[links()]
Nhà kính, nhà lưới tại Đơn Dương đang được người dân ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao |
Cần quy hoạch vùng phù hợp, có quy mô và tỷ lệ hợp lý
Trước hết phải khẳng định, trong thời gian qua, việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có ứng dụng nhà kính, nhà lưới trong sản xuất đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, tạo nền tảng ứng dụng các công nghệ cao khác trong sản xuất nông nghiệp. Điều này đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất cây trồng, giảm tiêu hao về ngày công lao động, giảm chi phí vật tư nông nghiệp, tăng giá trị trên đơn vị diện tích so với phương thức sản xuất truyền thống, đem lại giá trị to lớn cho nông dân. TP Đà Lạt là địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chương trình giám sát được thực hiện nhằm đánh giá kết quả, tồn tại, hạn chế để xác định giải pháp thời gian tới. Đây là đợt giám sát chuyên đề thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Việc giám sát nhằm giúp UBND tỉnh có cơ sở đưa ra những quy định, quy chế cụ thể trong việc phát triển nhà kính, nhà lưới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Giám sát không phải đánh giá tiêu cực mà là định hướng, tìm ra hướng khắc phục tồn tại trong thời gian tới. Từ đó, nghiên cứu góp ý, đề xuất các giải pháp hữu ích nhằm quản lý, kiểm soát giảm thiểu tác hại nhà kính, nhà lưới. Theo đó, cần quy hoạch vùng phù hợp, có quy mô và tỷ lệ hợp lý. Hàng năm bố trí ngân sách xây dựng hệ thống kênh, mương thoát nước và thường xuyên khơi thông dòng chảy để tránh ngập úng cục bộ khi mưa lớn. Việc giám sát cũng nhằm mục đích giúp các nhà quản lý hoạch định và đưa ra các quy chuẩn về mật độ xây dựng, quy cách, thủ tục xây dựng nhà kính, nhà lưới để tỉnh xây dựng, ban hành quy định quản lý nhà kính, nhà lưới cụ thể, sát thực tiễn, phù hợp nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
|
Qua khảo sát tại các địa phương Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, đoàn giám sát nhận thấy: Môi trường bị ảnh hưởng do lũ lụt, ngập úng, khả năng thoát nước kém, rác thải nông nghiệp, vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chưa được thu gom và xử lý triệt để… Bà Lê Thị Xuân Liên - Trưởng đoàn giám sát cho rằng: “Sau khi khảo sát, các địa phương trên đều kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành đề án quy chế phát triển nhà kính, nhà lưới để đưa vào thực hiện công tác quản lý tốt hơn. Đồng thời, ban hành quy chế gồm bộ quy chuẩn kỹ thuật để hướng dẫn người dân làm nhà lưới, nhà kính”.
Trao đổi về vấn đề này, kiến trúc sư Lê Tứ - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, thành viên đoàn giám sát cho rằng: “Không ai hy sinh sức khỏe để làm kinh tế, nên trong thời gian tới tỉnh cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể về việc tác động từ nhà kính, nhà lưới đến sức khỏe con người để có hướng điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, khuyến khích thúc đẩy xây dựng và triển khai Đề án trồng cây phân tán, che bóng trong khu vực nhà kính và khu vực trồng cây chè, cà phê để giảm hiệu ứng nhà kính.
Sớm ban hành đề án quy chế về phát triển nhà kính, nhà lưới giai đoạn 2020 - 2025
Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng là đi rất sớm, thậm chí cả du lịch canh nông cũng định hình phát triển sớm so với các địa phương trong cả nước. Qua đó, cho thấy sự sáng tạo và đi trước đón đầu xu hướng tích cực về nông nghiệp và du lịch, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương. Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 4.200 ha nhà kính, trên 2.400 ha nhà lưới. Chúng tôi ghi nhận, tiếp thu các ý kiến xác đáng nêu lên những hạn chế và những tác động của nhà kính, nhà lưới tới môi trường, cảnh quan, sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có quy chuẩn nào quy định về phát triển nhà kính, nhà lưới, mà tùy theo sinh thái vùng khác nhau để có thiết kế nhà kính, nhà lưới khác nhau, phù hợp từng loại cây trồng khác nhau. Những nội dung đoàn giám sát nêu ra là rất phù hợp giúp UBND tỉnh có cơ sở để sớm ban hành đề án quy chế về phát triển nhà kính, nhà lưới giai đoạn 2020 - 2025, giúp người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đem lại nhiều giá trị kinh tế trong tương lai.
|
Giải pháp tối ưu được các thành viên đoàn giám sát, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đề xuất đó là cần tiếp tục rà soát quy hoạch, xác định vùng không xây dựng, vùng hạn chế, vùng sản xuất nông nghiệp bằng nhà kính, nhà lưới trên cơ sở các quy định của pháp luật, quy hoạch vùng, kế hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xác định các vùng không xây dựng nhà kính, nhà lưới, vùng hạn chế, vùng chỉnh trang đô thị nhằm hạn chế phát triển nhà lưới, nhà kính tự phát; đồng thời, triển khai trồng cây xanh trên bờ lô, bờ thửa, dải phân cách, để giảm hiệu ứng nhà kính và tạo cảnh quan trong khu vực sản xuất, có biện pháp thu gom, xử lý chất thải phù hợp với quy định về bảo vệ môi trường tại Quyết định số 2598/QĐ-UBND ngày 1/12/2014 Quy định tạm thời về tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với một số cây trồng, vật nuôi chủ lực. Tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp với các loại cây có giá trị kinh tế cao ngoài trời gắn với phát triển du lịch xanh, du lịch canh nông (đặc biệt là khu vực nội đô, xung quanh đô thị để giảm thiểu diện tích nhà kính, nhà lưới).
Mặt khác, cần khuyến cáo các hộ sản xuất sử dụng các mẫu nhà kính, nhà lưới hiện đại đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; giảm nhanh nhà kính làm bằng vật liệu tre, nứa; đồng thời, thực hiện thu gom rác thải nông nghiệp trong quá trình sản xuất đảm bảo mỹ quan đô thị và nông thôn mới. Tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao bằng công nghệ tiên tiến do Nhà nước nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất.
Trồng dưa lưới trong nhà kính cho sản phẩm sạch và chất lượng |
NGUYỆT THU