Nông dân bước vào vụ thu hoạch cà phê với nhiều khó khăn

06:11, 30/11/2020

Lâm Đồng đang vào mùa thu hoạch chính cà phê niên vụ 2020-2021, nhưng tình trạng khan hiếm lao động thu hái, giá thấp cộng với sản lượng sụt giảm khiến người dân gặp không ít khó khăn. 

Lâm Đồng đang vào mùa thu hoạch chính cà phê niên vụ 2020-2021, nhưng tình trạng khan hiếm lao động thu hái, giá thấp cộng với sản lượng sụt giảm khiến người dân gặp không ít khó khăn. 
 
Một nhóm thanh niên từ các tỉnh phía Bắc hái cà phê thời vụ cho một hộ dân tại huyện Bảo Lâm
Một nhóm thanh niên từ các tỉnh phía Bắc hái cà phê thời vụ cho một hộ dân tại huyện Bảo Lâm
 
Năm nay giá cà phê nhân khô tiếp tục ở mức giá khá thấp, dao động từ 31.000 tới 32.000 đồng/kg trong khi giá thuê nhân công thu hái cao khiến mỗi ha cà phê, người dân lời thấp hơn, thậm chí nếu không khéo léo tính toán, mỗi tấn cà phê bán ra chỉ vừa đủ giá thành sản xuất. 
 
Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng cho biết năm 2020, diện tích cà phê toàn tỉnh ước đạt 174.142 ha. Trong đó diện tích kinh doanh 162.040 ha, năng suất bình quân 31,9 tạ/ha, sản lượng 516.602,8 tấn. Theo thống kê, diện tích, năng suất và sản lượng cà phê đều giảm so với năm 2019 và không đạt kế hoạch. 
 
Nguyên nhân do một số diện tích cà phê vối tái canh chưa cho thu hoạch và nhiều hộ dân đã chuyển đổi cây trồng ngắn ngày cho thu nhập cao hơn như rau, hoa…, đồng thời do giá cà phê xuống thấp nên việc đầu tư chăm sóc vườn cây của người dân hạn chế. Điều đáng quan tâm là với diện tích cà phê kinh doanh lên tới 162.040 ha, như mọi năm, Lâm Đồng cần khoảng 80.000 lao động thời vụ để thu hái cà phê chín trong thời gian khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, lực lượng lao động địa phương chỉ đáp ứng được khoảng 40% tới 50% nhân công thu hái tại chỗ, còn lại phải cần lực lượng ngoài tỉnh đổ về.
 
Những ngày cuối tháng 11, về các huyện trọng điểm cà phê của tỉnh như Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, chúng tôi ghi nhận người dân ở đây đang “chạy đôn, chạy đáo” thuê nhân công thu hoạch. Tại khu vực ngã 3 cửa rừng, xã N’Thôl Hạ (huyện Đức Trọng), ông Trần Văn Côn (48 tuổi), hộ dân có 2,5 ha cà phê đã chín nhưng mới tìm được 4 người thu hái cho hay: Hiện nay việc thu hái cà đã vào chính vụ nên giá thuê nhân công đội lên hơn năm trước lên tới 300.000-340.000 đồng/người/ngày tùy việc cà phê tán lùn hay cà nuôi để ngọn, địa thế đồi núi trồng cà bằng phẳng hay dốc gắt. 
 
“Nếu thuê hái theo sản phẩm thì 1 kg cà tươi tôi phải trả cho họ 1.100 đồng/kg. Với năng suất cà phê nhân chỉ tầm hơn 3,5 tấn/ha, trừ chi phí công cán chăm sóc, thu hái, tỉa cành, phân bón thì với giá 31,5 triệu đồng/tấn cà nhân khô còn lời rất thấp, cao lắm chỉ tầm 5-10 triệu đồng trên một ha” - ông Côn phân tích.
 
Mặc dù giá thuê nhân công không hề rẻ nhưng việc tìm đủ người để thu hái đảm bảo năng suất, chất lượng cà lại không phải dễ dàng. Ông Côn nói thêm, dù mấy ngày nay ông tranh thủ ra ngã 3 cửa rừng 1-2 giờ đồng hồ để kiếm thêm 6 nhân công tập trung hái cho xong mảnh vườn nhưng 2 ngày rồi ông chưa kiếm thêm được ai.
 
Theo các chủ vườn cà phê tại Đức Trọng, trung bình một ha cà phê cần 10 đến 15 lao động thu hoạch trong thời gian 15 ngày. Do vậy, nhu cầu cần nhân công của các chủ vườn tại đây rất lớn khi bước vào thu hoạch rộ. Giá thu hoạch cà phê đầu mùa là 75 nghìn đồng/tạ tươi, nhưng do thiếu hụt người thu hoạch, hiện giá đã tăng lên 30.000 đồng, ở mức 110.000 đồng/tạ. 
 
Anh Lê Văn Uy, chủ vườn cà phê tại thị trấn Liên Nghĩa cho biết: “Tôi đi thuê người hái gần cả tuần nay mà chưa đủ người. Hiện cà phê trong vườn gia đình đã chín từ 70 đến 80% rồi, nên nếu không thu hoạch kịp sẽ bị rụng, dẫn đến năng suất, chất lượng không đảm bảo”. Với tình hình nhân công thu hái cà phê thiếu nghiêm trọng như hiện nay, anh Uy cũng như các hộ dân khác trên địa bàn lo lắng giá thuê hái cà phê sẽ còn tăng thêm trong những ngày tới.
 
Tương tự, tại dọc Quốc lộ 20, thị trấn Di Linh (huyện Di Linh), câu chuyện tìm người thu hoạch cà phê đang là chuyện “thời sự” của người dân ở đây. Khi chúng tôi vừa đến khu chợ cũ Di Linh, cũng lúc này, một chiếc xe khách chở khoảng gần 10 thanh niên ba lô lỉnh kỉnh bước xuống. Không phải là người dân nhưng có ít nhất 4 tài xế xe ôm xúm lại vây quanh hỏi có đi hái cà phê thuê không? Đây là cánh xe ôm, người tìm lao động ngoài địa phương thu hái cà phê cho các nhà vườn đang cần nhân công.
 
“Năm nay thuê người hái cà cao hơn năm trước nhưng số lượng người làm cũng không được nhiều. Tôi túc trực ở đây 3 tuần nay cũng chỉ dẫn mối được hơn 10 lao động từ nơi khác tới cho các nhà vườn” - ông Tài, một tài xế xe ôm khu vực trước UBND huyện Di Linh cho biết.
 
Theo nhiều bà con nông dân tại Di Linh, năm nay giá cà phê vẫn thấp ở mức 31.000-32.000 đồng/kg nhân khô, đồng thời sản lượng lại kém so với các năm trước đó do thời tiết mưa, nắng thất thường. Theo kinh nghiệm của nông dân, bình quân mỗi ha cà phê ít nhất phải cần từ 60 - 70 ngày công, tương đương từ 2-3 lao động thu hái trong vòng 1 tháng. Bình quân một gia đình có khoảng 2 ha thì phải thuê thêm từ 4 - 7 lao động/ngày để thu hái cà phê cho kịp thời vụ, tránh để cà phê chín rụng và tránh mất trộm cà phê. Với nhiều bất lợi nêu trên, người dân cho rằng nếu không có biến động tích cực về giá, thu nhập từ việc trồng cà phê năm nay tương đối thấp.
 
Theo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Lâm Đồng, trước tình trạng khan hiếm lao động mùa thu hoạch cà phê, hàng năm, trước khi vào mùa vụ thu hái cà phê, Sở đã có văn bản gửi các đơn vị cấp huyện yêu cầu tiến hành kiểm tra, hướng dẫn cho các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn về các quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ này. 
 
Trong khi đó, UBND các huyện có diện tích cà phê lớn như Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng đã yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn triển khai các phương án bảo vệ vườn cà phê cho nông dân cũng như tăng cường công tác quản lý nhân hộ khẩu lao động thời vụ tới địa phương, đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Tuy nhiên, mặc dù chính quyền địa phương, sở, ngành đã có nhiều phương án hỗ trợ, nhưng tình hình thiếu hụt lao động vào mùa thu hoạch cà phê vẫn tiếp diễn. Làm thế nào có đủ nhân công để thu hoạch cà phê đúng tiến độ, giá thành phải chăng và bảo đảm chất lượng, đây vẫn là bài toán khó chưa có lời giải thỏa đáng.
 
C.PHONG