Nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình

06:11, 18/11/2020

Trong những năm gần đây, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực...

Trong những năm gần đây, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Có được điều đó là nhờ những nỗ lực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là trong việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống BLGĐ; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân, gia đình trong việc phòng, chống BLGĐ.
 
Tuyên truyền về công tác phòng, chống BLGĐ thường xuyên được các cấp hội Phụ nữ trong tỉnh lồng ghép vào các hội thi, hội diễn
Tuyên truyền về công tác phòng, chống BLGĐ thường xuyên được các cấp hội Phụ nữ trong tỉnh lồng ghép vào các hội thi, hội diễn
 
Nhận thức rõ những hệ lụy nghiêm trọng của tình trạng BLGĐ, thời gian qua, công tác phòng, chống BLGĐ đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp tích cực như: Tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, nói chuyện chuyên đề, tập huấn, hội thi phổ biến kiến thức, tuyên truyền, vận động các vấn đề về bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ, xây dựng gia đình văn hóa vào quy ước của các khu dân cư. Đồng thời, triển khai lồng ghép nhân rộng mô hình hoạt động phòng, chống BLGĐ trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hoá, chương trình xây dựng nông thôn mới... Việc lồng ghép được thực hiện từ tỉnh tới cơ sở, qua hệ thống các phương tiện thông tin, tuyên truyền. 
 
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, từ năm 2014- 2019, toàn tỉnh có 1.900 vụ BLGĐ được xử lý, trong đó có 87 vụ xử lý hành chính, 5 vụ xử lý hình sự. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 340.815/358.753 hộ gia đình được tiếp cận thông tin về phòng, chống BLGĐ, chiếm tỷ lệ 95%; 91,6% nạn nhân BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng, ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân; 95,45% tỷ lệ người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi. Theo thống kê của các ngành chức năng, số xã, phường, thị trấn có mô hình phòng, chống BLGĐ là 125/142 (chiếm tỷ lệ 88,02%). Hội LHPN các cấp trong toàn tỉnh thực hiện tập trung xây dựng và nhân rộng có hiệu quả các mô hình nhằm thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia, góp phần phát huy vai trò đại diện của các tổ chức hội trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em gái. Đến nay, đã duy trì 137 mô hình hoạt động có hiệu quả như Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Phòng, chống bạo lực trong gia đình”, Câu lạc bộ “Giáo dục cha mẹ nuôi dạy con tốt”, “Gia đình phát triển bền vững”... Các mô hình này hoạt động khá tích cực, hiệu quả nhất là trong việc tuyên truyền phổ biến cho hội viên tham gia các biện pháp phòng, chống BLGĐ, các tệ nạn xã hội, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng khu dân cư, góp phần xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ. Nhờ các mô hình phòng, chống BLGĐ, nhiều vụ bạo lực đã được can thiệp kịp thời, xử lý thành công bằng các biện pháp như: Góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư và hòa giải tại gia đình.
 
Có thể nói, đa phần các vụ bạo lực gia đình xảy là do xuất phát từ định kiến cố hữu về giới. Vẫn có những người mặc định tư tưởng nam trị, gia trưởng, xem nhẹ vào trò của người phụ nữ trong gia đình, coi hành vi bạo hành là đương nhiên, có thể chấp nhận được kiểu biện hộ “yêu cho voi cho rọt, ghét cho ngọt cho bùi”.
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống BLGĐ, hiện nay vẫn còn khá nhiều vụ bạo lực xảy ra ở các gia đình nông thôn, vùng sâu, vùng xa và gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Ngoài ra, do tâm lý sợ chê cười nên nhiều người trong cuộc ngại không muốn lên tiếng, hàng xóm biết nhưng có thái độ thờ ơ, coi đó là việc riêng “tự đóng cửa bảo nhau”, không ngăn cản, góp ý, thông báo cho chính quyền địa phương. Điều này khiến cho các vụ việc BLGĐ khó được phát hiện để có những biện pháp can thiệp kịp thời, dẫn đến không ít cuộc hôn nhân tan vỡ, nhiều gia đình tan nát với những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần dai dẳng. 
 
Mặt khác, công tác tuyên truyền, giáo dục chưa phong phú về hình thức; còn nhiều hạn chế về nhận thức và khả năng tiếp cận các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là về vấn đề phòng, chống BLGĐ, định kiến giới và bình đẳng giới. Công tác triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình điểm về phòng, chống BLGĐ còn chậm; hoạt động mô hình can thiệp phòng, chống BLGĐ phần lớn áp dụng kinh nghiệm từ thực tiễn địa phương, chưa có điều kiện giao lưu mô hình hiệu quả từ các địa phương khác trong và ngoài tỉnh... Để góp phần ngăn chặn BLGĐ, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tích cực tuyên truyền các kiến thức về luật pháp, đồng thời tiếp tục xây dựng có hiệu quả các mô hình phòng, chống BLGĐ ở địa phương, giúp mỗi người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững...
 
NHẬT MINH