Với tình yêu và niềm tự hào về văn hóa dân tộc Tây Bắc, ông Lý Chánh Thành ở xã Tân Thành (Đức Trọng), đã lưu giữ những trang phục, điệu múa của nhiều dân tộc, đặc biệt là múa Thái trên vùng đất Nam Tây Nguyên....
Với tình yêu và niềm tự hào về văn hóa dân tộc Tây Bắc, ông Lý Chánh Thành ở xã Tân Thành (Đức Trọng), đã lưu giữ những trang phục, điệu múa của nhiều dân tộc, đặc biệt là múa Thái trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Nhờ đó, vào dịp rằm tháng giêng hằng năm, những điệu múa này được chọn tham gia biểu diễn lễ hội ở thác Pongour.
Truyền dạy điệu múa xòe Thái cho các em học sinh |
Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông Lý Chánh Thành là người đàn ông có dáng người cao, giọng nói trầm ấm, nhìn bề ngoài trẻ hơn so tuổi ngoài 50 của mình. Rót chén nước chè mời khách, ông bắt đầu giới thiệu về quá trình gắn bó với văn hóa dân tộc Thái.
Đam mê nghiên cứu văn hóa dân tộc và là người được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, có lẽ vì thế mà những điệu múa, những làn điệu dân ca mượt mà, những bài múa Tây Bắc đã ngấm vào ông từ lúc còn nhỏ.
Ông nhớ lại, trong dịp trung thu năm ông học lớp 3, lớp của ông tham gia 1 tiết mục văn nghệ, cô giáo dạy điệu múa của người Thái, lúc ấy chỉ cần mở nhạc lên, cô giáo tập vài động tác là ông nắm bắt ngay bài nhạc và múa. Bởi là người tiếp thu nhanh nhất nên ông còn thay cô giáo truyền dạy lại cho các bạn, đó là điệu múa Thái đầu tiên ông được học.
Từ đấy, nhiều người biết đến tài nghệ của ông Lý Chánh Thành, mỗi khi thôn, xã có chương trình văn nghệ đều mời ông tham gia biểu diễn. Những điệu múa như hơi thở, là lẽ sống của cuộc đời và không biết từ bao giờ những câu hát, điệu múa Thái đã ngấm vào ông như một duyên nợ.
Tuy sinh ra và lớn lên ở Nam Tây Nguyên nhưng cốt cách người Tây Bắc vẫn luôn hiện hữu, ông tìm hiểu hết tất cả văn hóa Tây Bắc, qua bố mẹ, sách vở, Internet... Mỗi khi nghe nhạc Tây Bắc, ông không còn nghĩ gì ngoài những điệu múa.
Ông Lý Chánh Thành chia sẻ: Là một người dân tộc Tày, nhưng đặc biệt yêu văn hóa Tây Bắc, trong đó có văn hóa Thái, nên tôi ý thức rất sâu sắc về việc giữ gìn bản sắc truyền thống. Sau quá trình tích lũy vốn văn hóa dân tộc Thái, năm 1990, tôi bắt đầu truyền dạy các bài múa cho đội văn nghệ xã Tân Thành, chủ yếu là các bài múa: Khăn, quạt, nón, song, Phá Pét và các điệu xòe. Sau những ngày làm việc vất vả hay mỗi khi nông nhàn, mọi người lại tụ họp vào các buổi tối để tập văn nghệ. Ngày ấy, khi chưa có điện như bây giờ, mỗi người góp một bó củi rồi đốt lửa để cùng tập. Chúng tôi tập với lòng đam mê và nhiệt huyết để lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa của dân tộc nên mọi người tập luyện rất hăng say. Đến bây giờ những người trong đội văn nghệ ngày đó đã lên chức ông, chức bà nhưng vẫn tham gia biểu diễn khi có dịp.
Sau nhiều năm ông tự học, tự mày mò các điệu múa để biểu diễn và tập cho mọi người, đến năm 2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh có mở lớp dạy biên đạo múa cho những người nghiệp dư, vậy là ông được huyện chọn để đi học. Bài múa “Bài ca trên núi - tiếng khèn gọi bạn” của ông cùng với 4 bài của thầy dàn dựng được chọn biểu diễn trong lễ tổng kết khóa học ấy. Từ đó, ông có nền tảng để dựng bài biểu diễn.
Đội văn nghệ ở xã Tân Thành đã được ông truyền dạy các điệu múa, điệu xòe để biểu diễn vào các dịp lễ, tết và dịp đầu xuân năm mới, xem các tiết mục múa, xòe do đội văn nghệ biểu diễn như được hòa mình vào cuộc sống của người Thái. Ông là người góp phần đưa phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển đến các thôn trong toàn xã Tân Thành. Hàng năm, các đội văn nghệ tham gia giao lưu trong các dịp như ngày hội đại đoàn kết khu dân cư, các ngày Lễ, hội, Tết nguyên đán... Ông còn truyền dạy cho các em học trò biểu diễn vào các dịp Trung thu, Tết vì người nghèo để gây quỹ ủng hộ.
Dịp đặc biệt nhất đối với ông có lẽ là lễ hội thác Pongour. Đã trở thành thông lệ, cứ vào Rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm, ông lại tập hợp 60 anh chị em tham gia tập múa để biểu diễn trong lễ hội. Những khúc nhạc nổi lên, những điệu xòe Thái duyên dáng bắt đầu, bà con dân bản và du khách gần xa nắm tay nhau nhảy múa trên bãi đá Cát Tiên Sa. Trống, chiêng gióng lên báo hiệu giờ phút khai mạc, các trò chơi dân gian tập thể truyền thống của đồng bào Thái như ném còn, múa sạp, tò má lẹ... rộn rã.
Ông Lý Chánh Thành cho biết: Điệu múa dân tộc Thái rất hay, phong phú, đa dạng, càng tìm hiểu kỹ, biết nhiều sẽ càng yêu hơn. Trong kho tàng dân ca dân vũ của dân tộc Thái, xòe chiếm một lượng lớn và có một vị trí rất quan trọng. Người Thái múa xòe vừa thể hiện đời sống sinh hoạt, gắn bó cộng đồng, gắn bó với thiên nhiên, với tâm linh theo quan niệm âm dương ngũ hành xuất phát từ nền văn minh lúa nước, vừa thể hiện giá trị nhân văn, giá trị văn hóa sâu sắc.
PHONG VÂN