Người giữ hồn chiêng

06:11, 26/11/2020

Khác với những tâm tư chất đầy ở phần lớn vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà chúng tôi đã đi qua - rằng văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, câu chuyện với già làng K'Brel ở xã Bảo Thuận (Di Linh) tươi sáng và phấn khởi hơn rất nhiều, với những gam màu đầy hy vọng.

Khác với những tâm tư chất đầy ở phần lớn vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà chúng tôi đã đi qua - rằng văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, câu chuyện với già làng K’Brel ở xã Bảo Thuận (Di Linh) tươi sáng và phấn khởi hơn rất nhiều, với những gam màu đầy hy vọng.
 
Từ lâu, già K’Brel (bên phải) đã là niềm tự hào của người dân thôn Krọt Dờng
Từ lâu, già K’Brel (bên phải) đã là niềm tự hào của người dân thôn Krọt Dờng
 
Năm 2012, già K’Brel được công nhận là nghệ nhân cồng chiêng của tỉnh. Nhưng từ rất lâu trước đó, người dân thôn Krọt Dờng nói riêng và xã Bảo Thuận nói chung đã xem ông là “tài sản” quý giá của buôn làng. Bởi ở người đàn ông 61 tuổi này luôn có một tình yêu, đam mê và tâm huyết to lớn với văn hóa cồng chiêng của người K’Ho Sre.
 
Ông kể rằng mình biết đánh cồng chiêng từ khi còn là một cậu bé, khi mà Bảo Thuận - mảnh đất mà ông đã sinh ra, lớn lên và gắn bó cả cuộc đời - có đến trên 93% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Đến bây giờ, trong ông vẫn còn vẹn nguyên ký ức về những ngày “ăn trâu” từ nhà này sang nhà khác, từ ngày này sang ngày khác, có khi kéo dài cả một tháng trời với đầy đủ những lễ nghi truyền thống của người K’Ho. Ở đó, nam đánh cồng chiêng, nữ múa xoang. Thế nên, “đó là những ngày mà tiếng chiêng vang lên rộn rã, và âm thanh đó luôn vang vọng trong đầu tôi, vừa quen thuộc, vừa thiêng liêng” - già K’Brel chia sẻ.
 
Gia đình già K’Brel có 3 anh em trai, thì cả 3 người đều được cha truyền dạy đánh cồng chiêng một cách thuần thục. Đến bây giờ, cùng với già K’Brel, người anh cả K’Brim năm nay 68 tuổi, người em út K’Brèl 50 tuổi vẫn thường xuyên tham gia vào các buổi biểu diễn, mà mới đây nhất là Ngày hội Đại đoàn kết ở thôn. Bộ chiêng 6 chiếc từ thời cha mẹ, ông chỉ còn giữ lại được 3 chiếc. Nhưng có được nghe ông nói về cách chỉnh chiêng, nhìn cách ông mân mê từng chiếc chiêng với sự tiếc nuối thấy rõ, mới hiểu được vì sao K’Hữu - công chức Văn hóa xã Bảo Thuận lại giới thiệu, già K’Brel là niềm tự hào của người dân thôn Krọt Dờng.
 
Bây giờ, trong thôn Krọt Dờng vẫn còn nhiều người già cùng thế hệ với già K’Brel biết đánh cồng chiêng. “Nhưng không phải ai cũng là nghệ nhân, bởi phải yêu, phải hiểu và cả 6 người trong đội phải phối hợp ăn ý, nhịp nhàng với nhau, mới đánh được tiếng chiêng mang cả “hồn” dân tộc” - già K’Brel nói.
 
Không chỉ đam mê, già K’Brel còn có vai trò quan trọng trong việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Bản thân ông đã quen với những chuyến biểu diễn, giao lưu, thi thố lớn nhỏ ở trong và ngoài tỉnh. Trong những lần đó, ông được nhìn thấy hình ảnh những người trẻ của các tỉnh thành khác, dân tộc khác biểu diễn văn hóa truyền thống của họ, và ông nghĩ lại địa phương mình. “Nếu không có sự kế thừa và tiếp nối của thế hệ trẻ, văn hóa cồng chiêng chắc chắn sẽ dần mất đi” - già K’Brel nghĩ vậy, và từ đó, ông quyết tâm vận động thanh niên trong thôn đi học đánh cồng chiêng... Bắt đầu từ con cháu trong gia đình, họ hàng. Rồi đến lớp cồng chiêng ở nhà thờ. Và sau này là nhiều lớp do Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Di Linh tổ chức. 
 
Với già K’Brel, đó là những chuyển biến mang nhiều hy vọng, bởi: “Bây giờ, lớp trẻ được Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ học đánh cồng chiêng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được thực hiện liên tục cũng giúp các cháu hiểu hơn vai trò của việc lưu giữ văn hóa truyền thống. Trong những người học hôm nay, nhất định sẽ có những nghệ nhân trong tương lai để thay thế thế hệ chúng tôi” - già K’Brel tâm sự. Niềm tin của ông là có cơ sở, bởi ngoài những lớp học đánh cồng chiêng ở địa phương, 5 năm qua, ông còn đứng lớp dạy cồng chiêng cho học sinh Trường Trung học Dân tộc nội trú huyện Di Linh. Thành quả của 5 năm đó, chúng tôi đã được trực tiếp nhìn thấy vào buổi chiều gần đây khi ghé thăm trường. Sau giờ học, tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã. Ấy là lúc chúng tôi biết rằng, mạch nguồn văn hóa Tây Nguyên vẫn đang chảy tràn ở thế hệ học sinh mới 13, 14 tuổi. 
 
Già K’Brel chia sẻ, mình cố gắng truyền dạy càng nhiều lớp, cho càng nhiều thanh niên càng tốt, để giữ gìn, bảo tồn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, để giữ gìn lại bản sắc dân tộc. Già bảo rằng, tre già thì măng mọc, sau này mình mất đi thì con cháu vẫn kế thừa và tiếp nối được. Điều khiến ông tự hào là bây giờ, con cháu trong nhà đều đã phần nào biết đánh cồng chiêng. 2 người con trai của ông - sau những năm tháng đi học xa nhà - nay trở về sinh sống và bắt đầu học đánh chiêng. Dù chưa thuần thục, nhưng có lòng yêu thích. Đối với những người lớn như già K’Brel, đó đã là một tín hiệu đáng mừng. 
 
Không chỉ đánh cồng chiêng, già K’Brel còn là một “nghệ nhân” đan gùi. Không chỉ là những chiếc gùi truyền thống, ông còn mày mò, học theo những mẫu mới từ các nơi mà ông sưu tầm. Ông bảo rằng vừa phải có khiếu, vừa phải kiên trì mới đan được những chiếc gùi đẹp. Có lẽ nhờ vậy mà gùi của ông thường được mua để làm dụng cụ biểu diễn với giá cao hơn gùi thường.
 
Trước sân mỗi ngôi nhà ở thôn Krọt Dờng mùa này phơi đầy lúa mới. Nhưng niềm vui của người dân trong thôn không chỉ lấp lánh từ những hạt lúa vàng, mà còn vì mới đây, tên của già làng K’Brel xuất hiện trong danh sách nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Lâm Đồng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố. Riêng với già K’Brel, điều này không quan trọng bằng việc ông vẫn còn cơ hội được mang tiếng chiêng của người K’Ho mà ông vẫn tự hào đi giao lưu với các dân tộc khác. Và mai này, tiếng chiêng sẽ còn tiếp tục “ngân dài” qua nhiều thế hệ.
 
VIỆT QUỲNH