủ trì phối hợp với UBND các xã rà soát, thống kê các trang thiết bị, xe máy chuyên dùng đang hoạt động trên địa bàn huyện có thể tham gia ứng phó, khắc phục khi xảy ra sạt lở đất trên địa bàn. 
 
Phòng Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo, đôn đốc ban giám hiệu các trường học kiểm tra trường lớp học, cây xanh trong khuôn viên trường học để có kế hoạch, biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và chủ động trong công tác phòng chống mưa bão. Đồng thời, chỉ đạo ban giám hiệu các trường tuyên truyền, khuyến cáo học sinh không qua sông, suối khi nước sông, suối dâng cao, chảy xiết nhằm hạn chế các vụ đuối nước có thể xảy ra.   
 
Yêu cầu Ban Quản lý các thủy điện: Krông Nô 2 và 3, Đắk Mê thường xuyên phối hợp với Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện và UBND các xã dọc lưu vực sông Krông Nô, suối Đắk Mê trong việc thông báo tình hình mực nước tại lòng hồ; cảnh báo, chủ động thông báo lũ nhằm hạn chế thiệt hại phía hạ lưu công trình. 
 
HOÀNG SA